Phân tích nhân vật Xi-mông (bài 1)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích nhân vật Xi-mông

Hướng dẫn giải

   Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

Thêm một người trái đất sẽ chật hơn

Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt"

   Vượt qua khuôn khổ trật hẹp của câu chữ, câu thơ trên đề cao vai trò, ý nghĩa lớn lao của bậc sinh thành đối với con cái. Thật hạnh phúc biết bao với những ai sinh ra và lớn lên luôn có cha, có mẹ bên cạnh. Nhưng cũng thật bất hạnh biết bao khi ai đó sinh ra trên đời đã thiếu vắng tình cảm của mẹ cha. Nhà văn Guy đơ Mô – pa – xăng lên mười tuổi đã phải chịu cảnh cha mẹ ly thân, lớn lên trong sự thiếu vắng tình cảm của người cha đã thấu hiểu tất cả nỗi đau bất hạnh ấy. Vì thế, bằng trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, Mô – pa – băng đã truyền tải nỗi đau đó qua câu chuyện "Bố của Xi – mông". Khép lại câu chuyện, hình ảnh cậu bé Xi – mông cứ hiện lên trong tâm trí, gây ám ảnh, day dứt trong lòng người đọc về tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia đối với cậu bé bất hạnh qua câu nói: "con không có bố"!.

   Câu chuyện xoay quanh tình cảnh đáng thương của cậu bé Xi – mông, sinh ra đã không biết mặt mũi cha mình là ai và luôn sống trong sự ghẻ lạnh, dè bỉu của mọi người xung quanh. Mẹ của cậu bé là Blăng – sốt. Trước đây chị là một cô gái đẹp nhất vùng, chỉ vì gặp phải sự dối lừa của một người đàn ông bội bạc mà chị đã để vụt mất tuổi thanh xuân và sinh ra Xi – mông. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau trong "một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ". Tuổi thơ của Xi – mông thấm đẫm nước mắt tủi hờn. Mặc dù, cậu được mẹ chăm sóc, yêu thương rất tận tình, chu đáo nhưng cũng không thể bù đắp hết được sự trống trải, cô đơn và nỗi đau khổ của một cậu bé thiếu vắng tình cảm của người cha. Vì thế, cậu tha thiết và nguyện cầu có một người cha bên cạnh. Nhưng với em, điều đó thật khó khăn và không tưởng.

   Do phải sống trong nghèo đói, Xi mông lên tám tuổi mới được cắp sách tới trường. Ngỡ tưởng rằng, đến trường, em sẽ được hòa mình với chúng bạn trên trang sách tuổi thơ nhưng không, ngay ngày đầu tiên đi học, Xi – mông đã bị bạn bè đem ra trêu chọc nhục mạ và thậm chí là bị đánh đập chỉ vì em sinh ra đã là đứa trẻ không cha. Với ngoại hình xanh xao, tính cách nhút nhát," gần như vụng dại", cậu bé không biết và cũng không thể phản kháng lại được trước những đứa trẻ hư, nghịch gợm và thiếu tình yêu thương, sự đồng cảm đó. Xi – mông chỉ biết khóc, khóc và khóc. Chi tiết giọt nước mắt thể hiện nỗi đau đớn, tủi hờn của Xi – mông đã được nhà văn miêu tả rất nhiều lần: "cảm giác uể oải thường thấy sau khi khóc", "và thấy buồn vô cùng, em lại khóc. Người em rung lên", "những cơn nức nở lại kéo đến", em "chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa và em chỉ khóc hoài", "em trả lời, mắt đẫm lệ, giọng ngẹn ngào, "ôm lấy cổ mẹ, lại òa khóc"... Việc tô đậm tiếng khóc của nhân vật, một mặt vừa diễn tả được tấn bi kịch tinh thần của cậu bé khi không có cha; mặt khác cho thấy được tấm lòng đồng cảm, xót thương nhân vật của nhà văn Mô – pa – băng.

   Suy nghĩ tiêu cực, cậu đã không thể vượt thoát ra khỏi những định kiến và cái nhìn khinh ghét của mọi người, Xi – mông đã bỏ ra bờ sông, định tự tử để giải thoát nỗi đau đớn này. Nhưng nhờ vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên, nỗi đau khổ trong em đã vơi bớt đi phần nào. Và rồi, dường như vẻ đẹp của thiên nhiên cũng không thể nào xóa hết trong lòng em những day dứt, đau đớn bấy lâu nay ở trong lòng. Em lại nghĩ đến nhà, rồi nghĩ đến mẹ, và thấy buồn vô cùng, em lại khóc. Hiện thực đắng chát ở trong lòng cứ xoáy sâu vào trong em, nỗi tuyệt vọng ngày một lớn dần đều. "Em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện....nhưng em không đọc hết được, vì những cơn nức nở lại kéo đến, dồn dập, xốn xang choán lấy em". Cuối cùng, dường như chúa trời đã thấu hiểu lời nguyện ước của em, một tình huống bất ngờ xảy đến, Xi – mông đã gặp cha. Đó là chú thợ rèn Phi - líp "cao lớn, râu tóc đen quăn... nhân hậu" đã lau khô nước mắt của cuộc đời em. Chú Phi – líp như một ông tiên có phép lạ, chỉ một câu nói giản đơn: "Thôi nào, đừng buồn nữa, về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu... một ông bố" đã xoa dịu nỗi đau buồn cô đơn trong lòng Xi – mông. Và rồi, hai bác cháu lên đường trở về nhà.

   Cuối đoạn trích, nhà văn đã khắc họa cảnh tượng Xi – mông nhận bác Phi – líp làm cha thật xúc động lòng người. Lời hỏi ngây thơ mà em hỏi bác thợ rèn: "Bác có muốn làm bố cháu không?" đã thể hiện niềm mong mỏi cháy bỏng đến không cùng của một cậu bé mồ côi cha. Và sau khi được bác thợ rèn nhấc bổng lên rồi hôn vào hai má và nói "Có chứ, bác có muốn" thì tâm hồn trong trẻo, non nớt của em đã hồi sinh trở lại. "Xi – mông im lặng một giây, để ghi nhớ cái tên ấy trong óc, rồi hết cả buồn, em vươn hai cánh tay nói: - Thế nhé! Bác Phi – líp, bác là bố cháu". Để rồi, ngày hôm sau tới trường, Xi – mông đã thật hãnh diện và hạnh phúc biết bao "như ném một hòn đá", quát vào mặt lũ bạn "Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi – lip". Sau này, Phi – líp đã làm bố thật sự của Xi – mông. Lòng nhân hậu của bác đã hóa giải nỗi đau, nỗi bất hạnh của chị Blăng – sốt, bé Xi – mông và mang lại hạnh phúc cho cả chính mình.

   "Bố của Xi – mông là câu chuyện về một mảnh đời đặc biệt của trẻ thơ, mảnh đời ấy nhắc nhở mọi người về quyền của trẻ em được sống trong tổ ấm gia đình. Nó còn cho thấy khát vọng trong sáng của tuổi thơ có thể đánh thức dậy ở người khác tình yêu thương, lòng nhân hậu và thái độ không định kiến với những người ở xung quanh mình" (Lê Nguyên Cẩn, Bố của Xi – mông, Cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học 9, tập hai, NXB Giáo dục)

Copyright © 2021 HOCTAP247