Hãy tìm hiểu những ý kiến dưới đây nhằm làm rõ một nét trong cách nhìn đời, nhìn người đầy tinh thần nhân đạo của Nam Cao: Nhà văn Nam Cao đã từng lấy lời của Francois Coppee ... không bao giờ ta thương...
Cùng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Cao bước vào nhà trường phổ thông với một khuôn mặt khá đậm nét, một tư cách nhà văn nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, tiêu biểu cho những giá trị tinh thần cao cả nhất của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tác phẩm của ông được giảng chính thức cả hai cấp học: Lão Hạc (lớp 8). Đời thừa, Chí Phèo (lớp 11), Đôi mắt (lớp 12). Ngoài ra, còn truyện Một đám cưới, Trăng sáng và rất nhiều đoạn văn trích của Nạm Cao được in trong SGK để đọc thêm.
So với những nhà văn cùng thế hệ, chỗ đứng của ông trong chương trình, trong SGK, trong tâm tưởng mỗi người yên ổn hơn, bền vững hơn và chắc sẽ bền vững hơn nữa. Những nhân vật như lão Hạc, Chí Phèo, Hoàng, Độ, rồi Hộ, Điền... dường như quá quen thuộc đối với chúng ta. Thuộc tên, quen mặt, biết rõ tính tình, nhân cách, nhớ cả những hành động, lời nói... như những hình tượng điển hình, những con người sống động có thật. Các Mác từng nói: “Con người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Với những nhân vật của Nam Cao, chúng ta từng nhìn họ trong sự tổng hòa xã hội ấy. Và khi phân tích, đánh giá nhân vật, cũng như lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn, chúng ta đã đạt tới những chiều sâu, sự chính xác nhất định. Song với Nam Cao như thế chưa đủ. “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn... Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái... Nó làm cho người gần người hơn”. Mượn lời nói của Hộ nhân vật chính trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao từng khát khao sáng tạo những tác phẩm vượt lên trên mọi bờ cõi, giới hạn, xây dựng những nhân vật “gần người hơn”. Phải chăng, ở đây, nhà văn muốn nói chữ người theo nghĩa “Con Người” viết hoa, con người nhân tính, nhân bản, sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, vượt lên trên tất cả mọi sinh vật khác, vượt lên trên tất cả những ngăn cách của hoàn cảnh xã hội, của số phận mỗi cá nhân. Người phải gần người, mỗi cá nhân phải xứng đáng là Con Người, mọi người gần gũi, yêu thương nhau, sống với nhau bằng tình bác ái, sự cảm thông, sống bằng cái thiện, trước hết trong chính mình rồi dùng cái thiện mà gần gũi, ràng buộc với người khác... Với cách hiểu Nam Cao như thế, chúng ta thử đọc lại Nam Cao, tiếp xúc với các nhân vật của ông trong cái gốc Con Người - nhân tính phổ quát, con người tự làm chủ mình; chịu trách nhiệm về chính mình, vượt lên tất cả các bờ cõi và giới hạn.Không kể hoàn cảnh xã hội, xuất thân giai cấp, thành phần nào, dường như tất cả nhân vật trong tác phẩm Nam Cao mà chúng tôi nêu trên đều giống nhau ở một bản tính tốt đẹp. Sự vật vã, nỗi gian lao trên con đường đi tìm nhân cách, tìm sự sống sao cho xứng đáng Con Người, sao cho “gần người hơn”. Điểm khác nhau giữa họ tất nhiên là cách đi, là số phận mỗi người... Trước hết xin bàn về Chí Phèo. Trang đầu của cuộc đời Chí, như nhà văn kể, là thân phận một người vừa ở tù ra (không rõ được tha hay vượt ngục) với những bộ dạng “trông gớm chết”. Lời nói, hành động đầu tiên của Chí khi về làng là... rửa hận, đòi trả thù. Trong cái làng Vũ Đại đầy thù hận ấy, cách xử sự này không đáng trách. Tiếp xúc với Chí Phèo, nhiều người bỏ qua cái bước khởi đầu này, xáo trộn trang sách của Nam Cao, nhìn ngắm Chí Phèo theo cái chiều con người bị xô đẩy: từ lương thiện, bị lưu manh hóa, phạm tội rồi bế tắc, từ vào tù, ra tù, say rượu, chém chết... E rằng không đúng chủ đích sáng tác của nhà văn, không đúng dòng đời, bước đi của Chí Phèo. Mở đầu tác phẩm, Nam Cao giới thiệu một nhân cách đã bị xua đuổi, bị tha hóa, không chỉ là bút pháp nghệ thuật hấp dẫn, mà chắc có ngầm ý. Phải chăng, nhà văn muốn nói: chính cái nhà tù đế quốc, cái dã tâm bẩn thỉu của bọn cường hào ở nông thôn lúc bấy giờ là... cha mẹ đẻ ra Chí Phèo, đẻ ra nhân-cách-tha-hóa-Chí-Phèo, chứ không phải Chí Phèo xương thịt, nhân chi sơ... Đến với người đọc, Chí Phèo là một thân phận bơ vơ, oan ức, bị cướp đoạt tất cả, mất hết tất cả. Do đó điểm khởi đầu của anh ta là lên tiếng đòi lại, nhớ lại, để tìm về. Tiếp theo nhà văn như một người tế nhị kể lại quá khứ tuy không tốt đẹp, nhưng có chút gì đáng thương của Chí Phèo, bởi đó là một con người có nhân cách lương thiện, như để người đọc thông cảm, cũng để nhắc nhở, khích lệ Chí. Chẳng thế mà giọng văn Nam Cao ở những dòng đầu này khi xuất khi nhập, bên ngoài bên trong nhân vật, linh hoạt, tinh tế, hấp dẫn, truyền cảm. Song Chí Phèo chưa kịp nhớ lại, chưa bước được một bậc nào “căn nhà lương thiện bị mất” đã bị mất tiếp, đẩy xa tiếp. Thế là anh ta phải vật vã, nhiều lần vật vã để trở về, để tìm lại nhân cách lẫn người, tìm lương thiện. Đường đời của Chí gồm ba chặng: chặng 1, đòi lại cội nguồn, tuổi trẻ; chặng 2, đòi cơm ăn nhà ở, ruộng vườn; chặng 3, đòi hạnh phúc, được làm người lương thiện. Mỗi chặng, Chí đã nhích lên một chút, nhất là những ngày anh ta được gần Thị Nở. Lúc này, Chí Phèo đã thực sự sống những giây phút “gần người hơn”, đúng là con người với bản tính hiền lành, chất phác ngây thơ, mơ mộng nữa chứ. Nhưng tiếc thay, cái xã hội vạn ác lúc bấy giờ không chấp nhận Chí Phèo, cố ý hoăc vô tình chặn bước chân ngược dòng ấy của Chí. Do đó, anh ta phải hành động theo cách riêng, đúng luật lệ của anh ta, để bước vào giây phút cuối cùng bất tử. “Trước những giây phút cuối cùng của một nhân cách ngược dòng ấy, Chí Phèo tự đốt cháy mình, thắp sáng ngọn lửa khao khát làm người lương thiện” (Lê Dy, báo GVND 9.2.1987). Có thể nói gọn thế này được chăng: Con đường đi tìm nhân cách của chàng thanh niên Chí Phèo là tìm lại cuộc đời”, cố thắp sáng mình lên để tìm lại tất cả, trong đó cái quan trọng nhất là cái bản tính người hiền lành, lương thiện. Thông cảm với Chí, song chúng ta cần chê trách anh ta một cách nghiêm khắc. Vì bản lĩnh của Chí quá yếu đuối. Anh bị kẻ thù đánh ngã đã đành, có lúc anh tự quật ngã mình, như lúc Chí say sưa triết lí với Tự Lãng chẳng hạn. Vì vậy sự cùng đường của Chí Phèo có một ý nghĩa nhân sinh nghiệt ngã (xem bài “tìm thêm lời đáp một câu hỏi Chí Phèo”)
Con đường thứ hai đi tìm nhân cách là con đường của lão Hạc (trong truyện Lão Hạc), của các nhà văn Hộ (truyện Đời thừa). Xin tạm gọi là: Con đường của tình thương và danh dự. Vì thương người con trai phẫn chí bỏ nhà ra đi do nghèo thiếu, do bị phụ tình, lão Hạc đã chấp nhận cuộc sống cô đơn, đói khổ đến cùng cực, Lão cố nhịn ăn, nhịn mặc, làm thuê, làm mướn, dành tiền đợi con về cưới vợ, có nhà, có đất sinh sống làm ăn. Lão nuôi chú chó Vàng, kỉ vật con trai để lại, tôn xưng nó là “Cậu Vàng” với tất cả nỗi đắm say, khát vọng được sống cùng con cháu, được làm cha, làm ông đàng hoàng như mọi người bình thường khác. Nhưng rồi lão phải bán “Cậu Vàng”, tự hủy diệt niềm vui nho nhỏ, khát vọng chính đáng. Đó là cái chết lần thứ nhất của Lão Hạc. Mặc dù biết rằng do đói nghèo phải làm cái việc cực chẳng đã, lão Hạc vẫn day dứt. “ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn. Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: A, lão già tệ lắm. Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à...? Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà đi đánh lừa một con chó...”. Tự giết một niềm vui của chính mình, như lại hối vì danh dự làm người khi đối diện với một con vật, một loại động vật xưa nay được coi là có nghĩa nhất, lão Hạc phải qua một bi kịch nhân tính thật cao cả. Và rồi, để xứng đáng là Con Người, một người cha thực sự biết thương con, lão Hạc đã tự vẫn. Đó là cái chết thứ hai, Cái chết này dữ dội, đau đớn về thể xác gấp nhiều lần trước, nhưng tâm hồn người cha ấy thanh thản hơn lần trước. Bởi vì lão Hạc đã thấm thía đến tận cùng cái kiếp sống vô nghĩa, sống thừa của đời mình. Bởi vì lão sợ nếu sống nữa sẽ ăn lẹm vào mấy đồng vốn lão dành cho con, sẽ không đủ sức giữ gìn mảnh đất của đứa con trước khi chết, lão đã lo chu tất mọi việc: gửi tiền, gửi nhà đất nơi ông giáo, người láng giềng trung hậu. Do đó, trong khi cả làng bàn tán, bình luận, có người còn chê trách ông lão khốn khổ thì chính ông giáo — nhân vật hóa thân của nhà văn và chúng ta, bạn đọc xưa và nay thấu tỏ, cảm thương. Chao ôi! Trong cõi đời này “Hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp, người này co thì người kia bị hở” (Trong truyện Mua nhà của Nam Cao). Lão Hạc đã cố gắng chịu “hở”, chịu lạnh để dành chút hơi ấm, mong đắp cái chăn hạnh phúc cho đứa con, đã quên mình đi vì nhân cách một người làm cha, nhân cách con người biết tự trọng, luôn đối mặt với sự sống của mình, không một lời trách giận ai. Nhưng sự im lặng ấy của lão Hạc như một trái bom nổ chậm chôn vào tâm hồn mỗi bạn đọc những suy nghĩ sâu xa về thủ phạm đã hai lần gieo cái chết cho những con người bé nhỏ mà nhân nghĩa. Không ai khác ngoài xã hội thực dân nửa phong kiến đầy bất công phi lí lúc bấy giờ. Chiều sâu của truyện ngắn Lão Hạc là ở đấy, tính nhân văn và tính hiện thực cũng là ở đấy. Con đường đi tìm nhân cách của lão Hạc khác với Chí Phèo. Cũng là chết, cũng là sự vật vã về cuộc sống, nhưng nếu Chí Phèo đốt mình lên để tìm kiếm, thì lão Hạc tắt dần ngọn lửa, chuyển giao ánh sáng, ngòi nổ cho những người mà lão yêu thương, người con trai tha hương và ông giáo tốt bụng.
Còn nhà văn Hộ (truyện Đời thừa) anh đi tìm nhân cách bằng con đường nào? Trước hết cũng là tình thương. Vì thương Từ - một cô gái ngây thơ trong trắng bị lừa gạt - Hộ đã cưới Từ làm vợ, coi con Từ như con mình, rồi phấn đấu làm tất cả mọi việc để xứng đáng người chồng, người cha. Sau đó, Hộ luôn khát khao viết những áng văn có ích cho đời, những áng văn giúp con người biết sống “gần người hơn”, xứng đáng là “Con Người”. Nhưng cái thói xấu “háo danh, buông thả, thích chơi bời” - đã lôi kéo anh, xé rách cái ô tình thương anh vừa xòe ra che chở vợ con, xé rách cả tài năng, mơ ước của chính anh. Hộ từng có ý nghĩ đẹp: “Kẻ mạnh chính giúp đỡ kẻ khác lên trên đôi vai của mình. Vả lại hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ con thì còn mong làm nên trò gì nữa”. Nhưng anh không thắng nổi chính anh. Do đó, anh phạm hết sai lầm này đến thất hứa khác. Anh làm khổ vợ con, ô danh người trí thức: ba hoa, chè rượu, rồi về nhà đánh vợ chửi con, rồi bất tỉnh, mê mệt như một xác chết. Tìm hiểu nguyên nhân sự sa ngã của Hộ, có người đổ tại hoàn cảnh xã hội, để rồi căm thù cái khách quan, thông cảm và tha thứ cái chủ quan của Hộ. “Anh chỉ là một một người khổ sở. Chính vì em mà anh khổ”, Từ đã nói với Hộ như thế. Đặt trong hoàn cảnh của Từ, nghĩ như vậy là đúng, đúng lòng từ bi của đức Phật. Nhưng với tư cách con người tự chủ, biết chịu trách nhiệm về mọi ý nghĩ hành động của mình, Hộ đã khóc và “cố nói qua tiếng khóc: Anh... anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn”. Những giọt nước mắt, những tiếng nói trên từ đâu, nếu không phải từ cái gốc tình thương, cái gốc nhân cách người chồng, người cha, người nghệ sĩ chân chính? Với truyện Đời thừa nói chung, nhân vật Hộ nói riêng, có lẽ chúng ta nên nhìn từ cái tôi của mỗi con người hơn là nhìn từ hoàn cảnh xã hội để nương nhẹ cho con người, nhất là Hộ. Chia tay bạn đọc, nhà văn Hộ chưa tới đích, nhưng ít ra anh cũng biết quay lại tự nhìn mình, kết án mình để làm điểm tựa cho cuộc lột xác ngày mai. Trong cuộc sống, dù ở đâu, xã hội nào, lứa tuổi, giai cấp nào, con người cũng cần biết xấu hổ, tự phê phán, sám hối. Thế hệ trẻ trong trường học hiện nay, phải chăng cần hướng theo những dòng chảy mang vị chua chát mà chứa đựng nhiều chất bổ nhân tính, nhân bản như thế trong mỗi tác phẩm Nam Cao?
Con đường thứ ba đi tìm nhân cách của các nhân vật trong tác phẩm Nam Cao là “Cách nhìn đời, nhìn người, sự cảm thông và những công việc cụ thể”. Xin trở lại với truyện ngắn Lão Hạc. Tuy không phải là nhân vật chính yếu, nhưng ông giáo, người hàng xóm của lão Hạc vẫn sáng lên như một nhân vật có tầm sâu triết lí. Nếu lão Hạc cố xứng đáng người cha hết mực thương con, thì ông giáo này rất xứng đáng là người trung thực, hết mực cảm thông với bạn. Lão Hạc là đường nét, hình khối, màu sắc nổi cộm trên bức tranh. Ông giáo là cái “gam” chìm làm nền cho bức tranh. Lão Hạc nói nhiều, than thở nhiều, hành động nhiều. Ông giáo ít nói chỉ nghĩ nhiều, day dứt nhiều. Ông ta nghĩ về những quyển sách quý mà ông ta phải bán đi để cứu đói cho gia đình, về việc con chó Vàng mai bị người ta giết thịt, về mấy củ khoai luộc, bát nước chè tươi, về cuộc đời và nhân cách người bạn láng giềng khốn khổ. “Chao ôi, đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở... không bao giờ ta thương...”. Chính tình thương và cái nhìn bình tĩnh đã giúp ông giáo hiểu đúng lão Hạc. Hiểu đúng người, cảm thông với nỗi đau của người khác cũng là một nhân cách đáng trọng chứ sao! Và đáng trọng hơn nữa là, ông giáo đã nhận giúp lão Hạc giữ vườn, giữ tiền để trao cho con trai lão sau này... trong cái xã hội đầy kẻ cướp ấy, hành động của ông giáo thật dũng cảm. “Lão Hạc ơi, lãọ hãy yên tâm mà nhắm mắt... Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão... Để đến khi con trai lão về tôi sẽ trao lai hắn... trọn vẹn...”. Những lời khấn thầm ấy của ông giáo hẳn đã làm cho hương hồn con người cao quý kia thêm mát mẻ!
Ông giáo - nhà văn, rồi nhà văn kiêm ông giáo là những nhân vật trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm Nam Cao. Đó là những nhân vật thuộc mảng đề tài người trí thức trong văn nghiệp của Nam Cao đây chúng ta không nhìn nhận họ trong hoàn cảnh xuất thân, đặc điểm nghề nghiệp, thành phần, mà xem xét đánh giá họ với tư cách con người nhân tính phổ quát. Nhân vật tôi - nhà văn Độ (trong Đôi mắt) cũng như ông giáo (trong Lão Hạc) đích thực là những con người có cách nhìn, cách nghĩ để có cách sống không chỉ đúng mà còn thấm đẫm tấm lòng nhân ái, vị tha. May mắn hơn ông giáo, Độ được sống ở giai đoạn sang trang của lịch sử dân tộc, giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám. Do đó con đường anh đi rộng rãi sáng tỏ hơn. Anh nhìn đời, nhìn người sâu sắc hơn - không chỉ bằng tấm lòng cảm thương mà còn bằng cả thái độ trân trọng tin yêu, trước hết là đối với những người nhà quê, những bà con xa gần của Chí Phèo, của Thị Nở, lão Hạc... bước vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, trong khi nhà văn Hoàng, lớp nhà văn đàn anh của Độ chỉ thấy rặt những cái “lỗ mãng, ích kỉ, tham lam, bần tiện, vừa ngố, vừa nhặng xị...”, thì Độ đã nhìn rõ và rất trân trọng những nét đẹp bên trong thuộc bản chất người nông dân Việt Nam. Anh nói với Hoàng: “Có bao nhiêu cái kì lạ lắm. Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta... Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi mới ngã ngửa người. Té ra, người nông dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ ở mặt trận...”. Lời nói ấy ý nghĩ và hành động của Độ mới chân thành, chính xác làm sao! Nó không chỉ đúng với lớp nhà văn thời Độ, Hoàng sống, mà còn như một định hướng đúng đắn đối với lớp trí thức, nhà giáo chúng ta ngày nay, sống và làm việc vào thời kì mà người nông dân cần tiếp tục được nhận thức sâu hơn, để có cách nghĩ và cách làm sát hợp, đổi mới kịp thời. Từ cách nhìn đúng, Độ đã có những việc làm cụ thể nghiêm túc. Anh nhận làm một “anh tuyên truyền nhãi nhép” đi mọi vùng quê hương để vừa dạy bảo, vừa học tập bà con, đồng bào; làm người cán bộ văn hóa cùng ăn, ngủ, làm việc với công nhân rồi lọm cọm đi bộ vài chục cây số đến thăm bạn, thuyết phục, vận động bạn cùng mình đổi thay cách nhìn, cách sống. Chuyến đi ấy của Độ không thành công. Nhưng nhân cách anh càng được thử thách, con đường anh đi càng rõ nét, hằn sâu trong trái tim, trí óc. Với Độ, Hoàng vừa là bạn, vừa là chính mình để anh kiểm nghiệm con đường đi. Tuy không nói ra nhưng ý nghĩ này của Độ: “Tôi thầm rủa sự tình cờ sao lại xô đẩy anh (tức là Hoàng) về đây với bằng ấy thứ cặn bã của giới thượng lưu trí thức. Sao anh không đi theo bộ đội... những bạn văn nghệ sĩ của anh để tìm những cảm hứng mới cho văn nghệ..." thực sự là một thái độ dứt khoát, mội sự lựa chọn đúng đắn, thức thời, một nhân cách đẹp đẽ khiêm nhường, thực sự cầu thị, chân thành, gắn bó với nhân dân, vì con người, “gần người hơn”... So với Chí Phèo, lão Mạc, ông giáo, Hộ, con đường đi tìm nhân cách của Độ ít đau khổ, day dứt, quằn quại hơn, nhưng điều anh tìm được lớn lao, cơ bản hơn; Biết cảm thông độ lượng với những hạn hẹp để trân trọng những vẻ đẹp của con người, sống vì con người, vì đất nước, không phải chỉ với nhân tính, nhân bản, mà còn với tư cách công dân, góp phần thúc đẩy lịch sử liến lên. Chí Phèo, lão Hạc, ông giáo, nhà văn Hộ là những nhân cách bị cầm tù, hoàn cảnh xã hội cầm tù và chính mình tự cầm tù, buộc trói mình. Còn ở Độ, có sự lột xác, giải kiếp; tự nguyện biến đổi. Do đó con đường đi tìm nhân cách của anh có ý nghĩa khơi mở, chỉ đường rất thiết thực.
Trở lại cái định nghĩa của Mac “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, chúng ta thấy rõ các nhân vật của Nam Cao có số phận khác nhau, có những con đường đi tìm nhân cách khác nhau, vì họ bị những quan hệ xã hội, những hoàn cảnh sống va đập, chi phối. Song tất cả họ đều giống nhau ở cái bản tính làm người, cái khát vọng được “gần người hơn”. Vì sao? Vì họ có chung một người mẹ, mang chung một dòng máu, có những nét xương thịt, hình hài tương tự. Người mẹ ấy là tác giả, nhà văn Nam Cao, một nhà văn “Trung thực vô ngần, luôn nghiêm khắc tự đấu tranh bản thân để vượt mình, cố thoát khỏi lối sống tầm thường, nhỏ nhen, khao khát hướng tới tâm hồn trong sạch và mơ tới những cảnh sống, những con người thật đẹp” Nhật kí Nam Cao ghi ngày 31 tháng 8 năm 1950). Mỗi nhân vật là một mảnh hồn, của nhà văn, nhiều nhân vật thực sự là hiện thân của nhà văn. Đọc truyện Nam Cao, cứ ngỡ như chính anh đang nhập hồn mà vật vã mà giãi bày, trò chuyện ngay trước mặt chúng ta. Thật thế! Ta thấy nhà văn giàu tài năng này, con người cả nghĩ này đã tự biến mình thành cái kẹp chả trong chính tay mình, cứ đem mình ra mà quạt dưới than hồng cuộc sống, cho đến khi vàng hươm ra, cả làng cả nước cứ dậy lên không biết bao nhiêu mùi vị của chính tâm hồn mình... Chính cái mùi vị tâm hồn và nhân cách Nam Cao đã dẫn người đọc đến với Chí Phèo, lão Hạc, ông giáo, Hộ, Độ... để cùng nhau rong ruổi trên những nẻo đường đi tìm nhân cách, để biết thế nào là “con người”, “gần Người hơn”. Từ anh Chí, đến nhà văn Độ, người đã thành thiên cổ, kẻ đang đi, có người vừa vạch được một hướng đi. Đi tiếp thế nào, bước cụ thể ra sao, ấy là việc của tôi, của bạn, những người đọc Nam Cao, tri kỉ tri âm với Nam Cao. Ôi, những con đường đi tìm nhân cách...
Copyright © 2021 HOCTAP247