Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Bến quê - Nguyễn Minh Châu Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện "Bến quê" (Bài 2)

Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện "Bến quê" (Bài 2)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu.

Hướng dẫn giải

   Nội dung tư tưởng của "Bến quê" được thể hiện qua những cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Nhĩ.

   Trước hết là cảm nhận của Nhĩ về vẻ đẹp thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, được nhìn từ khung cửa sổ của căn phòng mình.

   Cảnh vật được miêu tả theo tầm nhìn của Nhĩ, từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu, chiều rộng.

   Cảnh đó có những vẻ đẹp riêng mà được cảm nhận bằng những cảm xúc tinh tế. Những chùm hoa bằng lăng thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn, con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn, "những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ như một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ". Không gian và những cảnh sắc ấy vốn quen thuộc, gần gũi, nhưng lại rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó.

   Từ cảnh vật, hoàn cảnh của mình Nhĩ đã phát hiện quy luật giống như một nghịch lý của đời người.

   Hoàn cảnh của Nhĩ bệnh tật hiểm nghèo kéo dài, mọi sự phải trông cậy vào sự chăm sóc của vợ con. Trong cái buổi sáng đó, Nhĩ đã nhận ra như bằng trực giác, thời gian của mình như chẳng còn bao lâu nữa (chú ý những chi tiết: câu hỏi của Nhĩ với Liên: "Đêm qua lúc gần sáng em có nghe thấy tiếng gì không?" và "Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ?", còn Liên thì hầu như cũng đã cảm nhận được tình cảm ấy của Nhĩ, nên chị lảng tránh trả lời những câu hỏi của anh).

   Lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá, những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai của anh, và Nhĩ nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo và đức hi sinh thầm lặng của vợ (Nhĩ nói với Liên: "Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm ... mà em vẫn nín thinh", còn Liên đã trả lời: "Có hề sao đâu ... Miễn là anh sống, luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong nhà này". Chính trong những ngày cuối đời, Nhĩ mới thật sự thấu hiểu lòng biết ơn sâu sắc với người vợ: "cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên nét tảo tần và chịu đựng hi sinh từ bao thời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm ... Nhĩ đã thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này".

   Chính vào buổi sáng hôm ấy, khi nhận ra tất cả vẻ đẹp của cảnh vật rất đỗi bình dị và gần gũi qua ô cửa sổ căn phòng, đồng thời cũng hiểu rằng mình sắp phải giã biệt cõi đời, ở Nhĩ bừng dậy một niềm khao khát vô vọng là được đặt chân một lần lên bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống – những giá trị thường bị người ta bỏ qua, lãng quên, nhất là lúc còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang luôi cuốn con người tìm đến. Sự thức nhận này chỉ đến được với người ta ở cái độ đã từng trải, bởi thế đó là sự thức tỉnh có xen với niềm ân hận và nỗi xót xa "Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân sắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia".

   Không thể nào làm được cái điều mình khao khát, Nhĩ đã nhờ đứa con trai thay mình đi sang bên kia sông, đặt chân lên cái bãi bồi phù sa màu mỡ. Nhưng ở đây anh lại gặp một nghịch lý nữa: Đứa con không hiểu được ước uốn của cha, nên làm một cách miễn cưỡng và rồi lại bị cuốn hút vào trò chơi nó hấp dẫn nó gặp ngay trên đường đi, để rồi có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ sự việc ấy, Nhĩ đã nghiệm ra được cái quy luật phổ biến của đời người "con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình". Anh không trách đứa con trai bở vì "vả lại nó đã thấy gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu".

   Ở cuối truyện, khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi đất bên này sông, Nhĩ đã thu hết tàn lực dồn vào một cử chỉ có vẻ kỳ quặc "Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát – y nhưng đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó". Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Nhưng hình ảnh này còn gợi ra ý nghĩa khái quát đó. Đó là ý muốn thức tỉnh mọi đường đời, để dứt khoát khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.

   Nhân vật Nhĩ trong truyện là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điểm quan sát, suy ngẫm, triết lý về cuộc đời con người. Nhưng nhân vật không bị biến thành cái loa phát ngôn cho tác giả. Những chiêm nghiệm, triết lý đã được chuyển hóa vào cuộc sống nội tâm của nhân vật, với diễn biến của tâm trạng dưới sự tác động của hoàn cảnh được miêu tả tinh tế, hợp lý.

Copyright © 2021 HOCTAP247