Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Uy - lit - xơ trở về (trích Ô - đi - xê) Phân tích nhân vật Uy - lít - xơ trong cảnh: “Uy - lít - xơ đấu trí, đấu lực với Pô - li - phem”

Phân tích nhân vật Uy - lít - xơ trong cảnh: “Uy - lít - xơ đấu trí, đấu lực với Pô - li - phem”

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phân tích nhân vật Uy-lít-xơ trong cảnh: “Uy-lít-xơ đấu trí, đấu lực với Pô-li-phem”

Sau hai ngày trở thành tù nhân của tên khổng lồ Pô-li-phem, sáu người bạn của Uy-lít-xơ đã bị kẻ tàn bạo, bất chấp cả mọi pháp luật ăn thịt, anh nung náu một ý nghĩ tìm mọi cách để trả thù và thoát ra khói hang sâu. Không thể nào nhấc nổi tấm đá rất to chắn cửa hang. Không thể nào dùng sức mạnh với kẻ tàn bạo mà mỗi bữa hắn nốc hết sữa cả một đàn cừu béo mập đông đúc, còn ăn tráng miệng hai người nữa!

Uy-lít-xơ lập mưu đâm mù mắt tên Pô-li-phem. Vũ khí lấy ở đâu? Đâm mù mắt con người tàn bạo vào lúc nào? Uy-lít-xơ cùng các bạn chặt một khúc gỗ cảm lãm bằng sải tay, bóc vỏ, đẽo nhọn, nung vào lửa hồng cho cứng rồi đem giấu dưới lớp phân cừu.
 
Tiếp theo Uy-lít-xơ lập mưu chuốc rượu tên Pô-li-phem.
 
Buổi chiều đi chăn cừu về, sau khi tên khổng lồ vắt sữa uống và bắt hai người nữa ăn thịt tráng miệng, thì Uy-lít-xơ cầm trong tay một bát rượu nho đem đến mời tên khổng lồ uống và cầu xin hắn rủ lòng thương tha cho được trở về nhà. Nốc hết bát rượu ngon, hắn xin thêm bát nữa, hết lời khen thứ rượu làm toàn bằng cam lộ và mật hoa. Hắn hỏi tên Uy-lít-xơ và hứa sẽ “biếu một tặng vật để tỏ tình hiếu khách”. Tên khổng lồ một mắt đã bị trúng kế. Uy-lít-xơ rót tiếp cho hắn bát rượu thứ ba, “một bát đầy tràn rượu màu đỏ”, hắn nốc cạn và say mèm. Đến lúc ấy, Uy-lít-xơ mới dùng những lời đường mật cho Pô-li-phem biết tên mình.
 
- Hỡi ngài Xi-clốp, ngài muốn biết tên tuổi quang vinh của tôi, vậy tôi xin nói. Nhưng về phần ngài, ngài cũng cho tôi một tặng vật để tỏ tình hiếu khách, như ngài đã hứa. Chẳng có ai là tên tôi, Cha tôi, mẹ tôi, tất cả bạn bè tôi đều gọi tôi là Chẳng có ai.
 
Thật ghê sợ! Cái tặng phẩm mà Xi-clốp hứa sẽ tặng Uy-lít-xơ để tỏ lòng hiếu khách là “sẽ ăn thịt các bạn ngươi trước, còn ngươi ta để lại sau cùng”.

Khi tên khổng lồ một mắt say rượu, “nôn ra cả rượu lẫn thịt người”, nằm vật ngã xuống, ngửa bụng lên trời, vùi mình trong giấc ngủ không thể nào cưỡng nổi thì Uy-lít-xơ mới ra tay hành động. Uy-lít-xơ cho nướng cái khoan gỗ cảm lãm to tướng dưới lớp tro dày nóng bỏng. Chàng khuyến khích các bạn, và bốc thăm chọn bốn người dũng cảm nhất cùng mình ra tay. Khi cái cọc gỗ cảm lãm “bốc cháy, toả ra một luồng ánh sáng ghê rợn”, cả bọn lôi cái cọc ra khỏi lửa “xoáy mãi vào mắt tên khổng lồ”. Thần linh đã run rủi cho họ trở nên vô cùng gan dạ. Máu vọt lên, tròng mắt tên khổng lồ cháy xèo xèo, nổ lép bép. Hắn hét lên một tiếng ghê người, tiếng hét dội vào núi đá vọng ra khắp cả xung quanh. Uy-lít-xơ và các bạn sợ quá, chạy trốn. Xi-clốp rút cái cọc đẫm máu ra khói mắt, và như diên như dại quẳng nó ra xa.
Cái tên bịa “Chẳng có ai” không chỉ đánh lừa được một mình Pô-li-phem mà còn đánh lừa được tất cả lũ khổng lồ Xi-clốp quanh vùng khi chúng nghe tiếng kêu cứu giữa đêm khuya của Pô-li-phem. Nếu không đánh lừa được lũ khổng lồ thì Uy-lít-xơ và các bạn mình làm sao tránh được sự báo thù ghê rợn sẽ xảy ra?
 
Qua các sự việc và hành động: chuẩn bị cọc nhọn, chuốc rượu và dùng lời đường mật để mơn trớn tên Pô-li-phem, bịa ra cái tên giả “Chẳng có ai” để đánh lừa tên độc ác. Dũng cảm chọc mù mắt tên khổng lồ - ta thấy mưu trí của Uy-lít-xơ thật tuyệt vời, sâu xa. Hiệp một, cuộc đấu trí với Pô-li-phem, chàng đã chiến thắng.
 
Sau khi bị đâm trọng thương, sức mạnh của Pô-li-phem đã bị Uy-Iít-xơ vô hiệu hoá. Mắt bị mù rồi thì làm sao nhìn thấy địch thủ để ra tay. Làm thế nào để lọt ra khỏi hang? Không nhấc được hòn đá rất to, rất nặng ra khỏi cửa hang thì làm sao thoát ra được. Bài toán khó ấy đã được Uy-lít-xơ giải đáp một cách tài tình.
 
Thằng khổng lồ dang tay đón bắt “Chẳng có ai” và đồng bọn vì hắn tin rằng “tên võ lại” ấy “chưa thoát chết được đâu”. Nếu bắt được kẻ tử thù của mình, hắn sẽ quật chết “cho óc vung vãi khắp hang” thế mới bõ căm hờn, và nỗi đau đớn “mới được đôi phần giảm nhẹ”.
 
Uy-lít-xơ lại bước vào một cuộc đấu trí mới. Chàng đã dùng dây miên liễu buộc cừu với nhau cứ ba con làm một, con đi giữa mang theo một người. Còn Uy- lít-xơ thì ôm ngang mình, nằm nép dưới bụng, bám chắc lấy bộ lông kì diệu của con cừu to lớn nhất bầy. Mặc dù tên khổng lổ quỷ quyệt sờ nắn từng con cừu một, nhưng hắn đã mù rồi, nên Uy-lít-xơ và các bạn đã thoát ra khỏi hang một cách dễ dàng lúc trời rạng đông.
 
Pô-li-phem bị tên “xảo quyệt” bắt mất một số cừu lông đẹp lùa xuống thuyền, còn bị chọc tức. Hắn có bao giờ quên được lời nhục mạ của tên “Chẳng có ai”:
 
- Bớ Xi-clôp, nếu có người hỏi ai đã làm nhục mi, đâm thủng mắt mi, thì mi hãy trả lời: đó là Uy-lít-xơ, người triệt hạ thành trì, con của La-éc-tơ, nhà ở I-tác nhé!
 
Hành động Pô-li-phem bứt ngang một chỏm núi ném theo đoàn thuyền đã cho thấy hắn có một sức mạnh ghê gớm, hắn vô cùng uất hận và cảm thấy chua cay vì bị thất bại thảm hại trong cuộc đấu trí với một con người “xảo quyệt”.
 
Đọc đoạn sử thi này, ta vô cùng cảm phục Uy-lít-xơ, một người trần mà mưu trí sánh ngang thần linh. Uy-lít-xơ là một anh hùng văn hoá. Cuộc đấu trí giữa Uy- lít-xơ và Pô-li-phem đã góp phần tô đậm chủ đề chinh phục thiên nhiên để khai sáng văn hoá của sử thi Ô-đi-xê.

Copyright © 2021 HOCTAP247