Bài viết số 2 lớp 8 hay nhất - Văn tự sự kết hợp biểu cảm

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Trong chương trình Ngữ văn lớp 8, bài viết số 2 lớp 8 đề 4: "Nếu là người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo, em sẽ kể lại câu chuyện đó như thế nào" là một đề bài nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn. Sau đây, .com sẽ mang đến cho các bạn bài viết số 2 lớp 8 với đề số 4 nêu trên:

Bài làm

   Tôi là một người nông dân nghèo, đã từng sống trong những ngày tháng khổ đau khi giặc Pháp đô hộ nước ta. Khi ấy, cái đói khổ đã khiến con người ta trở nên bần cùng, không còn đường sống. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi đã từng chứng kiến cảnh một người nông dân phải bán con chó của mình để có tiền lo tang ma sau này. Đó thực sự là một câu chuyện đớn đau nhất mà tôi không thể quên được. Câu chuyện đó là câu chuyện của lão Hạc, người hàng xóm kế bên nhà tôi.

   Tôi, lão Hạc và ông Giáo là ba người hàng xóm sống kế bên nhà của nhau. Lão Hạc có lẽ là ông lão nghèo khổ nhất trong cả ba người. Hoàn cảnh khốn khó đến nỗi không có tiền cho con trai cưới vợ, con trai của lão vì thế mà đã bỏ đi đồn điền cao su. Vợ lão cũng mất sớm, lão Hạc một thân một mình sống với con chó có tên là Cậu Vàng. Lão ta quý con chó đó lắm, coi nó như con người vậy, "Cậu" này chẳng khác nào người bạn thân thiết sống cùng với ông lão. Ông Giáo thì là một người trí thức nghèo, hoàn cảnh cũng khó khăn nên ông phải bán những cuốn sách quý nhất của mình đi để chữa bệnh cho cậu con trai. Ông Giáo là một người hàng xóm rất tốt bụng, có thể nhờ vả được. Còn tôi, may thay gia đình có hai đứa con đều chăm chỉ làm ăn nên đỡ nhọc nhằn hơn một chút.

   Tôi nhớ buổi chiều hôm ấy, khi tôi đang ở trong nhà ông Giáo nói chuyện về mấy người trong làng phải bỏ đi thì bỗng từ ngoài sân, một dáng vẻ khắc khổ, ốm nhom ốm nhếch đi vào. Thì ra đó là lão Hạc. Vừa vào đến cửa, lão đã cất tiếng nói đau xót:

       - Cậu Vàng đi đời rồi, ông Giáo ạ!

   Thấy lão nói như vậy, tôi cùng ông Giáo ngạc nhiên lắm, bèn hỏi:

       - Cụ bán rồi?

       - Bán rồi, họ vừa bắt xong. - Lão cố làm ra vẻ như không sao nhưng chắc trong lòng đang buồn lắm.

   Con chó của lão - Cậu Vàng - được lão cưng lắm, lúc nào cũng dành những thứ ngon nhất cho nó, rồi cưng nựng nó. Không một ngày nào là tôi không thấy lão cùng Cậu Vàng không quấn quýt lấy nhau, ấy vậy mà lão lại đành lòng bán con chó ấy đi ư? Hẳn là phải bị dồn vào bước đường cùng lắm thì ông lão mới đưa ra quyết định như vậy.

   Ông Giáo gặng hỏi: "Thế nó cho bắt à?"

Lúc này, mặt lão Hạc co rúm lại, những nếp nhăn xô vào nhau ép cho nước mắt chảy ra, lão tu tu khóc: 

        - Khốn nạn... Ông Giáo ơi!... Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy, hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục và thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bây giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!... Này! ông Giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ nằm im như trách tôi, nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo rằng "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?". Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

bài viết số 2 lớp 8

   

   Từng lời ông lão nói như cứ đang găm vào tim tôi vậy, ông lão hiền lành ấy đâu nỡ đối xử với con Vàng như thế, ông đâu có muốn lừa nó đi như thế.... Nghĩ thương thằng con trai, lão Hạc định bụng sẽ nuôi Cậu Vàng để đến khi nó béo tốt một chút thì sẽ bán đi, để dành tiền cho con trai cưới vợ. Nhưng khi cả làng đều đang lâm vào cảnh khốn khó, đến thân mình còn chẳng nuôi nổi, nay lại phải lo cái ăn cho cả một con chó to khỏe, lão làm gì có tiền mà nuôi. Tôi hiểu rằng bởi vì lão không muốn Cậu Vàng ăn vào những đồng tiền lão đã để dành cho con trai, và cũng không muốn để cho Cậu Vàng phải chết đói đến nhục xương cùng với lão nên lão mới làm như vậy. Giờ lão thấy đau đớn và hối hận lắm! Cậu Vàng là người bạn duy nhất của lão cơ mà!

Chẳng biết làm gì hơn, ông giáo khuyên ông cụ:

       - Cụ cứ tưởng thế chứ nó chẳng hiểu gì đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là ta hoá kiếp cho nó đấy. Hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Lão Hạc chua chát bảo:

       - Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra nó sung sướng hơn một chút... Kiếp người như tôi chẳng hạn!...

Lão Hạc nói vậy thôi, nhưng mà lão vẫn thấy mình có lỗi với cậu Vàng. Ông giáo tiếp lời:

        - Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

        - Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?

   Lúc này, tôi cùng ông Giáo mới bảo lão ngồi xuống phản chơi, để tôi đi luộc khoai, ông Giáo pha nước chè, rồi ba người cùng nhau ăn khoai, uống nước chè và hút thuốc lào. Thế là sung sướng! Cứ như vậy, tôi cùng ông giáo an ủi lão Hạc cho qua buổi chiều hôm nay, chỉ không biết là đến khi trở về căn nhà của lão, lão có lại thấy đau đớn hơn không? Biết vậy nhưng đành thế thôi, tôi cùng ông giáo giúp được đến đâu thì nhất định sẽ giúp.

   Câu chuyện của lão hàng xóm nhà tôi là như vậy đấy, tôi căm ghét cái bọn thực dân đã đẩy những người nông dân nghèo như chúng tôi vào hoàn cảnh khổ cực, chẳng khác nào những con ma đói. Tôi cũng thấy thương lão Hạc, thương ông giáo và thương cả chính bản thân tôi. Chúng tôi nào có làm gì nên nỗi, cớ sao lại phải chịu những đớn đau, tủi nhục như vậy? Cũng phải thôi, cả xã hội phải chịu như thế, chúng tôi làm sao ngoại lệ được.

   Cho đến bây giờ, tôi đã gần 80 tuổi rồi, được sống trong sự hòa bình cùng với con cháu của tôi, tôi vẫn không quên được câu chuyện ấy. Cứ mỗi lần tụ họp, tôi đều kể cho con cháu nghe để chúng thấy biết ơn những ngày tháng hòa bình, ấm no ở hiện tại. Bản thân tôi cũng thấy thật may mắn khi thời chiến tranh đã qua đi, tôi sẽ sống thật tốt để cho bõ những ngày đói khổ của nhiều năm về trước.

Với bài viết số 2 lớp 8, trong đó tập trung vào bài viết số 2 lớp 8 đề 4, mong rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!

Copyright © 2021 HOCTAP247