Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Văn nghị luận Bình luận câu nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không,..."

Bình luận câu nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không,..."

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bưóc tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Em hãy bình luận lời thư ấy của Bác Hồ.

Trên đầu tóc Bác sương ghi
Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con.

Lời thơ của Xuân Diệu mang nặng tâm hồn thương kính Bác chỉ vì suốt đời, Bác luôn nghĩ đến hạnh phúc của con cháu, nghĩ đến sự hùng mạnh của dân tộc, của Tổ quốc.

Điều ấy đã chứng tỏ và thời điểm nóng bỏng nhất, lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, dù bận trăm công nghìn việc trong những ngày đầu xây dựng chính quyền, Bác không quên lứa tuổi măng non, những người chủ tương lai của đất nước.
 
Bằng cả tấm lòng của người Bác, người ông, Bác đã gửi thư động viên thầy và trò trong năm học đầy ý nghĩa. Bức thư có đoạn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới dài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu dược hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Lời thư ngắn nhưng khẳng định một vấn đề mấu chốt của dân tộc, đất nước trong cộng đồng thế giới. Bác đã khẳng định dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam “cao bằng người nào thấp thua ai” ngang hàng với các nước hùng mạnh trên thế giới tùy thuộc vào việc tìm hiểu và ứng dụng kiến thức của loài người, của những con người nhỏ tuổi.
 
Muốn thấy rõ nhận định ấy đúng hay sai, chúng ta cần tìm hiểu các “cường quốc” là những nước hùng mạnh và tự chủ về mọi mặt. Từ chính trị, quân sự, kinh tế... đến văn hóa, nghệ thuật đều ổn định, phong phú, giàu có... và ngày một phát triển. Với những giá trị vững chắc cả về thể chất lẫn tinh thần, phần đất có giới hạn chứa đựng một tập thể người có cùng màu da, huyết thống; có cùng phong tục tập quán kia đã tự khẳng định vị trí hàng đầu thật vững chắc của mình trong cộng đồng nhân loại. Và rõ ràng, không dễ dàng gì trong việc xậy dựng nền tảng cho vị trí đáng quí ấy. Bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh sống nào, đã là một cường quốc, họ cũng tự mình quyết định lấy số phận của mình; ngang hàng với những đất nước, dân tộc khác trong việc giải quyết những bất đồng chính trị, quân sự, kinh tế..., lẫn những vấn đề nhỏ nhoi khác mà không hề bị chèn ép, bắt buộc, không hề “lép vế” bởi cái nghèo nàn, lạc hậu, chậm tiến của dân tộc mình.

Dân có giàu, có cuộc sống sung túc thì nước mới mạnh, mới bảo vệ có hiệu quả vùng đất thiêng liêng với những phong tục tập quán, những truyền thống, tính cách tốt đẹp riêng. Lúc ấy ta mới có quyền khẳng định sự có mặt đầy ý nghĩa của mình bên cạnh các dân tộc khác trên hành tinh này; lúc ấy ta mới có quyền đua chen với các dân tộc văn minh tiến bộ khác trong việc tìm kiếm khoa học, các tài nguyên thiên nhiên ở những vùng đất chưa thuộc quyền của một ai, hoặc ở những hành tinh xa xôi khác.
 
Ai chẳng muốn có vị trí xứng đáng ấy! Nhưng nó không thể là món quà trời ban cho chúng ta mà do con người tạo ra từ cuộc sống hiện thực.

Trong cuộc sống, để khám phá và chinh phục những bí mật của thiên nhiên, con người không chỉ cần có sức mạnh thể chất. Lúc ấy, trí tuệ, óc sáng tạo, “chất xám” của con người giữ vai trò quan trọng. Muốn có những thứ ấy, điều kiện quyết định cho sự tiến bộ mỗi người cần phải học.
 
Học chính là thao tác tìm hiểu, lặp đi lặp lại thật chính xác những kiến thức khoa học của nhân loại. Không chỉ hiểu sâu sắc, chính xác kho tàng lí thuyết mà còn học tập, còn thực hành, nghĩa là phải biết vận dụng những lí thuyết ấy để sáng tạo ra của cải vật chất. Như thế “học tập” quả là công phu, không thể một sớm một chiều, đôi ba năm hay nóng vội mà đạt được kết quả.

Để có được định luật về “sức đẩy của nước”, “sức hút của quả đất”, dù nhận ra chúng trong hoàn cảnh hết sức tình cờ, nhưng Ac-si-mét lẫn Niu-tơn đều mất một khoảng thời gian dài suy nghĩ, ưu tư về chúng.
 
Để trở thành nhà bác học, nhà thơ nổi tiếng... Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến... đã miệt mài đèn sách. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là châm ngôn của việc học tập vậy.
 
Nhưng, như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, cường quốc không chỉ đọng lại ở lĩnh vực học tập và sáng tạo khoa học tự nhiên. Phải học ở mọi lĩnh vực, mọi ngành: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học quân sự...
 
Lịch sử dân tộc ta, của loài người giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc học tập ấy.
 
Từ thế kỉ thứ X trở về trước, dân tộc ta phải chịu sự đô hộ của tập đoàn phong kiến thống trị Trung Hoa, phải chăng vì dân tộc ta chưa có một nền tảng học tập, hoặc chưa được khai tâm, mở trí đúng nghĩa? Hay đang học tập văn minh khoa học của tập đoàn thống trị, tìm cách biến chúng thành cái riêng của mình, để rồi tới thời Ngô Quyền, Lí Thường Kiệt mới tạo được, mới mở ra thời tự chủ “Nam Quốc sơn hà Nam để cư”? Bảy thế kỉ tự chủ và phục hưng, dân tộc ta đã tạo ra được thế đứng vững chắc với các nước phương Đông.

Nhưng việc “học tập” ở các nước phương Tây đã bước qua giai đoạn mới. Nhờ học tập mà họ biết chế tạo ra máy nổ... thì triều đình phong kiến nhà Nguyễn lại theo lối học từ chương, thi hành chính sách bế quan tỏa cảng... để rồi chịu thần phục thực dân Pháp.

Nhìn ra thế giới, các nước như Mỹ, Liên Xô (cũ), Anh, Pháp, Đức, Nhật... trở thành cường quốc, là nhờ học, không ngừng nâng cao dân trí mà trước hết chú trọng đúng mức đến việc học tập.
 
Như thế có thể thấy “công học tập” mà Bác đề cập tới trong lời thư chân tình, ngắn gọn đóng vai trò trong sự phát triển của đất nước như thế nào rồi. Lời thư giúp mỗi học sinh nhận ra bổn phận và trách nhiệm của mình, trong thời kì đang sống nhờ vào gia đình và xã hội. Nó mở ra cho mỗi người tầm nhìn rộng lớn, bao quát hơn để nỗ lực hơn trong việc tìm hiểu và ứng dụng kiến thức khoa học. Hiểu câu nói như vậy chúng ta lại càng thấy tấm lòng của Bác đối với thế hệ măng non.
 
Bác mong con cháu mau khôn lớn
Nối gót ông cha bước kịp mình.
(Tố Hữu)
 
Xã hội chúng ta đang sống có nhiều giai cấp, nhiều chủ thuyết nên càng có nhiều quan niệm về cường quốc và học tập khác nhau.
 
Dưới chế độ phong kiến tư bản, chỉ có một số người mới thực sự được học tập. Được học tập xong, họ mang sự hiểu biết và trí sáng tạo vào cuộc sống của kẻ tôi đòi. Họ say mê nghiên cứu, tìm kiếm, sáng tạo những cái mới, giúp tập đoàn thống trị có đầy đủ sức mạnh để chinh phục các nước khác. Quan niệm ấy đã được chứng minh khá rõ ràng, trưng thực trong lịch sử các nước phương Tây như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... từ thế kỉ XVIII. Cho tới cuối thế kỉ thứ XX này, họ vẫn còn chiếm một số đất đai của người châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á bằng những hiệp ước bất bình đẳng giữa một cường quốc và nước chậm tiến.

Riêng bản thân những người cố gắng rèn luyện để thành các nhà phát minh, bác học tài giỏi thì vẫn không ít người mang tinh thần dân tộc quá khích, hoặc chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc cho bản thân và gia đình mình.
 
Ngày nay, quan niệm về “học tập” và “cường quốc” như thế là ngược với xu hướng tiến bộ nếu không muốn nói là ngược với đạo đức của loài người.
 
Hiến chương Liên Hợp Quốc có ghi rõ mọi dân tộc đều có quyền được hưởng tự do, dộc lập; có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sống như nhau. Như thế “học tập” để đưa đất nước thành cường quốc không có nghĩa là nghĩ đến việc mang mọi tiềm năng xâm chiếm đất nước khác.
 
Cả nhân loại đang lo sự về sự tiến bộ nhanh chóng của ngành khoa học nghiên cứu và chế tạo vũ khí giết người hàng loạt. Tiên đoán nỗi hãi hùng sẽ xảy đến cho những người vô tội và để cảnh tỉnh những ai còn vui cười trên nỗi đau của kẻ khác, một nhà tư tưởng phương Tây đã nhận định: “Khoa học mà không có lương tri thì chỉ là sự tàn phá của tâm hồn”. Bởi vậy, con người không chỉ học tập các kiến thức khoa học mà còn cả về đạo đức, tình thương.
 
Học tập giờ đây không còn mang mục đích làm cho đất nước hùng mạnh để trở thành người chủ bóc lột một dân tộc khác mà để dân tộc mình cùng với cả loài người được sống trong hòa bình, hạnh phúc.

Thực hiện quan niệm sống ấy quả thật khó khăn, nhưng loài người tiến bộ đang nỗ lực vươn tới. Riêng chúng ta, mục tiêu hạnh phúc, và hòa bình đang ở trước mắt. Để đạt được mục tiêu ấy, không chỉ cần cù, nhẫn nại mà phải biết học theo nguyên lí giáo dục: “Học đi đôi với hành, lí thuyết kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” bằng phương pháp giáo dục “Thầy chủ đạo trò chủ động”.
 
Thư của Bác mang nghệ thuật khái quát nhưng thật sâu sắc. Đó là lời động viên chân tình để thế hệ trẻ vươn lên.
 
Ngày trước, ông cha ta đã:
 
Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa.
(Huy Cận)
 
Chúng ta đã tự hào với những Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi,... làm rạng danh dân tộc thì hôm nay chúng ta cũng có quyền tự hào với những Tôn Thất Tùng, Đặng Thái Sơn, Lê Bá Khánh Trình... Em đang học những tấm gương gần gũi ấy, đang nồ iực vượt qua những khó khăn hiện nay, cố gắng tập trung nghe giảng, ghi chép và làm bài đầy đủ..., cố gắng vươn tới trên con đường hướng dẫn của thầy cô bằng chính đôi chân của mình, bằng phương châm: “học đến tận nơi, hỏi đến tận gốc, hiểu thật thông suốt, hành thật chu đáo” để khỏi hổ thẹn với lương tâm mình.

Copyright © 2021 HOCTAP247