Có người cho hình ảnh ngọc trai, nước giếng là biểu tượng của tình yêu chung thuỷ giữa Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, người khác lại cho đó là sự hoá giải một nỗi oan tình
Đọc An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ, không ai có thể quên được hình ảnh đẹp đẽ, một kết thúc bi kịch nhưng hoàn mĩ cho câu chuyện là hình ảnh ngọc trai - nước giếng. Đó là chi tiết ngọt ngào cuối cùng đọng lại sau một bi kịch đau thương: bi kịch của âm mưu và tình yêu. Có người cho hình ảnh đẹp đẽ đó “là biểu tượng của tình yêu chung thuỷ”, người khác lại cho đó là “sự hoá giải một nỗi oan tình”. Những ý kiến khác nhau đó không phải là vô lí.
Câu chuyện tình Mỵ Châu, Trọng Thuỷ bắt đầu từ một âm mưu gián điệp. Trọng Thuỷ lấy Mỵ Châu ban đầu là do thực hiện âm mưu đen tối của người cha, đồng thời cũng là một vị vua đứng đầu một quốc gia. Lấy Mỵ Châu là để thực hiện nghĩa vụ của một người con với cha, một bề tôi đối với vua, một công dân với dân tộc. Mục đích cuối cùng của âm mưu ấy là lấy cắp được nỏ thần. Tình yêu của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ có sau âm mưu ấy.
Vậy đó có phải là tình yêu chung thuỷ? Tình yêu của Trọng Thuỷ chỉ được nảy sinh trong quá trình chung sống với Mỵ Châu. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng song song với ý đồ lấy cắp nỏ thần. Nhưng vì không phân định được đâu là chính, đâu là tà nên hắn quyết tâm thực hiện âm mưu của người cha. Âm mưu ấy đã mạnh hơn, ý thức về nghĩa vụ đã mạnh hơn và chiến thắng tình yêu. Có thể Trọng Thuỷ cũng hi vọng thực hiện được cả hai: hoàn thành nghĩa vụ và có được tình yêu nên trước khi chia tay hắn đã nói: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước bất hoà, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng thì lấy gì làm dấu?”. Song hắn đã không hiểu một điều rằng không bao giờ có sự chung sống, sự dung hoà giữa chiến tranh phi nghĩa và hạnh phúc tình yêu. Trong hai điều ấy, hắn buộc phải chọn một.
Và điều đó đã xảy ra. Khi hắn thực hiện nghĩa vụ cũng có nghĩa là hắn đã chọn chiến tranh phi nghĩa. Chỉ đến khi hắn thực hiện xong nghĩa vụ, hắn chiến thắng trên chiến trường và tình yêu không còn thì hắn mới thấy được điều đó. Hắn mới thấy rằng: không có tình yêu thì cuộc đời quá là vô nghĩa. Cái giá phải trả cho sự lựa chọn sai lầm là nỗi đau đớn tiếc thương, xót xa, ân hận khi mất đi người vợ mà hắn rất mực yêu thương. Nỗi đau đớn, sự ân hận ấy luôn vò xé trong con người hắn, hình ảnh Mỵ Châu luôn hiện hữu trong trái tim đau thương của hắn, cuối cùng tất yếu hắn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chỉ có như thế hắn mới mong có được sự giải thoát.
Chính tình yêu có thực đã giúp Trọng Thuỷ không mất hẳn mà hoá hồn vào nước giếng. Khi đem ngọc trai - hình hài mới của Mỵ Châu - rửa nước giếng- nơi Trọng Thuỷ lao đầu tự vẫn, thì ngọc sẽ sáng hơn, đẹp hơn. Như vậy là cả hai đã đi trọn bên nhau cùng với tình yêu của họ. Trọng Thuỷ đã nhận được sự tha thứ của Mỵ Châu. Tình yêu đã tha thứ, đã hoá giải cho sự đau khổ, ân hận trong trái tim Trọng Thuỷ. Và ngược lại, Mỵ Châu đã có thể minh oan được cho mình, bởi chỉ có Trọng Thuỷ mới là người hiểu được nỗi oan khuất của nàng và hoá giải được bằng tình yêu. Đó là một hình ảnh hoàn bích cho một bi kịch tình yêu.
Hình ảnh ngọc trai - giếng nước sẽ mãi mãi là điểm sáng nghệ thuật của truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ. Hình ảnh ấy sẽ còn mãi với thời gian, là bài học quý cho các thế hệ trẻ về cuộc sống và tình yêu về chiến tranh và khát vọng hạnh phúc.
Copyright © 2021 HOCTAP247