Đọc hiểu Đây mùa thu tới

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Gợi dẫn:

1. Về tác giả (xem bài Vội vàng).

2. Đây mùa thu tới thể hiện sự nhạy cảm và mới mẻ của hồn thơ Xuân Diệu. Bài thơ buồn nhưng có nhiều sự sống. Thiên nhiên đẹp và có hồn qua cảm nhận của thi sĩ.

   Cảnh thu, tình thu đẹp nhưng buồn là nét nổi bật nhất của bài thơ. Đồng thời bài thơ còn thể hiện sự nối tiếp truyền thống và những cách tân sáng tạo của Xuân Diệu khi tiếp tục khai thác đề tài vô cùng quen thuộc của thơ ca cổ điển.

3. Đọc chậm, diễn cảm, xuống giọng ở câu cuối mỗi khổ thơ. Nhấn giọng ở những từ và cụm từ có chú thích.

II - Kiến thức cơ bản

   Là nhà thơ của cảm thức về thời gian, Xuân Diệu rất nhạy cảm với những bước đi của các mùa trong năm. Thời điểm giao mùa vốn dễ gợi nhiều cảm xúc cho con người và với thi nhân đó là thời điểm sản sinh ra ý thơ. Mỗi mùa trôi qua bao giờ nhà thơ cũng có những dòng cảm xúc. Khi thì “giục giã”, “vội vàng”, khi thì reo vui chào đón, khi lại tiếc nuối… Với tâm hồn nhạy cảm, nhà thơ đã cảm nhận được bước đi rất nhẹ nhàng của mùa thu. Điều này đã được thể hiện ở Đây mùa thu tới.

   Mùa thu với vẻ đẹp riêng rất lãng mạn và rất thơ nên đã chiếm được cảm tình đặc biệt của thi nhân. Dường như thu là mùa của tâm trạng, của cảm xúc. Trước cảnh thu người ta thường tức cảnh sinh tình. Đỗ Phủ khi xa quê trong cảnh loạn li, trước mùa thu đã có chùm Thu hứng nổi tiếng. Nguyễn Khuyến với tâm sự u uất của một nhà nho đau đời trước cảnh nước mất nhà tan, ở một làng quê yên ả đã có cả “chùm thơ thu” nức tiếng. Cuộc chia tay đầy dự cảm của Thúc Sinh – Thuý Kiều được diễn ra trong cảnh thu hiu hắt với rừng phong đã “nhuốm màu quan san”. Lưu Trọng Lư lại xao động trước “Tiếng thu” huyền diệu. Còn thu đến dưới cặp mắt xanh non của thi sĩ đa tình, đa sầu, đa cảm Xuân Diệu là sự kết hợp của cả hai yếu tố cổ điển và hiện đại.

   Cảnh thu thường gợi buồn, đó là lẽ thường và Xuân Diệu cũng không vượt qua cái lẽ thường ấy. Nhưng không phải chỉ là buồn. Khổ thơ đầu thể hiện hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau. Hai câu đầu là cảnh thu thật buồn, vẻ buồn trực tiếp thể hiện qua những từ ngữ đìu hiubuồnlệ ngàn hàng.

   Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

   Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng ;

   Hình ảnh liễu rủ vốn là một thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển. Đây là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Hai câu thơ tiếp theo lại là tiếng reo vui đầy phấn khởi :

   Đây mùa thu tới – mùa thu tới

   Với áo mơ phai dệt lá vàng.

   Sáng tạo của Xuân Diệu nằm ở từ mơ phai. Đó là một cách miêu tả tinh tế và chính xác cảnh chớm thu. Cây cỏ chưa tàn úa, đã ngả vàng nhưng vẫn tươi. Thời gian tiếp tục chuyển động trong cảm nhận của thi nhân:

   Hơn một loài hoa đã rụng cành,

   Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;

   Những luồng run rẩy rung rinh lá…

   Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

   Lại một sự sáng tạo mới, sáng tạo về lối diễn đạt, về cách tả và cách cảm nhận. Khổ thơ là kết quả của sự vận động tổng hợp mọi giác quan của con người. Dấu ấn Tây học ở thơ Xuân Diệu thể hiện khá đậm ở đây. Những từ hơn mộtrũa, cách nói “những luồng…”, “đôi nhánh…” vốn còn xa lạ với thi ca thời ấy. Chính những cách diễn đạt này khiến nhiều bạn thơ đương thời đánh giá Xuân Diệu là Tây quá. Nhưng đây là điểm độc đáo của thi nhân. Cảnh vật xao động rất nhẹ nhưng được miêu tả rất cụ thể. Cái gì cũng mỏng mảnh và khe khẽ. Đó chính là nét riêng của mùa thu. Khí thu hơi lạnh được cảm nhận bằng xúc giác và diễn tả thật đạt qua cách sử dụng bốn phụ âm “r” liên tiếp.

   Mỗi khổ thơ là một bước đi khá dài của mùa thu. Cảnh thu được nhìn nhận rộng hơn, xa hơn:

   Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

   Non xa khởi sự nhạt sương mờ…

   Đã nghe rét mướt luồn trong gió…

   Đã vắng người sang những chuyến đò…

   Đây là khí thu. Cái buồn của mùa thu đã bao trùm lên cảnh vật. Trăng thu buồn và như có tâm sự. Hai câu thơ tả trăng và núi thu mang lại sắc màu cổ điển rất rõ nét. Còn cái lạnh cuối thu đã thấm thía. Hai từ đã như là sự khẳng định chắc chắn rằng thu đã đến thật rồi. Sự tàn phai và vẻ buồn của mùa thu đã được thể hiện đủ đầy. Những bước thu êm được cảm nhận thật tinh tế. Một bức tranh thu có nhiều đường nét và màu sắc. Còn con người tuy không trực tiếp xuất hiện nhưng tâm trạng đã được thể hiện rất rõ qua cảnh thu.

   Và đến khổ thơ cuối ta thấy xuất hiện hình ảnh con người. Nhưng cảnh vật chẳng những không vui hơn mà còn buồn hơn bởi vì con người xuất hiện trong hoàn cảnh và một tâm thế đầy tâm trạng:

   Mây vẩn từng không, chim bay đi.

   Khí trời u uất hận chia li.

   Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

   Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

   Hai câu thơ trên có thể coi như là lời kết luận cho cảnh thu, tình thu ở ba khổ trước. Tình người cô đơn buồn bã nên cảnh vật cũng quạnh quẽ, đìu hiu, u uất. Khí trời ấy khiến ta nhớ đến câu thơ của Đỗ Phủ viết khi ông chạy loạn và nhớ đến quê hương đang rên xiết dưới nạn đao binh máu lửa:

   Tái thượng phong vân tiếp địa âm

   (Mặt đất mây đùn cửa ải xa)

   Khí trời u uất như cũng đang nuối tiếc trước sự chia phôi. Trước cảnh chia lìa của cảnh vật, của một cánh chim đầy tâm trạng, con người càng trầm mặc hơn:

   Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

   Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

   Thiếu nữ là lứa tuổi nhạy cảm, đa sầu và cũng thường hay rung động mơ hồ. Xuân Diệu cũng gần như lứa tuổi ấy. Thiếu nữ ấy mang tâm sự gì ? Chắc chắn là tâm sự buồn. Nỗi buồn mông lung không xác định, thiếu một đường viền cụ thể, rất mơ hồ. Nỗi buồn không xác định : “ít nhiều”, không thành hình thành tiếng: “buồn không nói “. ý nghĩ thì mông lung: “nghĩ ngợi gì”. Nỗi buồn mơ hồ nhưng thấm thía. Thiếu nữ không nhìn cái gì cụ thể, nhìn xa và mơ hồ, bởi vì lúc này thiếu nữ đang nhìn vào chính lòng mình, lắng nghe tiếng nói của trái tim mình để cảm nhận nỗi buồn khi thu đến và thời gian qua đi.

   Câu thơ kết không nói gì rõ rệt mà gợi mở rất nhiều. Nỗi buồn thu đến hay chính là nỗi buồn của con người về cuộc đời đã nhuốm lên cảnh vật. Nỗi buồn của Xuân Diệu cũng chính là nỗi buồn của thế hệ các nhà Thơ mới. Từ góc độ này có thể thấy Đây mùa thu tới không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên, niềm khát khao giao cảm mãnh liệt của Xuân Diệu mà còn gợi lên tình cảm đối với quê hương đất nước. Bài thơ khép lại mà ý thơ lại mở ra bao suy nghĩ.

   Đây mùa thu tới diễn tả cảnh thu đến qua đó thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình. Bài thơ đem đến một cảm giác buồn, mặc dù có tiếng reo vui. Buồn vì hình ảnh hàng liễu rủ tang tóc, buồn vì cái lạnh se sẽ len lỏi đâu đó giữa một khung cảnh trống vắng hắt hiu, buồn vì có sự tàn phai, chia lìa của cây cỏ chim muông…, và tất cả đều gợi một cái gì đó tựa như nỗi nhớ nhung bâng khuâng phảng phất khắp không gian và trong lòng người. Đó cũng chính là nét buồn của một thời Thơ mới. Nét buồn man mác bâng khuâng của cái Tôi nhạy cảm đã đem đến cho thơ ca lãng mạn một vẻ đẹp riêng. Tâm sự nuối tiếc thể hiện trong bài thơ cũng là tâm trạng khá phổ biến trong thơ Xuân Diệu khi chứng kiến thời gian đang bước đi mà không chờ đợi con người. Nhà thơ từng quan niệm:

   Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua

   Yêu đời đến say mê cuồng nhiệt như Xuân Diệu nên buồn, nuối tiếc cũng là điều dễ hiểu.

III - liên hệ

   Các nhà thơ xưa xúc cảm về thu, ai cũng bộc bạch lòng minh ghé vào cảnh vật. Đỗ Phủ mở đầu “Lác đác rừng phong hạt móc sa” thì sau đó là “khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà” (Nguyễn Công Trứ dịch). Hoặc vào bài “Gió mạnh trời cao vượn hú dài” thì kết thúc bằng “Ma bệnh theo hành rượu tạm nguôi” (Khương Hữu Dụng dịch). Véclen lẫn lộn thu và lòng mình : “Tiếng khóc lâu, Từ đàn sâu, của mùa thâu, Xéo lòng đau, một mối sầu, Chẳng có màu”… (L.T.V tạm dịch). Thu ở Văn chiêu hồn của Nguyễn Du là thu não lòng người, não luôn lòng tác giả: “Não người thay bấy chiều thu”. Dù là tả “ba gian nhà cỏ” hay nhìn “trời thu xanh ngắt”, Nguyễn Khuyến cũng quay về mình: “Độ dăm ba chén” hoặc “toan cất bút”. Nói gì Tản Đà thì tràn lan tâm sự trước thu, dù là “Ngọn gió thu phong” hay “Từ độ sầu đến nay”… Ngay Xuân Diệu trong những bài ý thơ, Thơ duyên cũng đều có nói với “tôi”. Thế mà ở bài thơ này chữ “tôi” không hề xuất hiện. Thế là thế nào ? Phải chăng đây chỉ là một bài thơ thuần tả cảnh ? Đúng là tả cảnh thật, nhưng nhà thơ không hoàn toàn đứng ra ngoài, không có chút liên can. Cảnh thu ấy là cảnh thu tác giả nhìn qua cảm nhận của mình với tình cảm tâm tư của bản thân mình. “Tâm trạng” của cảnh thu chính là tâm trạng của nhà thơ. Và các cô thiếu nữ cuối bài đã nói giùm cho nhà thơ tâm trạng ấy trong cái lặng im của các cô.

   Thực ra chìm sâu trong tâm trạng ấy là một nỗi buồn mà biểu hiện là những ngẩn ngơ, những chia li, những úa tàn, rụng rơi, mất mát như trên kia đã phân tích. Nó là một tâm trạng hiện thực, nó có mặt và có lúc thấm sâu vào trong xương tuỷ. Cả thế hệ có chút học vấn, nhất là những ai mon men đến với văn chương, đều thấy nó ngự trị trong tâm hồn mình không biết tự bao giờ mà mình không hiểu nó từ đâu, hoặc giả học mót người xưa thì chỉ gật gù cho đó là mối sầu vạn cổ lâu bền như loài người và hễ tài hoa bao nhiêu lại bị nó bám chặt bấy nhiêu. Xuân Diệu đã có lần kêu lên nghe vu vơ mà thảm thiết biết bao :“Hôm nay trời nhẹ lên cao, Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Tản Đà cắt nghĩa : “Từ xưa đến nay, đông, tây, nam, bắc, không cứ ông đế vương, ông hiền thánh, ông anh hùng hào kiệt, chí sĩ nhân dân, người văn chương, kẻ công lợi, khách hồng phấn, con hát đàn, cùng chung nhau một chữ sầu cả”. Căn nguyên của cái sầu vạn cổ ấy chắc không phải ngoài niềm thương đối với bao bất hạnh coi như định mệnh trong xã hội bóc lột. Kẻ có tâm huyết không ai dửng dưng nên sinh ra sầu. Đối với thế hệ Xuân Diệu, trên mối sầu ấy còn chồng lên một nỗi buồn khác mà những kẻ không bắt được mạch cách mạng đều không nhận thức ra, đó là nỗi buồn mất nước nó lẫn vào trong xương thịt mà mình không hay, không biết, chỉ thấy nó hiện lên trong tâm hồn mình và thấm vào cảnh vật thiên nhiên một cách bất ngờ khiến mình tưởng đó là nỗi buồn tự thân của thiên nhiên. Các cô thiếu nữ trong bài thơ chỉ buồn và ôm ấp nỗi buồn mà không nói ra được và dù có suy nghĩ đi nữa cũng chưa dễ đã tìm ra được nguyên do rất sâu của nó.

 

Copyright © 2021 HOCTAP247