Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Viết bài làm văn số 3: Văn thuyết minh Hãy kể lại một chuyến tham quan mà em nhớ mãi (Chợ nổi Cần Thơ)

Hãy kể lại một chuyến tham quan mà em nhớ mãi (Chợ nổi Cần Thơ)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Hãy kể lại một chuyến tham quan mà em nhớ mãi (Chợ nổi Cần Thơ)

Tám năm về trước, tôi đến Cần Thơ thi Đại học. Lần ấy, tôi thi đậu cả ba trường. Năm đó, tôi mới 17 tuổi. Trước khi chọn trường và nhập trường, tôi xuống du thuyền đi chơi chợ nổi Cái Răng, cũng là với ý thức “Đi cho biết đó biết đây - Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Cần Thơ - Tây Đô, thủ phủ miền Tây Nam Bộ, nằm ở hữu ngạn sông Hậu Giang. Đứng trên bờ ngắm dòng sông Hậu, mà có cảm giác như đứng trước biển, ngút tầm mắt là cây lá xanh tươi, nhiều nhất là dừa. Cần Thơ là một thành phố trẻ. Nơi đây mênh mông sông nước, cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, cây trái bốn mùa xanh xanh tươi tốt. Nơi đây nổi tiếng với bánh xèo Cư Xá, bánh cống Sở Điện, lẩu mắm Dạ Lý, chè La San... Nơi đây có bến Ninh Kiều, điểm hợp lưu của hai dòng sông Cần Thơ và Hậu Giang. Dòng sông, bến nước và đặc biệt chợ nổi trên sông đã đưa Cần Thơ thành nơi thông thương với các tỉnh thành trong khu vực.
Lòng tôi cứ ngân nga mãi câu hát:

 Nước phù sa là nước sông Hậu,
Đất lành chim đậu là đất Cần Thơ.

Miền Tây Nam Bộ có nhiều chợ nổi. Chợ nổi hoạt động tự phát từ xưa tới nay, là nét văn hoá đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông giữa hàng trăm thuyền, ghe, xuồng của cư dân. Khúc sông họp chợ nổi không rộng quá mà cũng không hẹp quá, không cạn quá mà cũng không sâu quá, tiện giao lưu mà lại an toàn. Nơi cả người bán lẫn người mua đều dùng ghe thuyền di chuyển.
 
Chợ họp cả ngày nhưng đông vui nhất là từ mờ sáng đến khoảng 8 giờ thì vãn. Trái cây, khoai củ, rau củ, gia cầm, chất đầy thuyền. Muốn biết ghe thuyền của cư dân sông nước đến từ đâu chỉ cần nhìn vào mạn thuyền, mũi thuyền ghi mã số tỉnh được viết tắt bằng hai chữ cái đầu là rõ. Cần Thơ có nhiều chợ nổi đông vui, tấp nập như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Phụng Hiệp.
 
Người đi chợ nổi tuỳ xa hay gần, có thể lựa chọn một trong các phương tiện giao thông như xe bus, taxi, xe ôm, tàu du lịch, thuyền... Nhưng đi bằng thuyền là tiện lợi nhất.
 
Chợ nổi Cái Răng cách bến Ninh Kiều độ 5 cây số. Từ 5 giờ sáng, tôi đã xuống du thuyền đi chợ nổi Cái Răng. Xe trên bến, thuyền dưới sông lao vun vút.
 
Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Trái cây xếp đầy các thuyền, đã được phân loại nên đồng đều về độ tươi ngon, về độ lớn nhỏ. Các thuyền lớn đứng yên một chỗ. Thuyền nhỏ, ghe nhỏ thì chèo lách ngang dọc, quẹo trái, quẹo phải, di chuyển thoăn thoắt, tài tình. Người mua kẻ bán tính theo sọt, hoặc mua bán cả thuyền. Chào hỏi xởi lởi, mua bán vui vẻ, nhanh chóng. Tiếng cười nói, chào hỏi, tiếng chèo khua, tiếng nước vỗ mạn thuyền, ồn ào, náo động cả một vùng sông nước. Một quang cảnh tấp nập, nhộn nhịp đầy sức sống và êm ả thanh bình.
 
Khi mặt trời lên cao, thuyền các thương lái đầy ắp rau trái, nông sản đi về các bến xa, các thị tứ đô hội.
Trên chợ nổi cũng có quán nhậu, bán đủ thứ như hủ tiếu, bún, cháo, bánh xèo Nam Vang, cà phê, nắm xôi, đồ nhậu... Xuồng nhỏ chèo lách phục vụ khách ẩm thực đến tận nơi.
 
Dòng sông hiền hoà, con người hiền hoà. Thiên nhiên hào phóng, con người hào phóng. Một chuyến đi chơi chợ nổi Cái Răng thật vô cùng thú vị. Tôi mang theo tiếng hát trên sông, lòng nao nao trở về trường.

“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Copyright © 2021 HOCTAP247