Phân tích hiệu quả thẩm mĩ của tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca
Thứ sáu - 09/12/2016 15:55“Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”. Đó là câu nói nổi tiếng của nhà thơ Tây Ban Nha: Lôr- ca. Và cuộc đời người nghệ sĩ ấy cũng luôn gắn liền với cây đàn ghi ta, cây đàn đã cùng ông hát lên bằng thơ để ngợi ca về sức sống mãnh liệt của dân tộc mình. Lấy cảm hứng từ tiếng đàn, từ cái chết bi phẫn của Lôr-ca, Thanh Thảo đã thể hiện được vẻ đẹp của hình tượng người nghệ sĩ Tây Ban Nha qua thái độ ngưỡng mộ, lòng tiếc thương sâu sắc của mình qua bài thơ: Đàn ghi ta của Lor-ca.
Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được Thanh Thảo sáng tác vào năm 1985. Bao trùm bài thơ là tiếng đàn, tiếng đàn của Lor-ca, tiếng đàn về đất nước và con người Tây Ban Nha khoáng đạt, dũng cảm, đồng thời cũng là tiếng đàn- sự tri âm của nhà thơ Thanh Thảo với Lor-ca, người nghệ sĩ có nhân cách sáng ngời. Bài thơ cũng đánh dấu bước đổi mới của thơ ca Việt Nam từ sau 1975, trong đó có sự đổi mới về hình thức thơ, về cách xây dựng hình ảnh mới lạ, bất ngờ, tạo được ấn tượng với người đọc.
Trong lịch sử văn chương, cũng không ít nhà thơ dùng tiếng đàn để thể hiện tính cách nhân vật và tình cảm, thái độ của mình với nhân vật. Đó là tiếng đàn của nàng kĩ nữ trong “Tì bà hành”, là tiếng đàn của Kiều trong từng chặng đường của cuộc đời nàng... Điều quan trọng là tiếng đàn phải góp phần thể hiện tính cách của người chơi đàn. Bởi vì, xét cho cùng, tiếng đàn là biểu tượng cho cái Đẹp, biểu tượng cho cái tài, cái tâm của người nghệ sĩ. Có lẽ xuất phát từ quy luật ấy mà Thanh Thảo đã dùng tiếng đàn để khắc hoạ nhân cách của Lor-ca, một người nghệ sĩ luôn sống chết vì cái Đẹp, vì nền độc lập, tự do của dân tộc Tây Ban Nha.
Mở đầu bài thơ là một không gian in đậm dấu ấn của đất nước và con người Tây Ban Nha:
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng tràng chếch choáng
trên yên ngựa mỏi mòn"
Một miền đất du mục với sắc màu đỏ rực rỡ, với những dáng kị sĩ trên lưng ngựa, với ánh trăng chếnh choáng, và đặc biệt là với âm thanh của tiếng đàn trải rộng khắp không gian... tất cả đều được hiện lên qua những hình tượng thơ vừa có ý nghĩa tả thực, lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là đất nước Tây Ban Nha rộng lớn, đất nước của Lôr-ca. Không gian binh yên ấy bỗng chuyển thành không gian của bi thương, của máu, của cái chết:
“bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn"
Âm thanh của tiếng đàn, giờ đây đã biến thành âm thanh của nỗi đau:
“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy”.
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”.
Cũng là âm thanh của tiếng đàn nhưng trong đoạn thơ này, âm thanh ấy như tiếng khóc, như ẩn chứa cả nỗi đau, sự tiếc thương của nhà thơ khi Lor-ca bị giết và xác ông bị quăng xuống giếng. Ở đây, nhà thơ có dụng ý khi sử dụng sự thay đổi sắc màu để miêu tả tiếng đàn: tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh... Mặt khác, cách miêu tả tiếng đàn của nhà thơ cũng khá đặc biệt. Tiếng đàn không được hiện lên qua những cung bậc của âm thanh, không tác động đến người đọc bằng thính giác mà bằng thị giác, bằng hình khối cụ thể: tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy... Tiếng đàn, đến đoạn thơ này đã chuyển thành tiếng khóc, thành máu và nước mắt. Hình tượng thơ được dùng theo lối biểu tượng hoá, vừa khắc họa cái chết của Lôr-ca, nhưng lại cũng vừa thể hiện sự đồng cảm, tiếc thương của nhà thơ Thanh Thảo với Lor-ca. Cách miêu tả tiếng đàn trong đoạn thơ này có sự tương đồng với Nguyễn Du khi miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều:
“Bốn dây như khóc như than
Khiến người trong cuộc cũng tan nát lỏng”
Khổ thơ tiếp theo, tiếng đàn được đẩy lên thành cao trào của nỗi đau:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng dàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”.
Bốn câu thơ xuất hiện hai hình ảnh song hành, đồng thời lại cũng đối lập với nhau: tiếng đàn - giọt nước mắt vầng trăng. Hiện thực và lãng mạn như cùng đồng hiện qua những hình ảnh thơ bất ngờ, đầy sức liên tưởng. Lor-ca bị phe phát xít Phran-cô giết trong thời kì đầu cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, xác ông bị chúng quăng xuống giếng. Tiếng đàn và Lôr-ca đến đây đã hoà nhập làm một. Nhưng bất ngờ nhất là hình ảnh:
“giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Giọt nước mắt, trong sự liên tưởng của nhà thơ, giống như vầng trăng long lanh trong đáy giếng. Hai câu đầu của khổ thơ là mất mát, là nỗi đau, là sự hữu hạn thì hai câu sau là biểu tượng cho sự vĩnh hằng, sự bất tử. Lor-ca bị giết, nhưng tiếng đàn của ông, tiếng thơ của ông vẫn mãi mãi vĩnh hằng, như quy luật tồn tại của tự nhiên, như hình ảnh vầng trăng trên bầu trời rộng lớn kia, đêm đêm soi mình xuống đáy giếng.
Phần còn lại của bài thơ thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng dàn Lor-ca:
“đường chỉ tay đã đứa
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang sông
trên chiếc ghi ta màu bạc”.
chàng ném lá bùa vào cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la-li-la-li-la"...
Nhạc điệu của những câu thơ như chùng hẳn lại, như trải theo chiều dài, chiều rộng của thảo nguyên mênh mông và bát ngát. Và âm thanh của tiếng đàn lại vang lên, vang lên giữa thảo nguyên Tây Ban Nha. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự khẳng định về sự bất tử của Lor-ca, của tiếng đàn Lor-ca. Người nghệ sĩ ấy đã chết nhưng tiếng đàn của ông vẫn sống mãi với Tây Ban Nha, với lòng người yêu tự do, yêu hoà bình.
Đàn ghi ta của Lor-ca là bài thơ mới lạ trong cấu trúc, trong cách xây dựng hình ảnh. Điều đó cũng thể hiện nỗ lực của nhà thơ Thanh Thảo trong khát vọng tìm tòi một cách biểu đạt mới. Dùng tiếng đàn để thể hiện thái độ ngưỡng mộ, lòng tiếc thương, sự đồng cảm của mình, đồng thời cũng khẳng định nhân cách, sự bất tử của Lor-ca, sự bất tử của cái đẹp, đó là sáng tạo độc đáo của nhà thơ Thanh Thảo trong bài thơ Đàn ghi la của Lor-ca.
Copyright © 2021 HOCTAP247