Phân tích bài thơ: Sở Kiến Hành của Nguyễn Du

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phân tích bài thơ: Sở Kiến Hành của Nguyễn Du

“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(Kiều - Nguyễn Du)


Đấy là tuyên ngôn về phương pháp sáng tác của Nguyễn Du. “Những điều trông thấy” là tất cả sức mạnh của thi phẩm Nguyễn Du. Vì con mắt nhìn thấu cả sáu cõi của thi nhân cũng là tấm lòng yêu thương mênh mông của thi nhân đối với con người, với nhân loại. Trong chuyến đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã nhìn thấy nhiều điều đau lòng, nhà thơ đã ghi lại trong bài “Sở kiến hành” (bài hành những điều trông thấy), không hoa mĩ mà kinh động lòng người.

Bài “Sở kiến hành” được viết bằng chữ Hán, thể thơ ngũ ngôn hợp với nhịp điệu tự sự. Nhà thơ kể lại những điều trông thấy ở xứ người mà cứ như là ở làng quê Việt Nam thời bấy giờ. Thơ đến một cách tự nhiên, không tiểu xảo, không mĩ từ, thơ xúc động dữ dội người đọc bằng chính những điều trông thấy.
 
“Một mẹ cùng ba con
Lê la bên đường nọ
Đứa bé ôm trong lòng
Đứa lớn tay mang giỏ
Trong giỏ đựng những gì?
Mớ rau lẫn tấm cám.
Nửa ngày bụng vẫn không.
Quần áo vẻ co dúm...”
 
Nhà thơ nén xúc động, chỉ có nhịp điệu tự sự, và hình ảnh có vẻ như lạnh lùng của câu chuyện. Một người mẹ với ba đứa con, đứa con “ôm trong lòng”, đứa “lê la bên đường”, trong giỏ của đứa bé chỉ có “mớ rau lẫn tấm cám”. Phải có trái tim lớn mới biết trông thấy những cái nhỏ nhặt như vạy. Những chi tiết nhỏ nhặt như “tấm cám” lại gắn liền với sinh mệnh bốn mẹ con, bốn sinh linh.
 
Nhà thơ đã phát hiện và miêu tả nghịch cảnh đáng thương: mẹ thì khóc lóc vì khổ sở, vì đói, vì nhìn thấy những đứa con sắp chết đói mà những đứa con vẫn “cười đùa”:
 
“Gặp người chẳng dám nhìn
Lệ sa vạt áo ướt
Mấy con vần cười đùa
Biết đâu lòng mẹ xót”.
 
Nghịch cảnh ấy khiến chúng ta đau lòng.

Nhà thơ còn cho biết đây không phải là một người đàn bà có nghề ăn mày mà là một người lao động lang thang đi kiếm việc làm thuê, “miễn sống qua thì đói”. Nhưng một người mẹ làm thuê “nuôi bốn miệng sao nổi”!
 
“Lần phố xin miếng ăn
Cách ấy đâu được mãi
Chết lăn rãnh đến nơi
Thịt da béo cầy sói
Mẹ chết có tiếc gì
Thương đàn con vô tội
Nỗi đau như xé lòng
Trời cao có thấu nổi?”
 
Nhà thơ hiểu được tình cảnh bi đát của người mẹ, hiểu được nỗi lòng của người mẹ. Làm thuê không xong, ăn xin không bền, mẹ con làm sao tránh khỏi chết đói! Giọng thơ đầy bi phẫn “Chết lăn rãnh đến nơi, thịt da béo cầy sói”. Âm điệu bi phẫn trong câu thơ nguyên tác rõ hơn với những thanh trắc:
 
“Nhãn hạ ủy câu hác
Huyết nhục tự sài lang”
 
Nỗi lòng của người mẹ thật là cảm động. “Mẹ chết có tiếc gì”, người mẹ chỉ thương đàn con. Câu thơ “Thương đàn con vô tội” là dịch thoát, câu thơ nguyên văn là “Phủ nhi tăng đoạn trường” (Vỗ về con mà càng đứt ruột). Có người mẹ nào nhìn thấy đàn con đang chết đói mà không đứt từng khúc ruột!
 
“Nỗi đau như xé lòng
Trời cao có thấu nổi?”
 
Hai câu thơ này trong nguyên tác là:
 
“Kì thống tại tâm đấu
Thiên nhật giai vị hoàng”
(Lòng đau xót vô cùng
(Trông lên) trời, mặt trời vàng úa).
 
“Thiên nhật giai vị hoàng” là một câu thơ thiên tài. Nhà thơ nhìn bằng cái nhìn của người mẹ đói vàng mắt mà thành “mặt trời vàng úa”. Mặt trời (đấng tối cao) không sáng nữa làm sao còn trông thấy những sinh linh bé nhỏ bi thảm này?
 
Nhà thơ còn trông thấy một nghịch cảnh đau lòng nữa. Ngoài đường gió rít, bốn mẹ con sắp chết đói, trong cửa quan thì tiệc tùng linh đình, thừa mứa:
 
“Gió lạnh bỗng đâu về.
Khách đi đường rầu rĩ.
Đêm qua trạm Tây Hà
Mâm cổ sang vô kể.
Vây cá hầm gân hươu
Lợn dê mâm đầy ngút
Quan lớn không gắp qua
Các thầy chỉ nếm chút”.
 
Đây không phải là hình thức khoa trương về cuộc sống xa hoa, phè phỡn của quan lại đương thời mà nhà thơ kể lại một sự thật nóng hổi về cuộc đón tiếp sứ bộ ở trạm Tây Hà.
 
“Đêm qua trạm Tây Hà
Mâm cỗ sang vô kể”.
 
“Mâm cỗ sang” với những món cao lương mĩ vị, hiếm, quý, đắt giá như “vây cá hầm gân hươu”, lại thừa mứa ê hề, “Lợn dê mâm đầy ngút”. Quan lại thì chán chê “Quan lớn không gắp qua, Các thầy chi nếm chút”.
 
Nhà thơ trông thấy nghịch cánh thật là đau lòng:
 
“Thức ăn thừa đổ đi
Quanh xóm no đàn chó
Biết đâu bên đường quan
Có mẹ con đói khổ!”
 
Chó hàng xóm chẳng những no mà còn chán cả cao lương (Lân cẩu yếm cao lương), trong khi đó mẹ con bên đường đói.
 
Có lần bình luận tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Tuân có nói Ngô Tất Tố đưa chó vào tác phẩm để lộ bản chất chó của vợ chồng Nghị Quế. Vậy thì, phải chăng hơn hai trăm năm trước, Nguyễn Du đưa chó vào thơ để lộ bản chất chó của bọn quan lại đương thời?

Tác giả kết bài thơ một cách bất ngờ, chỉ bằng hai câu:
 
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ”
 
Đúng là một bức tranh xã hội đầy những nghịch cảnh đau lòng: mẹ khóc vì con đói, con vẫn cười đùa; người đói “chết lăn rãnh đến nơi”, “thịt da béo cầy sói”; mẹ con sắp chết đói, trong cửa quan “mâm cỗ sang vô kể”; đàn chó no thức ăn thừa, bên đường bốn mẹ con đói lả. Bức tranh đen tối đó có tên là “Những điều trông thấy”.
 
Nguyễn Du thương dân, ghét bọn quan lại, nhưng lại ảo tưởng về một vị minh quân.

Tác phẩm “Sở kiến hành” chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du. Tác phẩm đã biểu hiện một cách sâu sắc tinh thần nhân đạo cao quý của đại thi hào. Tấm lòng của nhà thơ đã hướng về những người nghèo khổ bất hạnh, bất kể đó là người Việt Nam hay người Trung Quốc. Tình cảm thương yêu của ông đã vươn đến tầm nhân loại. Sức mạnh của phương pháp sáng tác của Nguyễn Du là ở những điều trông thấy. Trong “Sở kiến hành” có tiểu xảo gì đâu, cũng không hoa mĩ vậy mà bài hành đã làm kinh động lòng người. Thế mới biết, trong đời sống, cũng như trong nghệ thuật, tấm lòng mới tạo ra điều kì diệu. Đúng như thi hào Nguyễn Du đã nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều).

Copyright © 2021 HOCTAP247