Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Hịch tướng sĩ Phân tích đoạn văn "Ta thường tới bữa quên ăn... ta cũng vui lòng"

Phân tích đoạn văn "Ta thường tới bữa quên ăn... ta cũng vui lòng"

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài: Phân tích đoạn văn "Ta thường tới bữa quên ăn... ta cũng vui lòng"

Bài làm

“Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng

Bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn”

(“Bạch Đằng Giang phú" - Trương Hán Siêu)

Đại Vương được nói đến ở đây là Trần Quốc Tuấn; người anh hùng tên tuổi gắn liền với Bạch Đằng giang của Tổ quốc thân yêu.

Dưới thời nhà Trần, nhân dân Đại Việt ba lần đánh tháng giặc Mguyên - Mông. “Cửu Hàm Tử bắt sống Toa Đô - Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã (Nguyễn Trãi). Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, có công lớn nhất trong sự nghiệp “Bình Nguyên" cũng là tác giả “Hịch tướng sĩ” - bản anh hùng ca thời đại.

Để phục thù, năm 1285, vua Mông cổ là Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang đánh nước ta lần thứ hai. Trước đó, vua nhà Trần đã mở Hội nghị quân sự Bình Than. Trần Quốc Tuấn đã được vua Trần trao chức Tiết chế - Tổng chỉ huy quân đội để đánh giặc. “Hịch tướng sĩ” được Trần Quốc Tuấn viết sau Hội nghị quân sự Bình Than. Bài hịch có đoạn viết:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

Câu văn đã biểu lộ khí phách anh hùng của Trần Quốc Tuấn. Nó phản ánh một cách hùng hồn quyết tâm sắt đá cùa vị Tiết chế trước họa xâm lăng lúc bấy giờ, vận mệnh của đất nước nghìn cân treo sợi tóc. Khắp kinh thành Thăng; Long, “sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường“. Để tránh một cuộc chiến tranh đẫm máu có thể xảy ra, có lúc vương triều nhà Trần phải mềm dẻo đem “nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ”. Quân giặc láo xược lấn tới “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Giặc như hổ đói khát mồi, lúc tlhì “đòi ngọc lụa”, “thu bạc vàng”, lúc thì tìm mọi thủ đoạn xảo quyệt vét của kho có hạn” để “thỏa lòng tham không cùng”.

Không thể khoanh tay ngồi nhìn giặc hoành hành mà cam chịu nhục nhã! Trần Quốc Tuấn uất hận, cay đắng khi nhìn thấy bộ mặt tham tàn của lũ sói lang. Nỗi nhục của quốc gia, nỗi đau của nhân dân vò xé tâm can ông suốt đêm ngày. Ông muốn thổ lộ tấm lòng trung quân ái quốc, ý chí quyết chiến của mình trước tướng sĩ và ba quân. Nỗi đau của ông là nỗi đau của một con người phi thường:

“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Nỗi đau ấy, tâm trạng ấy được diễn tả một cách cụ thể, xúc dộng. Lời nói, mạch văn được cắt thành nhiều vế cân xứng, mỗi vế bốn từ như những gợi sóng dồn dập trào lên trong lòng, tạo nên một giọng văn nghiêm trang, dõng dạc. Những từ ngữ “quên ăn”, “vỗ gối ”, những hình ảnh ẩn dụ so sánh: “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” đã thể hiện nỗi đau, nỗi nhục cực kì sâu sắc. Ngọn lửa căm thù giặc như đốt cháy tim gan người anh hùng đang gánh trọng trách cùng tướng sĩ bảo vệ sơn hà xã tắc!

Thân làm tướng không thể “thấy nước nhục mà không biết thẹn” hoặc “phải hầu quân giặc mà khômg biết tức”. Cho nên khi vua Trần Nhân Tông lo lắng hỏi Trần Quốc Tuấn “nên đánh hay nên hàng”, ông đã mạnh mẽ trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần đi đã!” Đó là lời thề “Sát Thát”, là tinh thần quyết chiến, là tiếng nói đầy trách nhiệm của vị Quốc công Tiết chế đối với Tổ quốc Đại Việt.

Thái độ của Trần Quốc Tuấn đối với giặc Nguyên - Mông rất quyết liệt. Lập trường nghịch thù - ta dứt khoát, rõ ràng. Ông quyết không đội trời chung với quân cướp nước. Tiếng nói của ông, lời thề của ông như bốc lửa, sục sôi. Các động từ mạnh như: “xẻ thịt, lột da”, các hình ảnh như: “nuốt gan, uống máu quân thù” biểu lộ một quyết tâm sắt đá, một ý chí căm thù giặc vô cùng dữ dội. Mối quốc thù, quốc hận đã nhiều năm tháng chất chứa trong lòng, trước mắt chí có một con đường: chiến đấu; chỉ có một ước ao: giết giặc; chi có một lời thề: “Chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nhai gan, uống máu quân thù!”.

Hịch là thể văn cổ, đề cao chính nghĩa, kêu gọi chiến đấu nên thường sử dụng biện pháp phóng đại (thậm xung) để tái hiện lịch sử với những sự kiện lớn lao, trọng đại. Trong “Hich tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn đã vận dụng thủ pháp phóng đại rất sáng tạo và đầy cảm hứng, viết nên những lời văn hùng hồn, những câu văn dài (trường cú) cuồn cuộn như dòng thác, có sức mạnh cố vũ chiến đấu ghê gớm: “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

‘Trăm thân”..., “nghìn xác”... là lối nói phóng đại, chỉ trăm nghìn kiếp người, nêu bật ý chí chống xâm lăng không bao giờ nguôi. “Phơi ngoài nội cỏ'” là hình ảnh nói về sự hi sinh của tướng sĩ trên chiến trường. “Nghìn xác này gói trong da ngựa” là một điển cố không xa lạ, qua đó thể hiện một khí phách sẵn sàng xả thân để trả ơn vua, báo đền nợ nước. Được hi sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông Cổ để bảo vệ đất nước Đại Việt là niềm vinh quang, vì thế Trần Quốc Tuấn đã giãi bày tìm sự: “ta cũng vui lòng”. Chết vì Tổ quốc là chết vinh. Câu văn của vị Quốc công Tiết chế là một lời thề chiến đấu: ‘Tổ quốc hay là chết!” Người làm tướng biết coi trọng cái chết, biết lấy cái chết để đền nợ nước, lưu danh sử sách ngàn thu! Sự nghiệp anh hùng của Trần Quốc Tuấn cũng là của tướng sĩ thời Trần trong ba lần kháng chiến chống giặc Mông cổ đã cho thấy rõ họ đã sống và chiến đấu vô cùng oanh liệt để bảo vệ đất nước Đại Việt thân yêu.

Tóm lại, đây là câu văn hay nhất, hào hùng nhất trong “Hịch tướng sĩ”. Xưa nay nó vẫn được nhiều người truyền tụng. Cấu trúc câu văn trùng điệp, cảm xúc dào dạt,  từ ngữ dùng đanh thép, các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh và thậm xưng được vận dụng đạt hiệu quả nghệ thuật cao, gây chấn động. Câu văn xuôi cổ, biền ngẫu có nhiều vế cân xứng hô ứng góp phần diễn tả lòng yêu nước và căm thù giặc của tướng sĩ đời Trần.

“Hịch tướng sĩ” có giá trị lịch sử to lớn, là tiếng kèn xung trận. Nó có tác dụng khích lệ và cổ vũ to lớn đối với ba quân, mài sắc ý chí, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mông cổ.

Cùng với Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung,... tên tuổi của Tần Quốc Tuấn sống mãi với non sông Đại Việt. Mỗi lần đọc lại “Hịch tướng sĩ”, câu văn trên đã dấy lên trong lòng chúng ta tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Nó đã làm sống lại những chiến công thuở “Bình Nguyên” vô cùng oanh liệt của tổ tiên ta...

 

Copyright © 2021 HOCTAP247