Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa Thân phận bi thương của người phụ nữ trong ca dao: Thân em như hạt mưa sa…, Thân em như hạt mưa rào

Thân phận bi thương của người phụ nữ trong ca dao: Thân em như hạt mưa sa…, Thân em như hạt mưa rào

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Thân phận bi thương của người phụ nữ trong ca dao: Thân em như hạt mưa sa…, Thân em như hạt mưa rào

     Người phụ nữ Việt Nam từng trải qua một thời kỳ đau đớn với nhiều sự chà đạp, vùi dập. Ở đó, họ không là phận liễu yếu đào tơ được chở che, ngược lại còn nhận lại nhiều bi thương, tủi hờn. Đã có rất nhiều bài ca dao, tục ngữ đồng cảm cho nỗi đau của họ. Cùng phân tích những bài ca dao “Thân em như hạt mưa sa…”, “Thân em như hạt mưa rào…” để cảm nhận rõ ràng hơn số phận bi thương của người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ.

Thân phận người phụ nữ thông qua câu ca dao

Mở bài cảm nhận câu ca dao thân em như hạt mưa sa

     Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao tục ngữ giữ một vị thế lớn với sự phong phú, đa dạng, vô cùng đồ sộ. Đó là những đúc kết kinh nghiệm, lời dạy của ông cha ta truyền lại. Và ca dao than thân lại một cách để người ta bộc bạch những sự giày vò, khổ cực không biết bày tỏ với ai. Ví như:

                         “Thân em như hạt mưa sa
                    Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”

Hay 

                         “Thân em như hạt mưa rào

                    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa”

Thân bài cảm nhận câu ca dao thân em như hạt mưa sa

     Câu ca dao là lời của người phụ nữ đang tự than khóc cho mình “Thân em”. Tuy nhiên, đó không phải một người mà là một tập thể người phụ nữ trong xã hội phong kiến lạc hậu. Mở đầu bằng “thân em” là mô típ khá quen thuộc của ca dao than thân, hướng đến số phận hẩm hiu, cuộc sống nhiều bấp bênh của người con gái thời đó. Bấy giờ, phụ nữ bị xem là gánh nặng của xã hội, cũng bởi suy nghĩ người phụ nữ là “xương sườn thứ bảy của đàn ông” nên mặc nhiên họ bị rẻ rúng, phải phục dịch người đàn ông và nằm ở phía đáy của xã hội.

     Thêm vào đó, quan niệm sống “trọng nam khinh nữ”, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một nam cũng là có, mười nữ cũng bằng không) càng làm sâu sắc thêm sự xem nhẹ người phụ nữ. Điều này khiến cho chúng ta không khỏi băn khoăn, đồng cảm khi phụ nữ thời này không được hưởng quyền bình đẳng, phải cam chịu nhiều cay đắng cùng sự khinh miệt. Số phận, cuộc đời cũng vì thế trở nên lênh đênh, vô định.

     Người phụ nữ tự ví mình là “hạt mưa sa”, “hạt mưa rào” tuy trong trắng, thanh thuần nhưng chỉ xuất hiện vội vàng, rồi cũng biến mất nhanh như cơn mưa mùa hạ, bọt bèo, nhỏ nhoi. Người phụ nữ tựa cơn mưa cũng vì số phận lênh đênh theo dòng nước, cứ thuận theo tự nhiên mà rơi xuống rồi phó mặc cho đời, dựa vào địa hình, địa thế chảy đi đâu không thể tự mình quyết định, giống như Hồ Xuân Hương từng viết: “Ba chìm bảy nổi với nước non”, “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.

     Nếu may mắn, người phụ nữ là hạt mưa “vào đài các”, “vào vườn hoa”, được sinh ra trong một gia đình quyền quý, giàu sang hoặc là người phụ nữ được gả cho một gia đình vương giả, bề thế. Ở đó, thân phận của người phụ nữ sẽ bớt đi phần bi thương, họ được chở che, hưởng những đặc quyền của người có quyền, có tiền. Đây là cuộc sống mà bất cứ cô gái nào cũng mơ ước, gia cảnh tốt sẽ giúp người phụ nữ đỡ đôi ba phần thiệt thòi. 

     Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng được sinh ra trong quần là, áo lụa hay may mắn được gả vào gia đình có gia thế. Hình ảnh đối lập “hạt ra ruộng cày”, “hạt rơi xuống giếng” khiến người đọc không khỏi xót xa. Bởi vẫn có những phận đời kém may mắn hơn, xuất thân nghèo khó, nên phải gắn với ruộng đồng, nương rẫy.

     Người phụ nữ cũng chỉ quần quật làm việc, để nuôi sống mình và nuôi sống, phục dịch gia đình. Lúc này, như một hạt mưa bé nhỏ, người phụ nữ hòa mình vào đất, hòa mình vào một nơi tù túng, tối đen như giếng nước, tan ra rồi biến mất mãi mãi cùng bùn đất. Như vậy là đã phân định xong một kiếp người. 

     Thật đáng thương cho phái yếu trong thời đại phong kiến lạc hậu, cổ hủ này, quyền con người với họ không hề có ý nghĩa. Khi được sinh ra mang hình hài con gái, người phụ nữ đó biết trước sẽ sống một đời nhiều gian truân, vô định, tương lai phía trước cũng chẳng thể tự mình quyết định: “gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.” Nghe mà chua xót biết bao nhiêu!

     Câu ca dao như vạch trần ra sự thật về một xã hội cũ với tư tưởng lạc hậu, đưa số phận của người phụ nữ vào những mảng đen tối tăm. Họ đang than khóc cho chính mình, khát khao, mong muốn thoát ra khỏi số phận đau thương đang phải gánh chịu. Mỗi câu ca dao tựa hồ như thấm đẫm nước mắt, nỗi xót xa, bất hạnh của từng thân phận người phụ nữ.

Kết bài cảm nhận câu ca dao thân em như hạt mưa sa

     Thời kỳ bất công với người phụ nữ đã lùi lại vào quá vãng. Xã hội phát triển, tư duy hiện đại và bình đẳng, người phụ nữ ngày càng mạnh mẽ đứng lên giành lại hạnh phúc cho bản thân, khẳng định vị thế, tài năng. Họ nắm chắc quyền làm chủ và quyết định cuộc đời mình, không ai có thể xâm phạm. Dẫu vậy, len lỏi đâu đó trong góc khuất của bức tranh cuộc sống, vẫn còn những người còn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ, vẫn còn những người phụ nữ đang cất lên bài hát than thân “Thân em như hạt mưa sa…”, “Thân em như hạt mưa rào…” một cách xót xa!

Copyright © 2021 HOCTAP247