Giới thiệu hình ảnh con trâu trên đồng ruộng
Thưa các bạn!
Con trâu trên đồng ruộng là một hình ảnh rất gần gũi với người nông dân Việt Nam. Người nông dân xưa vẫn thường hát:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công...”
(Ca dao)
Từ thời xa xưa, hình ảnh người nông dân cùng con trâu, vất vả một nắng hai mưa trên cánh đồng đã trở nên rất quen thuộc:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày...”
(Ca dao)
Thế rồi hình ảnh mục tử, mục đồng (đứa trẻ chăn trâu) véo von tiếng sáo giữa buổi chiều tà đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống yên bình nơi thôn dã:
“Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn...”
(Bà Huyện Thanh Quan)
Về với làng quê Việt Nam, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh con trâu đang cày bừa, hoặc đang ăn cỏ trên đồng ruộng.
Người nông dân có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong tình trạng sản xuất nông nghiệp còn ở trình độ thủ công, con trâu đúng là “cơ nghiệp” của nhà nông. Giờ đây, với tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, cái cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” sẽ dần dần không còn nữa.
Nhưng hình ảnh con trâu trên đồng ruộng đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người Việt Nam:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”
(Quê hương - Giang Nam)
Mời bạn đến với đồng ruộng Việt Nam để chứng kiến tận mắt cái cảnh thái bình yên ả, “trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay”...
Copyright © 2021 HOCTAP247