Triết lý nhân sinh trong bài thơ Vội vàng

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Triết lý nhân sinh trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

Hướng dẫn giải

   Vội vàng, một sáng tác của nhà thơ Xuân Diệu, là một trong số những bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Nhưng có lẽ đây là bài thơ rất khác so với nhiều bài thơ cùng thời. Vẫn là cảm xúc của cái tôi, vẫn là thiên nhiên, vẫn là tình yêu, song Vội vàng lại mang theo những ý nghĩa mang đậm chất triết lý nhân sinh mà trong đời thơ không phải nhà thơ nào cũng thể hiện được.

   Một bài thơ lại giàu tính triết lý, những tưởng là điều chỉ xảy ra với những hồn thơ mang nặng tính suy tưởng, hơi hướng chính luận. Nhưng thơ Xuân Diệu lại dặt những nỗi niềm cảm xúc. Thật khó có thể tưởng tượng, tính triết lý sẽ được thể hiện trong thơ ông. Ấy vậy mà triết lý trong Vội vàng lại hình thành từ chính những cảm xúc ấy. Không những được bộc lộ rất tự nhiên mà nó trở thành giá trị nội dung vô cùng sâu sắc đằng sau một hồn thơ đa cảm. Triết lý nhân sinh trong bài thơ được bắt nguồn từ chính quan niệm sống cuồng nhiệt, đắm say, thiết tha của Xuân Diệu. Đó là quan niệm sống vội vàng. Lối sống của một cái tôi rất đỗi trần thế, rất con người trong thơ.

   Vội vàng là bài thơ “tuyên ngôn” cho người ta thấy, nhất là người trẻ, thế nào là tình yêu cuộc sống, yêu cuộc đời. Vào những năm ấy thơ ca đương thời đang ẩn sâu trong nỗi buồn sâu thẳm của cả một thế hệ. Cái nỗi niềm “thiếu quê hương” khiến họ lẩn tránh trong những góc khuất của quá khứ, trong những cuộc phiêu lưu ái tình và cả trong những cảnh sắc của thiên nhiên đất nước mình. Biết bao nhà thơ yêu đời, yêu người tha thiết nhưng vẫn cứ trống trải, buồn bã, cô đơn. Còn Xuân Diệu thì khác, nhà thơ mang đến hơi thở rất đời, rất hiện thực mà vẫn dạt dào cảm xúc trong thơ. Vội vàng mở đầu ngay bằng những khát vọng về tình yêu cuộc đời đầy cháy bỏng, tha thiết:

    Tôi muốn tắt nắng đi

    Cho màu đừng nhạt mất

    Tôi muốn buộc gió lại

    Cho hương đừng bay đi

   Đó là khát vọng quá ngông cuồng, phi lí của nhân vật trữ tình. Làm sao tắt nắng? Làm sao buộc gió? Ấy là quy luật của tạo hóa, tự nhiên. Chủ thể trữ tình lại muốn can thiệp, muốn đoạt quyền để tự mình ngưng đọng thời gian. Mấu chốt của khát vọng ấy là giữ lại được hương sắc cuộc đời để mà tận hưởng, đắm chìm. Sẽ không có gì là ngạo mạn hay hoang đường, khi điều đó được xuất phát từ một tình yêu lớn lao với cuộc sống. Thể hiện tình yêu ấy qua khát vọng này, nhà thơ đã “tuyên ngôn” cho một lẽ sống mang đậm tính triết lý nhân sinh.

   Nhưng lẽ yêu đời, yêu người không dừng lại ở khát vọng mà ở hiện thực cuộc sống với những vấn đề trái ngược, đối lập nhau. Xuân Diệu khao khát cuộc sống này là bởi vì nó đẹp, đẹp như một chốn thiên đường ngay trên mặt đất nhưng lại đầy lo sợ, run rẩy trước sự trôi chảy nghiệt ngã của thời gian sẽ cuốn phăng đi tất cả những vẻ đẹp đó. Bởi vậy, phần tiếp theo của bài thơ là sự giãi bày, tranh biện của Xuân Diệu về cuộc sống, về thời gian để thổ lộ tình yêu tha thiết của mình. Ông đã tự trả lời cho câu hỏi vì sao lại muốn tắt nắng, buộc gió bằng đoạn thơ:

    Của ong bướm này đây tuần tháng mật

   

    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

   Nếu lướt qua, người đọc tưởng mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào đó. Nhưng chợt nhận ra, đó toàn là những thứ rất gần gũi, thân thuộc, ngay xung quanh mình: ong bướm, hoa đồng nội, lá, yến anh,…. Xuân Diệu chỉ thêm một động tác là thổi hồn vào đó những gì căng tràn, mơn mởn, tươi non nhất của sắc xuân và hơi thở ngây ngất, quyến rũ của tình yêu, làm cho vạn vật đẹp đẽ, giàu sức sống ở thời khắc xuân thì. Các điệp từ của, này đây và thủ pháp liệt kê đã biến tất cả những thứ đơn sơ ấy trở thành một bữa tiệc của trần gian mà nhà thơ như ra sức vẫy gọi, mời chào. Thật không sai khi chứng kiến khung cảnh ấy lại nhớ đến lời của nhà phê bình Hoài Thanh nói: “Xuân Diệu đã đốt cảnh bồng lai, xua ai nấy về hạ giới”. Bởi vậy mới cho rằng, Xuân Diệu là nhà thơ của trần thế, ông không kiếm tìm vẻ đẹp ở đâu xa xôi, ở những thứ cao sang, quý phái. Chính sự đơn thuần, mộc mạc gắn bó với cuộc đời ấy đã làm tình yêu cuộc sống của nhà thơ mang đậm tính triết lý nhân sinh.

   Và trong khoảnh khắc mê đắm khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống ấy, nhà thơ vẫn không quên dành tình yêu cho con người. Ở Vội vàng con người không hiện lên bằng hình hài, chân dung, số phận nào cụ thể. Chỉ thông qua một cách so sánh đặc biệt để nhà thơ đưa ra một quan niệm thẩm mĩ mới mẻ, độc đáo, khác xưa:

    -Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

    -Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

   Ánh sáng, tháng giêng là những thứ thuộc về tự nhiên. Mà trước đây, mọi cái đẹp đều lấy chuẩn mực từ tự nhiên. Nhưng nay Xuân Diệu lại nhìn thấy thứ ánh sáng buổi bình minh lóe lên lại đẹp như cái chớp hàng mi của người thiếu nữ, hay tháng giêng – tháng của mùa xuân lại ngon như một cặp môi gần. Lấy con người là thước đo cho mọi cái đẹp, sự hoán đổi thú vị mà vô cùng hợp lý này đã tạo ra cho nhà thơ một quan niệm thẩm mĩ đầy mới mẻ và có ý nhĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là cách nhà thơ tự khẳng định, đề cao và tôn vinh con người. Không phải là thứ gì khác, con người mới chính là sản phẩm tuyệt vời, đẹp đẽ nhất của tạo hóa.

   Thế nhưng thiên nhiên, con người dẫu đẹp đến đâu cũng không thể chống lại được quy luật của thời gian. Xuân Diệu đã dùng cả một đoạn thơ dài như lời tranh biện hăng say để nói lên sự nghiệt ngã trong quy luật ấy. Ông nhìn thấy, thậm chí cảm thấu được từng bước đi của nó. Nên trong hơi thở của sự sống, nhà thơ như một “bậc tiên tri” dự cảm những điều “chẳng lành” mà thời gian đem lại. Vẫn là mùa xuân, nhưng không còn tươi non, mơn mởn nữa, mà giờ đây xuân càng tới nghĩa là xuân càng qua, xuân càng non nghĩa là xuân đang già. Tại sao Xuân Diệu lại lo sợ đến mức run rẩy như thế? Hóa ra bấy lâu nay thời gian đâu có tuần hoàn như người ta tưởng, nó vẫn lặng lẽ trôi đi và cuốn phăng mọi thứ mà không bao giờ trở lại. Mỗi phút trôi qua là một điều mất mát, với đời người là sự rút ngắn thời gian sống trên cuộc đời. Minh chứng cho điều ấy, nhà thơ bẽ bàng chỉ ra hiện thực: lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật, tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Bao nhiêu niềm tiếc nuối, ngậm ngùi lan tràn sang cả cảnh vật thiên nhiên. Đất trời, sông núi, cỏ cây, chim muông đều trong tình cảnh tan tác, chia lìa bởi nghịch cảnh mang tên thời gian. Nhà thơ đã thay lời cho biết bao nhiêu hồn ham sống để “cảnh báo” mọi người về quy luật khắc nghiệt của thời gian. Nhiều người nói rằng, rốt cuộc Xuân Diệu cũng như bao nhà thơ mới khác, có yêu đời đến đâu cũng vẫn lo lắng, sợ hãi để rồi buồn thương, chua xót, ngậm ngùi. Vội vàng có điều ấy nhưng nó không khiến người ta chán nản, lo âu mà như một lời nhắc nhở về thái độ sống sao cho đúng trước những vấn đề bất trắc của cuộc đời. Như cách nhìn về thời gian đầy tính mất mát trong bài thơ này, ông đã bộc lộ rất sâu sắc quan điểm có tính triết lý nhân sinh.

   Chính vì thế, Vội vàng không phải là một bài thơ buồn, càng không phải là một bài thơ nặng nề, ảo não những suy tư. Ngược lại, nó vô cùng khí thế, sục sôi, nhờ những lời giục giã mạnh mẽ của nhà thơ đối với mọi người về lẽ sống vội vàng. Thơ Xuân Diệu thường luôn căng tràn nhiệt huyết sống, nhiệt huyết yêu, đến với Vội vàng người đọc lại càng có ý thức yêu và sống sao cho đúng đắn. Nhà thơ nhắn nhủ:

    Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

   

    -Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào người.

   Ý nghĩa nhân sinh của bài thơ được tạo nên từ lời giục giã mọi người hãy “lên đường” để sống. Xuân Diệu khuấy động người ta bằng cách đưa ra hàng loạt những trạng thái sống mãnh liệt nhất. Nào ôm, nào riết, say, thâu và cả cắn nữa. Ông không bỏ lỡ một phút sống nào. Xuân Diệu cuống quýt, vồ vập nhưng không xuề xòa hay tùy tiện. Nếu để ý, ông giục giã mọi người hãy sống vội vàng vào những khoảnh khắc, thời điểm đáng sống nhất. Cho nên khi sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa gió lượn, cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều… không được để lãng phí. Những giây phút ấy phải sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn. Triết lý nhân sinh nằm ngay ở lời giục giã ấy như thế. Con người vì cuộc sống mà có lúc xao lòng, mềm yếu, chán nản… nhưng khi ở vào mỗi khoảnh khắc, nhất là thời tuổi trẻ phải sống sao cho đáng sống, để không bao giờ phải nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời, cũng không còn phải tôi muốn tắt nắng đi, buộc gió lại.

   Giá trị lớn nhất của triết lý nhân sinh là giúp chúng ta nhận ra con người là một hiện hữu, chấp nhận đời sống của con người là một thực tại sinh tồn. Vội vàng. chỉ là một bài thơ chứ không phải một báo cáo triết học. Nhưng Xuân Diệu qua tác phẩm này cũng vô cùng xứng đáng được liệt vào hàng ngũ những người có tư duy triết học lớn. Thi phẩm giúp người ta nhận ra một lẽ sống, giúp chúng ta nhận ra mình sống để làm gì, con người có vai trò, ý nghĩa giá trị ra sao… Đó chính là triết lý nhân sinh mà nhà thơ gửi gắm, nó đưa tác phẩm vượt xa khỏi giới hạn của một bài thơ. Chắc chắn bao thế hệ bạn đọc đã qua và mai sau sẽ vẫn cảm nhận được giá trị to lớn bắt nguồn từ triết lý nhân sinh mà nhà thơ Xuân Diệu đã thể hiện trong tác phẩm Vội vàng..

Copyright © 2021 HOCTAP247