Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Ngoài thơ tiếng Việt, Người còn để lại nhiều thơ chữ Hán, tiêu biểu nhất là lập "Nhật kí trong tù" - một tập thơ "trăm bài trăm ý đẹp". Bên cạnh những bài thơ chứa chan tình còn có những bài thơ sáng ngời chất thép. Nói về chất thép trong thơ Hồ Chí Minh, nhà văn Hoài Thanh có viết: "Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép, mới có tinh thần thép". Đó là một nhận xét tinh tế, thú vị.
"Nhật kí trong tù" được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ (từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943). Trong bài "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi", Bác nêu quan điểm của mình "Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong". Vậy chất thép trong thơ là gì ? Căn cứ vào nội dung thơ Bác, chúng ta hiểu chất thép chính là tinh thần chiến đấu, là tinh thần lạc quan, tin tưởng, là nghị lực lớn lao của người chiến sĩ trong cảnh tù đày. Có điều là chất thép trong thơ Bác có lúc được biểu hiện một cách trực tiếp, có lúc lại diễn tả một cách gián tiếp. Dù ở dạng thức biểu đạt nào, nhưng cách nổi của Bác đều thâm trầm, bình dị, thấm thía.
"Nhật kí trong tù" có một số bài khẳng định dũng khí của người chiến sĩ: "Đề từ", "Bốn tháng rồi", "Nghe tiếng giã gạo"...
"Thân thể ở trong lao
Tinh thần ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao".
(Đề từ)
Hoặc:
"Kiên trì và nhẫn nại
Không chịu lùi một phân
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần"
( "Bốn tháng rồi”)
Không cao đàm khoát luận. Là trang nhật kí, viết để đối thoại với mình, vần như mang tính "hướng nội", lòng tự nhủ lòng, tự an ủi động viên mình trong những tháng ngày "ác mộng’". "Tinh thần ở ngoài lao" "kiên trì và nhẫn nại", "không chịu lùi...", "không nao núng...", là chất thép, là ý chí kiên cường, là tinh thần bất khuất của người chiến sĩ vĩ đại.
"Nhật kí trong tù" có rất nhiều bài thơ trữ tình không nói đến cách mạng, đến tinh thần chiến đấu, có nghĩa là không hề "nói chuyện thép" và "lên giọng thép", ấy thế nhưng "chất thép" lại ẩn chứa sau từng vần thơ, từng hình ảnh, từng câu chữ, hay đằng sau những nụ cười hóm hỉnh, hài hước hoặc mỉa mai.
Trong tù, chân tay bị cùm trói, muỗi rệp, đói rét, "ghẻ lở mọc đầy thân", mà tù nhân vẫn thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng lọt qua cửa ngục, vẫn làm thơ, và "Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu". Đó là chất thép. Nhìn xiềng xích và dây trói quấn đầy mình lại ví: "Rồng cuốn vòng quanh chân với tay - Trông như quan võ quấn tua vai". Mỗi bước chân đi, tiếng xích sắt kêu loảng xoảng, bất chợt nảy ra so sánh thú vị: "Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung". Cái nhìn ấy, nụ cười hóm hỉnh ấy được hiện ra trong cảnh địa ngục trần gian thì chính đó là chất thép của một con người mà "uy vũ bất năng khuất". Có nhiều bài thơ ghi lại cảnh chuyển lao. Có hành trình "Năm mươi ba cây số một ngày - Áo mũ đầm mưa rách hết giày". Có cảnh bị giải đi "Hôm nay xiềng sắt thay dây trói". Có chặng đường khổ ải: "Gió sắc tựa gươm mài đá núi - Rét như dùi nhọn chích cành cây”. Đó là những gian khổ mà Bác đã nếm trải trên con đường lưu đày. Đó cũng là chất thép. Một nội lực ghê gớm, một bản lĩnh phi thường, một tinh thần bất khuất lạc quan mới có thể làm nên chất thép ấy.
Chất thép trong "Nhật kí trong tù" có khi thể hiện trong cách nhìn của Bác đối với thiên nhiên, có lúc là niềm khoái cảm mà người tù cảm nhận được trong khoảnh khắc "tự do". Một tâm hồn chan hòa với thiên nhiên, luôn luôn làm chủ hoàn cảnh. Phong thái của người tù là cốt cách của một tao nhân mặc khách ung dung, tự tại:
"Mặc dù bị trói chân tay,
Chim cu rộn núi, hương bay ngát rừng.
Vui say ai cấm ta đừng,
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu".
(Đi đường)
Thật là rõ ràng, bài thơ "Đi đường" không hề nói chuyện thép, "lên giọng thép" nhưng nó vẫn sáng ngời chất thép. Một làn gió mát, một mùi hương lạ, một tiếng chim rừng, một ánh trăng thu, một tia nắng sớm chiếu vào cửa ngục, một áng mây chiều, một lò than rực hồng nơi xóm núi, tiếng chuông chùa xa, tiếng sáo mục đồng... đều đem đến cho Bác nhiều xúc động. Thiên nhiên trong "Nhật kí trong tù" được Bác nói đến bằng những vần thơ đẹp mang phong vị Đường thi, biểu hiện một cách đa dạng và phong phú chất thép hàm chứa trong thơ. Chất thép ấy làm cho "Nhật kí trong tù" có sự kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chất thép, giữa màu sắc cổ điển và tính chất hiện đại. Đúng như Hoàng Trung Thông đã viết:
"Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình".
Bài thơ "Vọng nguyệt" trong "Nhật kí trong tù" theo ý của nhiều độc giả là một trong những bài thơ có "tinh thần thép" mà không hề "nói chuyện thép", "lên giọng thép".
Ngắm trăng
"Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ".
(Nam Trân dịch)
Hai câu 1, 2 ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện, vốn là thi sĩ đang sống trong một nghịch cảnh: chân tay bị cùm trói, nằm trong ngục đầy muỗi rệp, bên ngoài cửa ngục là cảnh đêm thu rất đẹp. Người tù lấy làm liếc không có rượu ngon, hoa thơm để ngắm cảnh. Lòng Bác bối rối, xúc động vô cùng.
Trăng, hoa, rượu là ba thú vui tao nhã của khách tài tử xưa nay. "Đêm nay" trong tù, Bác thiếu hẳn rượu và hoa để thưởng trăng. Nhưng lòng Bác vẫn dạt dào cảm xúc. Câu thơ nói lên nỗi niềm băn khoăn, bối rối của Bác:
"Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ".
Sự tự ý thức về cảnh ngộ ấy đã làm cho tư thế ngắm trăng của người tù một ý nghĩa sâu sắc hơn các cuộc ngắm trăng, thưởng trăng thường tình. Chẳng phải "Vọng nguyệt hoài viễn" hay "Xuân giang hoa nguyệt dạ". "Đăng sơn vọng nguyệt" v.v... như người xưa. Ở đây qua song sắt nhà tù, Bác ngắm vầng trăng đẹp. Người thả hồn mình theo mảnh trăng thu vời vợi. Ngắm trăng với tất cả tâm hồn và tâm thế "vượt ngục” đích thực. Song sắt nhà tù không thể nào giam hãm được tinh thần người tù có bản lĩnh phi thường như Bác:
"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ".
Từ chốn tối tăm, chết chóc ngục tù, Bác hướng tới vầng trăng, hướng tới ánh sáng, làm đẹp tâm hồn mình. Song sắt nhà tù không thể nào ngăn cách được người tù và vầng trăng có nét mặt, có ánh mắt, có tâm tư. Cái nhìn của trăng là cái nhìn của tri âm, tri kỉ. Trăng được nhân hóa, từ viễn xứ lọt qua song sắt nhà tù đến thăm nhà thơ: "Nguyệt tòng song khích thi ". Trăng lặng lẽ ngắm nhà thơ mà ái ngại cam động.
Cầu trúc câu thơ đăng đối, cân xứng hài hòa diễn tả cảnh "đối diện đùm tăm" giữa trăng với nhà thơ:
"Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tong song khích khan thi gia”
Ta thấy: "nhân- nguyệt" rồi lại "nguyệt - thi gia" ở hai đầu câu thơ, còn cái song sắt nhà tù thì chắn lạnh ở giữa. Trăng và tù nhân nhìn nhau, tâm sự với nhau qua cái song sắt nhà ngục. Khoảnh khắc giao cảm giữa thiên nhiên và con người đem đến một sự biến đổi kì diệu: tù nhân trở thành thi gia. Lời thơ đẹp, hồn nhiên, ý vị. Đúng là ý tại ngôn ngoại "Vọng nguyệt" thể hiện một tư thế ngắm trăng rất đẹp và hiếm có xưa nay. Tư thế ấy là phong thái ung dung tự tại, tinh thần lạc quan yêu đời, là tình yêu tự do và yêu thiên nhiên của người chiến sĩ vĩ đại.
"Vọng nguyệt" là một trong những bài thơ trăng tuyệt bút của nhà thơ Hồ Chí Minh. Bác không hề "nói đến thép", "lên giọng thép" mà vạn sáng ngời chất thép. Trong cảnh khổ ải tù đày, Bác vẫn thảnh thơi, ung dung ngắm trăng. Đó là nét vẽ làm rõ thêm nhân cách Hồ Chí Minh, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ca ngợi:
"Ngục tối trái tim cùng cháy lửa
Xích xiềng không khóa nổi lời ca".
Copyright © 2021 HOCTAP247