Trang chủ Lớp 3 Tiếng việt Lớp 3 SGK Cũ Chủ điểm: Bầu trời và mặt đất Tuần 33 - Tập đọc: Mặt trời xanh của tôi - Tiếng Việt 3

Tuần 33 - Tập đọc: Mặt trời xanh của tôi - Tiếng Việt 3

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Hướng dẫn đọc Mặt trời xanh của tôi

  • Luyện đọc các từ khó: lắng nghe, lên rừng, lá che, tia nắng,…
  • Luyện đọc diễn cảm:

Đã có ai/ lắng nghe/

Tiếng mưa/ trong rừng cọ/

Như tiếng thác/ dội về/

Như ào ào/ trận gió.//


Đã ai lên/ rừng cọ/

Giữa một buổi trưa hè/

Gối đầu/ lên thảm cỏ/

Nhìn trời xanh/ lá che//…

Đã có ai/ dậy sớm/

Nhìn lên rừng cọ tươi/

Lá xòe/ từng tia nắng/

Giống hệt/ như mặt trời.//


Rừng cọ ơi!// Rừng cọ!//

Lá đẹp lá ngời ngời/

Tôi yêu thường vẫn gọi/

Mặt trời xanh/ của tôi.//

  • Chú ý các từ khó:
    • Cọ: cây cao thuộc họ dừa, lá to, hình quạt.

1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Mặt trời xanh của tôi

Câu 1 (trang 119 sgk Tiếng Việt 3): Tiếng mưa trong rừng cọ được so sánh với những âm thanh nào?

Gợi ý:

  • Tiếng mưa trong rừng cọ so sánh với tiếng thác nước đổ về, tiếng gió thổi ào ào.

Câu 2 (trang 119 sgk Tiếng Việt 3): Về mùa hè, rừng cọ có gì thú vị?

Gợi ý: 

  • Về mùa hè, nằm dưới rừng cọ nhìn lên, tác giả thấy trời xanh qua từng kẽ lá.

Câu 3 (trang 119 sgk Tiếng Việt 3): Vì sao tác giả thấy lá cọ giống mặt trời?

Gợi ý:

  • Tác giả thấy lá cọ giống mặt trời vì lá cọ hình quạt cũng có nhiều gân lá, phiến lá xoè ra như các tia sáng của mặt trời.

Câu 4 (trang 119 sgk Tiếng Việt 3): Em có thích gọi lá cọ là "mặt trời xanh không"? Vì sao?

Gợi ý:

  • Em thấy cách gọi lá cọ là mặt trời xanh rất thú vị vì đó là một sự so sánh đầy sáng tạo của tác giả.
  • Học xong bài này, các em cần nắm:
    • Cách đọc lưu loát toàn bài với giọng đọc diễn cảm. 
    • Hiểu được các từ ngữ khó trong bài.
    • Nắm được những ý chính của bài: Vẻ đẹp đa dạng của rừng cọ đã làm tác giả thấy yêu quê hương tha thiết.
  • Các em có thể tham khảo thêm bài học Luyện từ và câu: Nhân hóa để chuẩn bị cho bài học tiếp theo được tốt hơn.

Copyright © 2021 HOCTAP247