Cảm nhận về hình ảnh sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh từ đó nêu nhận xét về phong cách thơ của nữ thi sĩ.
Biển và sóng cùng với đất là những đối tượng của thiên nhiên và tạo vật được nhiều thi sĩ gửi gắm tình yêu lớn cũng là nơi khơi nguồn cho nhiều tứ và ý thơ. Nhà thơ Huy Cận đã từng giải thích căn nguyên của điều đó như sau:
“Mỗi lần đi dọc bờ biển ta lại có một xao động kì lạ trong người : nửa thấy đời đang tiếp tục nảy sinh dạt dào, vô tận, nửa lại thấy như sự sống đã có, đã vững chãi, yên đàm. Ta đi trên cái biên giới của cái biến đổi và định hình. Cái cảm giác vũ trụ, cảm giác về sự sống, về sự sáng tạo vô hồi, vô hạn của vũ trụ, của vật chất, của đất trời. Cảm giác về sự lớn lao lồng lộng của con người trong vũ trụ sinh hóa vô hạn, vô hồi đó.”
Có nhiều bài thơ hay về đề tài này. Sóng của Xuân Quỳnh là một bài thơ như thế.
Ở khổ thơ đầu, thi sĩ phát hiện những phẩm chất có tính đối cực trong một chỉnh thể như một biện chứng kép: ngày và đêm, buồn và vui, sống và chết của con sóng.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Tâm hồn đang yêu tự nhận thức về những biến động khác thường của lòng mình và khao khát vượt ra khỏi những giới hạn chật chội, tìm đến những miền bao la vô tậ, như con sóng phải từ sông ra bể.
Xuân Quỳnh nói nhiều đến nỗi nhớ của người con gái, cả hình tượng sóng:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Nỗi nhớ được khởi đầu từ những điều cao cả, lớn lao, không tủn mủn và tầm thường. Nỗi nhớ da diết và bền vững theo thời gian:
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
và trải rộng ra trong không gian nhiều phương, nhiều hướng:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Ở đây Xuân Quỳnh có một quan sát thật tinh tế để cảm nhận được con sóng ở nhiều tầng:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
cũng như Huy Cận cảm thấy được những tình cảm khác nhau ở đầu và ở chân con sóng:
Sóng ngầm bao đợt nhói lòng đau
Cái vui đầu sóng, buồn chân sóng…
Từ một con sóng nhớ bờ cá thể và cụ thể, Xuân Quỳnh biết nâng lên để trở thành vô vàn con sóng quần thể. và khái quát. Chỉ có những suy tư sâu rộng về cuộc đời và bộc lộ niềm hi vọng mãnh liệt vào cái đẹp, vào sự chiến thắng của cái cao cả dù có phải trải qua bao thử thách khắc nghiệt:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Chính vì có sự khái quát hoa ấy, tình yêu ở đây không mang màu sắc vị kỉ mà lớn lao, cao thượng. Cái riêng hòa trong cái chung và ở cái chung mênh mông ấy, cái riêng tồn tại vĩnh hằng:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Hay nhất là khổ thơ:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Ở đây nhà thơ đã hỏi một câu hỏi muôn đời và của muôn người. Không một ai đã yêu, đang yêu và vẫn còn yêu có thể trả lời một cách rành mạch và cụ thể những câu hỏi như: khi nào ta yêu nhau, vì sao ta yêu nhau… Khó như xác định ranh giới vùng nắng, vùng mưa. Cảm xúc này thật tinh tế, chân thực và điển hình.
Ở Biển của Xuân Diệu, sóng tượng trưng cho người con trai và bờ là người con gái. Trong Sóng của Xuân Quỳnh, hình tượng sóng mang nghĩa ngược lại. Trong Chùm nhỏ thơ yêu của Chế Lan Viên thì sóng lại là nhân vật trung gian: Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm.
Ở Huy Cận xưa với: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
hay: Sang đêm thuyền đã xa rồi / Người ra cửa bể nghe hơi lạnh buồn thì sóng thật buồn và lạnh. Còn với Xuân Quỳnh thì sóng vừa vui, vừa ấm, vừa ào ạt, tha thiết, bền bỉ.
Xuân Quỳnh ngoài Sóng còn có Thuyền và Biển và bài thơ gần nhất là Với biển - được sáng tác không lâu trước ngày chị ra đi. Trong đó có những câu:
Sẽ qua bao tháng năm ròng
Biển đã rộng và tôi rồi khôn lớn
ĐI hết đất tôi lại về với biển
Biết bao điều thương mến nói cùng nhau
Đất mịt mù bạc trắng hoa lau
Đường heo hút gập ghềnh bao đá núi
Nóng bỏng rát bàn chân thấm mỏi
Tôi khát cùng dòng suối vượt rừng xa
Tôi đến miền mơ ước của tôi xưa
Miền yên ổn cho lòng mình tĩnh lặng
Biển sẽ xóa biết bao điều cay cực
Nước lại dềnh trên sóng những lời ru.
Bài thơ nào của chị cũng đều là tình yêu, là niềm tin vào con người, vào cuộc đời, cũng là nỗi nhớ, khát khao, hi vọng, trăn trở, bao dung, giọng thơ bao giờ cũng ngọt ngào, thiết tha, sâu lắng và đôn hậu. Vấn đề đặt ra trong thơ là vấn đề của mọi người và muôn đời. Ai cũng có một thời đã qua, ai cũng có một thời đang đến và sẽ đến. Bởi thế nó không hề xa lạ với một ai.
Cùng học vui chúc các em học tập tốt!
Copyright © 2021 HOCTAP247