Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Truyện Kiều Chứng minh cách nói của Thuý Kiều trong cảnh ngộ: "nhờ Thuý Vân thay mình lấy Kim Trọng"

Chứng minh cách nói của Thuý Kiều trong cảnh ngộ: "nhờ Thuý Vân thay mình lấy Kim Trọng"

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Chứng minh cách nói của Thuý Kiều trong cảnh ngộ: "nhờ Thuý Vân thay mình lấy Kim Trọng" là thích hợp hơn cả

Khi Thúy Kiều buộc phải bản mình để chuộc cha và em, nàng nhờ Thúy Vân thay mình lấy Kim Trọng, Thúy Kiều đã nói với Thúy Vân:

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Anh (chị) hãy phân tích để chứng minh rằng trong cảnh ngộ của Thuý Kiều lúc ấy thì nói như Thúy Kiều là thích hợp hơn cả.

Nhân dân ta ai cũng đều yêu mến Truyện Kiều và không ngớt lời ca ngợi, một phần vì Truyện Kiều có nhiều đoạn miêu tả tâm trạng hêt sức tinh tế. Trong những bước ngoặt của cuộc đời Kiều, sự phân tích của nhà thơ càng đặc biệt sâu sắc. Nỗi lòng Kiều trong cơn gia biến và nói riêng là những lời Kiều nói với em gái trong khi trao lại mối duyên tình của chàng Kim, là một ví dụ tiêu biểu nói lên sự am hiểu tâm lí nhân vật của Nguyễn Du. 

Quả là tâm hồn ấy, tính cách ấy, cảnh ngộ ấy, thì phải nói những lời như vậy, không thể khác!
 
Thử thách đến với Kiều trong cơn gia biến thật là khóc liệt. Với con người tài sắc vẹn toàn, có tâm hồn nhạy cảm như Kiều, thì viễn cảnh bán thân làm lẽ cho người thật khủng khiếp. Thêm vào đó là nỗi đau tan nát tình yêu. Nói vậy để thấy cái giá của sự hi sinh ấy lớn biết chừng nào. Vậy mà Kiều vẫn chấp nhận. Hơn thế nữa, điều vò xé tâm can Kiều lúc ấy là nỗi đau xót, thất vọng của chàng Kim. Là con người chu tất, trọng nghĩa chí tình, Kiều đau khổ vì:
 
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!
 
Cho nên Kiều mới nghĩ ra việc nhờ em gái thay mình đáp đền tình cảm của chàng Kim. Nghĩ Kim Trọng, rồi nghĩ đến Thúy Vân, Kiều cho việc thay mình trả nghĩa Kim Trọng là một hành động hi sinh của em gái. Vì vậy mà:
 
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Một thái độ trân trọng, tri ân trước khi Kiều cậy nhờ em gái. Lời lẽ của Kiều chân tình, thuần hậu, mà nghe như ứa nước mắt đau tủi:
 
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
 
Chị hiểu lắm, em tuổi còn trẻ, có lẽ chưa biết thế nào là yêu đương. Đáng lẽ, em còn có thể được hưởng bao nhiêu mật ngọt của tình yêu, nhưng xin em thương xót người chị ruột này mà đáp nghĩa chàng Kim. Mấy chữ “xót tình máu mủ” mới đau đớn làm sao! Nó cho thấy Kiều đã đặt mình vào chỗ Thúy Vân để thấu hiểu tất cả niềm thương nỗi xót, cả tấm lòng của em gái. Đây vừa là sự đồng cảm, vừa là sự kêu nài khẩn thiết của Kiều, đau xót đến đá cũng phải nát lòng. Nhắc đến duyên tình với Kim Trọng, Kiều chỉ dùng mấy tiếng chung chung: “thay lời nước nom”, như thể nói đến đây Kiều nghẹn cả lời. Mà cũng có thể vì đó là điều khiến nàng day dứt nhất (“Thề hoa chưa ráo chén vàng, Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa”). Hai người đã có với nhau biết bao kỉ niệm. Vậy mà nay nàng phải đành tâm bỏ tất cả! Lời nói với Thúy Vân song cũng bộc lộ tâm can bời bời của Kiều lúc ấy. Một lời nhờ cậy, kêu nài thống thiết như vậy, ai có thể chối từ?
 
Lời tạ ơn sao mà nghe đau đớn quá! Ơn ấy, đến chết chị vẫn còn ghi nhận. Hơn thế nữa, “hãy còn thơm lây” tức; là nói nghĩa cử của em vô cùng cao quý, có chết chị cũng vui lòng và vinh dự vì nghĩa cử ấy của em!
 
Tâm trạng của Kiều khi nói những lời trao duyên ấy thật hết sức nặng nề. Tânn hồn cao quý của Kều thúc đẩy Kiều trao mối duyên tình ấy cho em đền đáp, nhưng tận trong đáy lòng Kều đau đớn xiết bao. Là người, ai chẳmg khao khát hạnh phúc gắn bó với người mình yêu, ở người con gái đa cảm như Kiều, người con gái đã vượt tường sang nhà người yêu, tự mình đính ước, thì khát vọng ấy còn mãnh liệt gấp bội. Vậy mà Kiều phải đành lòng dứt bỏ, nỗi đau như dao cắt ruột! Kiều đã phải cố gắng hết sức mình để thốt lên lời trao duyên gửi nghĩa ấy, song nỗi đau vẫn dường như không thể chịu đựng nổi, nên sau khi nói ra những lời ấy, Kiều không thể không chạnh lòng tủi phận:
 
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
 
Và khi nói hết tâm sự đớn đau của mình, Kiều đã hoàn toàn kiệt sức, rã rời, mê man:
 
Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng.
 
Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc như vậy, tài của Nguyễn Du quả đã đạt đến một đỉnh cao trước đó chưa từng có.
 
Những lời lẽ ấy đã phần nào bộc lộ tâm hồn cao đẹp của Kiều. Kiều sẵn sàng hi sinh cho người khác, kể cả khi giá của sự hi sinh ấy là sự huỷ diệt bản thân:
 
Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.
 
Nhưng sự hi sinh ấy đâu chỉ hủy hoại đời Kiều, mà còn làm tan nát nỗi lòng Kim Trọng. Biết thế nên Kiều phải nhờ em “trả được nghĩa , chàng cho xuôi”. Bản thân mình phải hi sinh thì Kiều không đắn đo thiệt hơn, nhưng cậy nhờ đến sự giúp đỡ của em gái, thì Kiều nghĩ trước nghĩ sau, và coi đó là một cái ơn lớn. Cho nên lời nhờ cậy của Kiều thật thiết tha, lời cảm tạ của Kiều thật cảm động. Xét về ngôn từ thì lời nói của Kiều khẩn thiết mà vẫn đúng mực, kêu nài mà vẫn chí nghĩa chí tình. Phần nào có thể thấy Kiều thật là con người hiểu biết. Nhờ cậy thì viện đến tình máu mủ ruột thịt. Cảm tạ thì đề cao nghĩa cử của Thúy Vân và gợi đến sự bạc mệnh của mình. Con người có tâm hồn dào dạt yêu thương, giàu lòng hi sinh, dễ cảm xúc, trọng ân tình và hiểu biết khôn ngoan như Thúy Kiều, chỉ có thể nói những lời như vậy. Đặt những lời ấy trong cảnh ngộ của Kiều, mới thấy hết tâm hồn cao đẹp của nàng.
 
Qua những lời trao duyên của Kiều, ta còn hiểu thêm một khía cạnh khác trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả. Nguyễn Du khắc họa tính cách nhân vật không phải chỉ bằng miêu tả ngoại hình và bằng lời dẫn chuyện của người kể, mà còn bằng phân tích tâm trạng và diễn biến tâm lí nhân vật. Nỗi đau đớn của Kiều và những lời lẽ của nàng khi trao duyên là hoàn toàn thống nhất với lời giới thiệu của tác giả (“Kiều càng sắc sảo mặn mà”, “Thông minh vốn sẵn tính trời”, “Khúc nhà... một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”) và tô đậm thêm, làm nổi bật thêm tính cách của nhân vật. Không cần phải thuyết minh gì nhiều, chỉ qua bốn câu gửi gắm duyên tình, Kiều đã nói với Thúy Vân, cũng đủ biện lên một nàng Kiều đa cảm, giàu lòng yêu thương, nghĩ đến người khác vô cùng chu tất, một nàng Kiều khổ đau và chu tất.
 
Với những lời gửi gắm ấy của Kiều, với nỗi đau ấy, diễn biến tâm trạng ấy, ta càng thấy rõ tầm cao của Nguyễn Du trong sự hiểu thấu từng khía cạnh tinh tế nhất của tâm can con người. Chính sự thấu hiểu sâu sắc ấy, cùng với một nghệ thuật thể hiện đạt đến trình độ điêu luyện, đã khiến tác phẩm của Nguyễn Du tồn tại như một giá trị vĩnh cửu vượt qua tất cả những thử thách khe khắt nhất của thời gian.

Copyright © 2021 HOCTAP247