Tóm tắt bài
2.1. Sự trong sáng của tiếng Việt
Biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt:
a. Biểu hiện 1:
- Tiếng Việt có hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cấu tạo lời nói, bài văn...
- Nguyên tắc:
- Phát âm theo chuẩn của một phương ngữ nhất định, chú ý cách phát âm ở phụ âm đầu, phụ âm cuối, thanh điệu.
- Tuân theo quy tắc chính tả, viết đúng phụ âm đầu, cuối, thanh điệu các từ khó.
- Khi nói viết phải dùng từ đúng nghĩa và đầy đủ các thành phần câu.
b. Biểu hiện 2:
- Tiếng Việt không cho phép pha tạp lai căng, sử dụng tuỳ tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác.
c. Biểu hiện 3:
- Việc sử dụng những từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa, thiếu lịch sự sẽ làm mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt.
- Yêu cầu: Cần phải thể hiện được tính lịch sự, có văn hoá trong lời nói.
Ví dụ 1:
Cho các câu sau. Em hãy cho biết câu nào đúng, câu nào sai? Vì sao?
- Câu 1: Khi ra pháp trường, anh ấy vẫn hiên ngang đến phút chót lọt.
- Câu 2: Truyện Kiều của Nguyễn Du đã nêu cao một tư tưởng nhân đạo hết sức là cao đẹp.
- Câu 3:Tình cảm của tác giả đối với non sông đất nước, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài tuy xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc.
- Câu 4: Đó là tình cảm của tác giả đối với non sông đất nước, với đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài – những người tuy ở xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc.
- Câu 5: “Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con”.
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
Gợi ý trả lời:
- Câu sai: Câu 1, Câu 2
- Câu 1: Sai về từ ngữ “ chót lọt” -> Câu không trong sáng.
- Câu 2: Sai về phong cách ngôn ngữ “ hết sức là” -> Câu không trong sáng.
- Câu đúng: Câu 3, Câu 4, Câu 5
- Câu 3, Câu 4: Có nội dung mạch lạc: nói về tình cảm của nhà văn đối với đất nước, con người. Các quan hệ trong câu rõ ràng, đảm bảo sự chuẩn mực về ngữ nghiã, ngữ pháp -> Câu trong sáng.
- Câu 5:
- Từ ngữ, hình ảnh “lưng trần”, “phơi nắng phơi sương”, “manh áo cộc” kết hợp biện pháp ẩn dụ -> hình tượng thực về cây tre -> người phụ nữ Việt Nam: trung hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, giàu lòng nhân ái.
- Các từ “lưng, áo, con” không chỉ diễn tả hình ảnh thực về cây tre, mà còn gợi lên một cách sâu sắc về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam, đồng thời còn gửi gắm thái độ, tình cảm của tác giả. Cách sử dụng từ ngữ của tác giả ở đây không chỉ chuẩn xác mà còn mang tính sáng tạo -> Câu trong sáng.
Ví dụ 2:
Cho các câu sau. Em hãy cho biết trường hợp nào cần và không cần sử dụng từ ngữ vay mượn? Vì sao?
- Câu 1: Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta – kỉ nguyên của độc lập, tự do và hạnh phúc
- Câu 2: Chỉ vài ngày sau khi Microsoft vá lỗi nghiêm trọng trong phần mềm xử lí file đồ hoạ, một hacker xưng là “cocoruder” đã công bố chi tiết về hai vấn đề tương tự trong hệ điều hành.
- Câu 3: Liên hoan festival nghệ thuật Tây Nguyên được tổ chức ở thành phố Buôn Ma Thuật
- Câu 4: Đơn vị đo dòng điện là vôn.
- Câu 5: Nước là hợp chất gồm hydro và oxy
- Câu 6: Các superstar thích dùng mobile phone loại xịn
Gợi ý trả lời:
Những từ vay mượn nước ngoài cần thiết
|
Những từ lạm dụng tiếng nước ngoài
|
- Cách mạng, kỉ nguyên, độc lập, tự do, hạnh phúc- thuật ngữ chính trị -> Từ vay mượn tiếng Hán
- Microsoft, cocoruder – danh từ riêng -> Từ vay muợn tiếng Anh
- Hợp chất- thuật ngữ khoa học-> Từ vay muợn tiếng Hán
- Vôn, hydro, oxy- thuật ngữ khoa học -> Từ vay mượn tiếng Anh
=> Đây là những thuật ngữ chính trị, khoa học không có trong tiếng Việt, vì thế đó là những từ vay mượn cần thiết
|
- File = tệp tin
- Hacker= kẻ đột nhập trái phép vào hệ thống máy tính
- Festival = liên hoan, lễ hội
- Superstar = siêu sao
- Mobile phone = điện thoại di động
=> Đây là những từ ngữ có trong hệ thống từ vựng tiếng Việt vì thế không nên lạm dụng tiếng nước ngoài.
|
Ví dụ 3:
Phân tích tính lịch sự, có văn hóa trong lời nói trong các trường hợp sau:
- Câu 1: Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(Ca dao)
- Câu 2: “Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?”
(Chí Phèo – Nam Cao).
Gợi ý trả lời:
- Câu 1: Cách xưng hô: mận, đào, vườn hồng => những hình ảnh ẩn dụ biểu tượng cho tình yêu của trai gái ngày xưa:
- Mận: Người con trai
- Đào: Người con gái
- Vườn hồng: Tình yêu đôi lứa
=> Cách nói bóng gió phù hợp với sự kín đáo, lịch sự, tế nhị trong tình yêu.
- Câu 2: Lời nói của Chí Phèo trong trích đoạn trên là lời nói của Chí khi đã bị tha hoá trở thành một tên côn đồ, bặm trợn, một con quỷ của làng Vũ Đại.
=> Lời nói không đảm bảo tính lịch sự, trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên điều này lại tạo được hiệu quả nghệ thuật bởi tác giả muốn nhân vật trực tiếp bộc lộ tính cách đối với người đọc qua chính những ngôn ngữ của mình.