Đề bài: Nêu suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề: “ Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay
Những ngày cuối tháng sáu đầu tháng bảy không khí ở khắp các tỉnh thành trên cả nước lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hàng triệu thí sinh bước vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia đầy cam go, căng thẳng. Đã từ lâu, in hằn trong nếp nghĩ của mọi người về việc bằng mọi giá phải vào được đại học, bởi đó là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất. Liệu thực sự có phải vào đại học mới là con đường duy nhất giúp chúng ta vươn đến thành công.
Theo như định nghĩa, giáo dục đại học có nghĩa là “giáo dục thường được diễn ra ở các trường đại học, viện đại học, đại học, trường cao đẳng, học viện và viện công nghệ. Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học và sau đại học và gồm cả một số cơ sở giáo dục bậc đại học hay cao đẳng như các trường huấn luyện nghề và trường kinh doanh có trao văn bằng, học thuật hay cấp chứng chỉ chuyên nghiệp.
Hiện nay nhiều người quan niệm rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất của giới trẻ. Nhận định này chỉ đúng ở một phần nào đó, không đúng hoàn toàn.
Đại học là con đường, là mơ ước khát vọng đẹp đẽ mà bất cứ người trẻ nào cũng hướng đến. Đó là chân trời rộng mở, chân trời của tri thức, tự do và sự khám phá, trải nghiệm của bản thân. Vào đại học cũng là cách thức để chúng ta khẳng định bản thân và lập nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Nền kinh tế tri thức làm chủ đạo, bởi vậy nếu con người không ngừng học tập sẽ trở nên thụt lùi, lạc hậu và không bắt kịp với xu thế chung của thời đại. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng có sự phân loại và chuyên môn hóa cao, nếu chúng ta chỉ có kiến thức của cấp bậc phổ thông không thôi sẽ là chưa đủ, mà cần phải có kiến thức chuyên sâu của bậc đại học để tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi để dễ dàng tiếp thu các tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, lại cộng thêm với sự truyền đạt của những người thầy hàng đầu sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn. Và cuối cùng, cuộc đời con người là cả một quá trình học hỏi không ngừng, đúng như Lê-nin đã từng nói : “Học, học nữa, học mãi”. Sau khi học phổ thông chúng ta tiếp tục học đại học sẽ tạo nên mạch liên tục cho việc tiếp thu tri thức.
Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để các bạn có nền tảng vững chắc, được theo đuổi một công việc mình mơ ước, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi bước chân vào cánh cổng đại học cần phải chuyên cần, tập trung năng lực để tiếp thu tri thức. Không nên ham chơi, mải mê, lãng phí thời gian, tuổi trẻ.
Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thấy rõ rằng, Đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất đối với mỗi người. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà chúng ta có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nếu điều kiện gia đình bạn không cho phép học đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc thật cần cù, chăm chỉ, khi ấy bạn sẽ trở thành người thành công. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học những vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ đại năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, ông chưa tốt nghiệp trung học, nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford.
Quả thực vào đại học là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để chúng ta đi đến cái đích của sự thành công. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vòng vèo, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ vươn đến cái đích của sự thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người.
Copyright © 2021 HOCTAP247