Trong truyện ngắn Giăng sáng , nhà văn Nam Cao viết:
"Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than..."
Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.
Đề bài thuộc kiểu nghị luận về một vấn đề văn học. Cụ thể là giải thích và bình luận một quan niệm của Nam Cao về nghệ thuật. Học sinh cần giải thích được quan niệm nói trên của Nam Cao, đồng thời phải nhận xét, đánh giá tính chất đúng đắn và ý nghĩa của nó.
Dưới đây là gợi ý làm bài của chúng tôi:
1. Mở bài:
- Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Ông chẳng những để lại cho đời những tác phẩm bất hủ mà còn phát biểu nhiều quan niệm đúng đắn, sâu sắc về nghệ thuật.
- Trong truyện ngăn Giăng sáng, qua nhân vật Điền, Nam Cao đã phát biểu quan niệm sau đây về nghệ thuật (dẫn ý kiến của Nam Cao) .
2. Thân bài:
a) Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của Nam Cao
- "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối".
Giải thích cụm từ "ánh trăng lừa dối" phải đặt trong văn cảnh của truyện ngắn Giăng sáng. Ánh trăng tuy rất đẹp, rất thi vị, rất lung linh nhưng dưới những căn nhà nát, có biết bao người đang sống quằn quại trong đau khổ, ánh trăng làm đẹp những cái chỉ tầm thường, xấu xa. Vì vậy, cái đẹp, cái huyền ảo của ánh trăng chứa đựng sự giả dối.
Nam Cao đã phê phán tính chất thoát li, phi hiện thực, chạy theo cái đẹp bề ngoài, thi vị hóa cái khổ, quay lưng với đời sống của các xu hướng văn học lãng mạn tiêu cực đương thời. Ông gọi đó là thứ nghệ thuật lừa dối.
- "Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than."
Nam Cao đòi hỏi người nghệ thuật phải trở về với đời sống hiện thực, mà hiện thực to lớn nhất lúc bấy giờ là tình trạng khốn khổ của hàng triệu người dân lao động lầm than. Nghệ thuật chân chính phải nhìn thẳng vào sự thực tàn nhẫn đó, phải nói lên nỗi khốn khổ của nhân dân lao động, vì họ mà lên tiếng. Như vậy Nam Cao đòi hỏi nghệ thuật phải phản ánh chân thực đời sống, phải "vị nhân sinh", phải nhân đạo.
b) Bình luận quan niệm nghệ thuật nói trên của Nam Cao.
- Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, luôn gắn bó với nhân dân lao động, gốc nhân đạo rất sâu. Trong Giăng sáng ông đã nói lên thật tâm huyết, thật thấm thía quan niệm nghệ thuật của mình. Giăng sáng giống như lời tâm niệm chân thành của Nam Cao nguyện từ bỏ con đường nghệ thuật thoát li thực tại, hưởng lạc, nguyện trở về con đường gắn bó với nhân dân lao động lầm than.
- Đặ trong bối cảnh xã hội đầy bất công và tình hình văn học hết sức phức tạp, nhiều khuynh hướng văn học tiêu cực đang phát triển tràn lan gây nhiều tác hại lúc bấy giờ, quan điểm nghệ thuật nói trên của Nam Cao chẳng những rất tiến bộ mà còn mang ý nghĩa chiến đấu tích cực.
- Quan điểm nghệ thuật nói trên của nhà văn Nam Cao được phát biểu hết sức uyển chuyển, sinh động bằng ngôn ngữ nghệ thuật, qua sự trải nghiệm đau đớn của nhân vật Hộ (cũng là của chính nhà văn) nên càng thấm thía và giàu sức thuyết phục hơn. Và có thể nói trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nam Cao đã trung thành với tuyên ngôn nghệ thuật đó của mình.
3. Kết bài
- Khẳng định tính chất đúng đắn của quan niệm nghệ thuật nói trên của Nam Cao
- Đến tác phẩm Đời thừa, Nam Cao tiếp tục bổ sung cho quan niệm nghệ thuật của mình. Nếu như trong Giăng sáng, Nam Cao quan niệm: " nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than:", thì đến Đời thừa (1943), ông đã mở rộng quan niệm của mình khi cho rằng một tác phẩm nghệ thuật thật sự có giá trị "phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi..."
Copyright © 2021 HOCTAP247