Trang chủ Lớp 5 Tiếng việt Lớp 5 SGK Cũ Chủ điểm: Người công dân Tuần 19 - Luyện từ và câu: Cách nối các vế câu - Tiếng Việt 5

Tuần 19 - Luyện từ và câu: Cách nối các vế câu - Tiếng Việt 5

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Nhận xét

Câu 1

Tìm các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây:

a)  Súng kíp của ta mới bắn một phát thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên.

Theo HÀ VĂN CẦU - VŨ ĐÌNH PHÒNG

b)  Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.   

THANH TỊNH

c)  Kia là những mái nhà đứng sau luỹ tre; đây là mái đình cong cong; kia nữa là sân phơi.  

ĐỖ CHU

Gợi ý:

a) Đoạn a có hai câu ghép, mỗi câu gồm 2 vế:

Câu 1: Súng kíp cùa ta mới bắn một phát/ thì súng của họ đã bắn dược năm, sáu mươi phát.

Câu 2: Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn,/ trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên.

b) Câu b có 2 vế:

Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đối lớn:/ hôm nay tôi đi học.

c) Câu c có 3 vế:

Kia là những mái nhà đứng sau lũy tre;/ đây là mái đình cong cong;/ kia nữa là sân phơi.

Câu 2: Ranh giới giữa các vế câu được đánh dấu bằng những từ hoặc những dấu câu nào?

Gợi ý:

a)

  • Từ thì đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
  • Dấu phẩy đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.

b) Dấu hai chấm đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.

c) Các dấu chấm phẩy đánh dấu ranh giới giữa 3 vế câu.

1.2. Ghi nhớ

  • Có hai cách nối các vế câu trong câu ghép:
    • Nối bằng những từ có tác dụng nối.
    • Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

1.3. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1 (trang 13 sgk Tiếng Việt 5): Trong những câu dưới đây, câu nào là câu ghép? Các vế câu ghép được nối với nhau bằng cách nào?

a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.         

HỒ CHÍ MINH

b) Anh bắt lấy thỏi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lừa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó khống chịu khuất phục.

Theo NGUYÊN NGỌC 

c) Tôi ngắt một chiếc lá sòi đỏ thắm thả xuống dòng nước. Một chú nhái bén tí xíu như đã phục sẵn từ bao giờ nhảy phóc lên ngồi chễm chệ trên đó. Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.

TRẦN HOÀI DƯƠNG

Gợi ý:

  • Các câu ghép và vế câu:
    • Đoạn a có 1 câu ghép với 4 vế câu: Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quôc bị xâm lăng (2 trạng ngữ) thì tinh thần ấy lại sôi nổi / nó kết thành... to lớn / nó lướt qua... khó khăn / nó nhấn chìm... lũ cướp nước.
    • Đoạn b có 1 câu ghép với 3 vế câu: Nó nghiến răng ken két / nó cưỡng lại anh / nó không chịu khuất phục.
    • Đoạn c có 1 câu ghép với 3 vế câu: Chiếc lá thoáng tròng trành, / chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng/ rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.
  • Cách nối vế câu:
    • Đoạn a: 4 vế câu nối với nhau trực tiếp, giữa các vế câu có dấu phẩy.
    • Đoạn b: 3 vế câu nối với nhạu trực tiếp, giữa các vế câu có dấu phẩy.
    • Đoạn c: Vế 1, vế 2 nối với nhau trực tiếp, giữa 2 vế có dấu phẩy, vế 2 nối với vế 3 bằng quan hệ từ “rồi”.

Câu 2 (trang 13 sgk Tiếng Việt 5): Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu tả ngoại hình một người bạn của em, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép. Cho biết các vế trong câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.

Gợi ý:

Trong lớp tôi, người bạn mà tôi yêu quý nhất là Lan. Đó là một cô bé vô cùng xinh xắn và đáng yêu. Vóc người bạn nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Nhưng điều khiến người ta nhớ nhất ở bạn chính là nụ cười. Mỗi lần Lan nở nụ cười là tôi lại thấy giống như mùa thu tỏa nắng. Đôi lúm đồng tiền càng làm cho nụ cười ấy thêm phần duyên dáng.

  • Câu ghép trong đoạn văn trên đó là: Vóc người bạn nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc cắt ngắn gọn gàng. 
  • Các vế câu được nối với nhau bằng dấu phẩy. 
  • Thông qua bài giảng Luyện từ và câu: Cách nối các vế câu, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất như:
    • Nắm được hai cách các vế câu trong câu ghép.
    • Bước đầu biết vận dụng kiến thức đã học để nhận diện câu ghép và cách nối các vế câu ghép.
    • Biết viết đoạn văn có sử dụng câu ghép, phân tích cách nối trong vế câu ghép ấy.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng 

Tập làm văn: Luyện tập tả người (Dựng đoạn kết bài) để chuẩn bị thật tốt cho tiết học sau.

Copyright © 2021 HOCTAP247