Trang chủ Lớp 12 Ngữ văn Lớp 12 SGK Cũ Tuần 8 Ngữ Văn 12 Soạn bài Việt Bắc của Tố Hữu - Phần 1: Tác giả - Ngữ văn 12

Soạn bài Việt Bắc của Tố Hữu - Phần 1: Tác giả - Ngữ văn 12

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

2. Tóm tắt nội dung bài học Việt Bắc

  • Tố Hữu là nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam hiện đại. Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang  của dân tộc, đồng thời cũng là những chặng đường vận động trong quan điểm, tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật của chính nhà thơ.
  • Phong cách thơ Tố Hữu:
    • Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị.
    • Thơ Tố Hữu mang đậm khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn.
    • Giọng điệu tâm tình ngọt ngào.
    • Đậm đà tính dân tộc.

3. Soạn bài Việt Bắc - Tố Hữu - Phần 1: Tác giả

3.1. Soạn bài tóm tắt

3.2. Soạn bài chi tiết

Câu 1: Nêu những nét lớn trong cuộc đời Tố Hữu.

  • Tố Hữu (1920-2002).
  • Tên khai sinh: Nguyễn Kim Thành.
  • Quê quán: Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.
  • Thân sinh: là nho nghèo.
  • Thân mẫu: con một nhà nho, thuộc và hát dân ca rất hay.

⇒ Cả hai truyền cho nhà thơ tình yêu văn học dân gian.

  • Năm 13 tuổi: Học trường Quốc học Huế.
  • Tham gia phong trào đấu tranh cách mạng: 
    • 1938 :Kết nạp Đảng.
    • Cuối tháng 4-1939 bị thực dân Pháp bắt giam.
    • Tháng3-1942: vượt ngục ra Thanh Hoá tiếp tục hoạt động.
    • Cách mạng tháng Tám 1945: Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.
    • 1947: Ra Thanh Hoá, lên Việt Bắc công tác ở cơ quan TƯ Đảng, phụ trách văn hoá văn nghệ.
    • Trong hai cuộc kháng chiến đến năm 1986: Giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
  • Năm 1996: Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
  • Năm 2002: Nhà thơ qua đời.

Câu 2: Những chặng đường thơ của Tố Hữu gắn bó như thế nào với những chặng đường cách mạng của bản thân nhà thơ, với những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam?

  • Những chặng đường thơ của Tố Hữu gắn bó mật thiết với những chặng đường cách mạng của bản thân nhà thơ, với những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Có thể nói đường đời, đường thơ Tố Hữu luôn song hành cùng con đường cách mạng của cả dân tộc, phục vụ có hiệu quả cho cuộc cách mạng đó.
  • Mối quan hệ khăng khít, gắn bó đó được thể hiện trong các chặng đường thơ của Tố Hữu:
    • 1937 - 1946: Cách mạng giải phóng dân tộc: tập thơ Từ ấy.
    • 1946 - 1954: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: tập thơ Việt Bắc.
    • 1955 - 1961: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước: tập thơ Gió lộng.
    • 1962 - 1975: Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và ngày toàn thắng, thống nhất đất nước: tập thơ Ra trận (1962 - 1971), tập thơ Máu và Hoa (1972 - 1977).
    • Từ 1986 trở đi: Đất nước bước vào công cuộc đổi mới: các tập thơ Một tiếng đờn (1992) và Ta với Ta (1999).

Câu 3: Tại sao nói thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị?

Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị vì: 

  • Trong việc biểu hiện tâm hồn: thơ Tố Hữu hướng đến cái ta chung với những lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
    • Tình cảm lớn: tình yêu lí tưởng (Từ ấy), tình cảm kính yêu lãnh tụ (Sáng tháng năm), tình cảm đồng bào đồng chí, tình quân dân (Cá nước), tình cảm quốc tế vô sản (Em bé Triều Tiên).
    • Niềm vui lớn: niềm vui trước nhưữg chiến thắng của dân tộc (Huế tháng Tám, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Toàn thắng về ta).
  • Trong việc miêu tả đời sống: Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi:
    • Luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân:
      • Công cuộc xây dựng đất nước (Bài ca mùa xuân 1961).
      • Cả nước ra trận đánh Mĩ (Chào xuân 67).
    • Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự - đời tư: nên con người trong thơ Tố Hữu là con người của sự nghiệp chung, mang phẩm chất tiêu biểu cho cả dân tộc, mang tầm vóc lịch sử và thời đại: anh vệ quốc quân (Lên Tây Bắc), anh giải phóng quân (Tiếng hát sang xuân), anh Nguyễn Văn Trỗi (Hãy nhớ lấy lời tôi), chị Trần Thị Lý (Người con gái Việt Nam).
  • Giọng thơ mang chất tâm tình, rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành:
    • Xuất phát từ tâm hồn của người xứ Huế.
    • Do quan niệm của nhà thơ: “Thơ là chuyện đồng điệu…”.

Câu 4:  Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật Tố Hữu biểu hiện ở những điểm cơ bản nào?

Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật Tố Hữu biểu hiện qua các phương diện sau:

  • Về thể thơ: đặc biệt thành công khi vận dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc:
    • Lục bát ca dao và lục bát cổ điển (Khi con tu hú, Việc Bắc, Bầm ơi, Kính gửi cụ Nguyễn Du…).
    • Thể thất ngôn (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi, Theo chân Bác…) dạt dào âm hưởng, nghĩa tình của hồn thơ dân tộc.
  • Về ngôn ngữ:
    • Thường sử dụng những từ ngữ, những cách nói quen thuộc với dân tộc.
    • Phát huy cao độ tính nhạc, sử dụng tài tình các từ láy, các thanh điệu, các vần thơ,….

Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan,

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.

(Em ơi Ba Lan)

Thác, bao nhiêu thác cũng qua,

Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời.

(Nước non ngàn dặm)

Trên đây là những gợi ý trả lời hệ thống câu hỏi trong SGK để giúp các em soạn bài Việt Bắc phần tác giả được thuận lợi hơn. Và để củng cố kiến thức đã học và làm bài tập tốt hơn, HOCTAP247 mời các em tham khảo bài giảng Việt Bắc - Tố Hữu - Phẩn 1: Tác giả.

4. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1: 

Đề bài:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

     Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như lá đất rung.

     Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

     Dân công đỏ đuốc từng đoàn 

Dấu chân nát đá muôn tàn lửa bay.

    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

     Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về.

     Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng.

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài

  • Việt Bắc là một bài thơ hay của Tố Hữu và là một thành tựu xuất sắc của nền thơ kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954.
  • Nội dung cảm xúc chính của bài thơ là nỗi nhớ – một nỗi nhớ hướng tới nhiều đối tượng cụ thể vừa khác biệt vừa thống nhất với nhau. Ở đoạn thơ sau, nỗi nhớ như xoáy vào những ngày tháng hào hùng của cuộc kháng chiến (trích dẫn)

b. Thân bài

  • Trong tám câu đầu, nhà thơ vẽ lại rất sống động hình ảnh những đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch. Ban ngày kẻ thù đánh phá ác liệt, nhưng ban đêm thì ưu thế thuộc về chúng ta.
    • Khí thế ra trận bừng bừng của quân ta được miêu tả hết sức chân thực bằng những hình ảnh gân guốc, khỏe khoắn; bằng những từ tượng hình, tượng thanh chính xác; bằng một so sánh thoáng nhìn qua không có gì mới mẻ nhưng thực chất lại có ý vị.
    • Nét lãng mạn trong đời sống kháng chiến cũng được nói tới bằng hình ảnh vừa giàu ý nghĩa tả thực, vừa thấm đẫm tính tượng trưng: Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
    • Tuy mô tả cảnh ban đêm, nhưng bức tranh thơ của Tố Hữu lại giàu chi tiết nói về ánh sáng: ánh sáng của sao trời, của lửa đuốc, của đèn pha.
  • Để thể hiện không khí chiến thắng, tác giả lặp lại nhiều lần từ “vui” và đưa vào thơ một loạt địa danh thuộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, quyện hoà, xoắn xuýt với nhau. So với những nhà thơ khác như Quang Dũng, Hoàng Cầm, cách sử dụng địa danh của Tố Hữu vẫn có những nét riêng độc đáo.

c. Kết bài

  • Đoạn thơ đã thực sự làm sống dậy không khí hào hùng của một thời kì lịch sử không thể nào quên.
  • Qua đoạn thơ, ta thấy rõ Tố Hữu quả là người chép sử trung thành của cách mạng và là nhà thơ có khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về lịch sử dân tộc.

Câu 2:

Đề bài:

Xuân Diệu viết: “Tố Hữu đã đưa thơ trữ tình chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình” (Tố Hữu với chúng tôi, tldđ). Anh chị hiểu nhận xét đó như thế nào?

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài

  • Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị.
  • Dẫn ý kiến cần nghị luận.

b. Thân bài

  • Giải thích:
    • Thơ chính trị: Là thơ trực tiếp đề cập đến những vấn đề chính trị, những sự kiện chính trị nhằm mục đích tuyên tuyền, cổ động. Chính vì thế, thơ chính trị thường có nguy cơ rơi vào khô khan, áp đặt.
    • Ý kiến của Xuân Diệu: Tố Hữu đã “trữ tình hóa” thơ chính trị, để thơ chính trị thực sự là thơ, có sức rung cảm sâu xa. Đây là ý kiến đánh giá rất cao về thơ Tố Hữu.
  • Bình luận
    • Ý kiến của Xuân Diệu rất xác đáng và tinh tế, đánh giá, ghi nhận đúng vị trí đặc biệt và thành tựu lớn lao của đời thơ Tố Hữu.
    • Thơ Tố Hữu đúng là thơ chính trị, bởi đề tài trong thơ Tố Hữu là những vấn đề chính trị, hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn và niềm vui lớn của Đảng, dân tộc, cách mạng.
    • Nhưng thơ Tố Hữu cũng rất đỗi trữ tình. Tố Hữu đã đưa thơ trữ tình chính trị lên đến đỉnh cao. Có được điều ấy là nhờ những vấn đề chính trị trong thơ Tố Hữu đã được thực sự chuyển hóa thành những vấn đề của tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành, đằm thắm với một giọng thơ ngọt ngào, tâm tình, giọng của tình thương mến.
  • Chứng minh qua Việt Bắc
    • Việt Bắc là thơ chính trị (đề cập đến sự kiện lịch sử là cuộc chia tay giữa những người kháng chiến với nhân dân Việt Bắc tháng 10 năm 1954, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng ân tình cách mạng, niềm biết ơn sâu sắc với Đảng, Bác Hồ, căn cứ địa cách mạng, nhân dân…).
    • Nhưng Việt Bắc cũng rất đỗi trữ tình:
      • Nỗi nhớ đằm sâu, tràn trào, mênh mang, lan tỏa cả không gian và thời gian của “ta” và “mình”, người đi và kẻ ở gắn liền với tình cảm sắt son chung thủy – nỗi nhớ về cảnh và người, nỗi nhớ về những kỉ niệm… Bài thơ mang âm điệu của một bản tình ca ngọt ngào, đằm thắm (chú ý những câu nói về nỗi nhớ, khẳng định tình nghĩa ).
      • Cùng với nỗi nhớ, cảnh và người Việt Bắc hiện lên với những chi tiết vừa chân thực, giản dị, vừa lộng lẫy, tươi tắn, thơ mộng, giàu sức rung động lòng người (chú ý “Nhớ gì như nhớ người yêu…Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung).
      • Niềm vui hân hoa, âm điệu hùng tráng đậm chất sử thi (đoạn 2 – khúc hùng ca).
      • Giọng điệu ngọt ngào, tâm tình với kết cấu đối đáp, cách xưng hô mình – ta và thể thơ lục bát truyền thống, sở trường sử dụng từ láy và các hình ảnh so sánh ví von đậm đà tính dân tộc.

c. Kết bài

  • Khẳng định lại ý kiến.

5. Hỏi đáp về bài Việt Bắc - Tố Hữu - Phần 1: Tác giả

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HOCTAP247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

Copyright © 2021 HOCTAP247