Tóm tắt bài
1.1. Điệp ngữ và tác dụng của điệp ngữ
- Khái niệm
- Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng nhiều biện pháp lặp từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp như vậy gọi là phép điệp ngữ, từ ngữ được lặp gọi là điệp ngữ.
- Ví dụ
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đông minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
(Hồ Chí Minh)
Điệp ngữ: "Một dân tộc đã gan góc"
→ Nhấn mạnh sự gan dạ, dũng cảm của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và nhấn mạnh quyền được hưởng tự do, độc lập của dân tộc ta.
1.2. Các dạng điệp ngữ
a. Điệp ngữ nối tiếp
- Khái niệm: Là các từ ngữ được điệp liên tiếp nhau, tạo ấn tượng mới mẻ, có tính chất tăng tiến
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Thương em, thương em, thương em biết mấy
(Phạm Tiến Duật)
b. Điệp ngữ cách quãng
- Khái niệm: Là các từ ngữ được gián cách nhau, gây ấn tượng nổi bật, tạo tính nhạc
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
(Xuân Quỳnh)
c. Điệp ngữ chuyển tiếp (Điệp ngữ vòng)
- Khái niệm: Từ ngữ được điệp nằm cuối câu trên chuyển xuống đầu câu dưới tiếp với nó, làm câu văn, thơ liền mạch nhau.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Đoàn Thị Điểm)
Ví dụ
Đề bài: Tìm thêm các câu văn, câu thơ, ca dao...có điệp ngữ, chỉ rõ các dạng điệp ngữ và nêu tác dụng
Gợi ý làm bài
Ví dụ 1
Mai về Miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim, hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa, tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre, trung hiếu chốn này.
(Viễn Phương)
- Điệp ngữ: "Muốn làm"
- Dạng: Điệp ngữ cách quãng
- Tác dụng
- Điệp ngữ "Muốn làm" được lặp lại ba lần để thể hiện tâm trạng vương vấn, luyến lưu, muốn được ở lâu bên lăng của nhà thơ Viễn Phương.
- Mặt khác phép điệp từ còn bộc lộ cảm xúc thành kính, thương tiếc, ngưỡng mộ của tác giả, người con Miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Ví dụ 2
"Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa,thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang."
- Điệp ngữ: "Dưới bóng tre xanh"
- Dạng: Điệp ngữ cách quãng
- Tác dụng
- Tạo ra tính liên kết giữa các câu văn
- Tạo ra sự nhịp nhàng, dễ đọc, dễ nhớ
- Nhấn mạnh ý: Nền văn hóa Việt Nam ta có mối quan hệ mật thiết với bóng tre, tre chính là văn hóa của người Việt, là biểu tượng của văn hóa Việt.
Ví dụ 3
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu, rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình, thủy chung
(Tố Hữu)
- Điệp ngữ: "Nhớ"
- Dạng: Điệp ngữ cách quãng
- Tác dụng
- Điệp ngữ nhớ lặp lại 3 lần cùng với "Ngày xuân mơ nở trắng rừng" ,"Ve kêu, rừng phách đổ vàng";"Rừng thu trăng rọi hòa bình" tạo thành những nhát cắt thời gian để thể hiện hồi ức của tác giả.
- Cách sử dụng điệp ngữ trong đoạn trích cũng như cả bài thơ vừa làm nổi bật hồi ức của tác giả, vừa gây cảm xúc mạnh cho người đọc. Kỉ niệm đẹp đẽ về Việt Bắc và cuộc kháng chiến cứ hiện lên dồn dập.
3. Soạn bài Điệp ngữ
Để hiểu được khái niệm điệp ngữ, giá trị của điệp ngữ, cách sử dụng điệp ngữ, các em có thể tham khảo bài soạn Điệp ngữ.