Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh nước ta

Câu hỏi :

Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh nước ta có nhiều đồng bằng với địa hình khác nhau.

* Đáp án

* Hướng dẫn giải

HƯỚNG DẪN

Nhiều loại đồng bằng khác nhau: đồng bằng châu thổ sông (Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long), đồng bằng ven biển, đồng bằng giữa núi. Khác nhau về địa hình:

a) Đồng bằng sông Hồng

- Do phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình bồi tụ tạo nên.

- Hình dạng tam giác châu, đỉnh là Việt Trì, đáy Hải Phòng - Ninh Bình.

- Diện tích khoảng 15 nghìn km2; độ cao khoảng 5 – 7m.

- Hướng nghiêng: tây bắc - đông nam (địa hình cao ở rìa phía tây và tây bắc, thấp dần ra biển).

- Ở giữa đồng bằng trũng thấp, bề mặt bị chia cắt thành nhiều ô với hệ thống đê sông (dài hơn 3000 km). Xung quanh rìa đồng bằng cao hơn, có một số núi sót nhô cao (rìa phía tây bắc và tây nam tiếp giáp với vùng trung du, ra phía biển có các thềm sông, thềm biển).

b) Đồng bằng sông Cửu Long

- Do phù sa của sông Tiền và sông Hậu bồi tụ phù sa tạo thành.

- Hình dạng tương tự một tứ giác.

- Diện tích khoảng 40 nghìn km2; độ cao khoảng 2 - 4 m.

- Chia thành ba khu vực, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt:

+ Phần thượng châu thổ: tương đối cao (2 - 4 m so với mực nước biển), ngập nước vào mùa mưa. Phần lớn bề mặt có nhiều vùng trũng rộng lớn, ngập sâu dưới nước vào mùa lũ, mùa khô là những vũng nước tù đứt đoạn (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên). Dọc sông Tiền và sông Hậu là dải đất phù sa ngọt tương đối cao.

+ Phần hạ châu thổ: thấp hơn, thường xuyên chịu tác động của thủy triều và sóng biển. Mực nước ở các cửa sông lên xuống rất nhanh và những lưỡi mặn ngấm dần trong đất. Trên bề mặt với độ cao 1 - 2 m, ngoài các giồng đất ở hai bên bờ sông và các cồn cát duyên hải, còn có các vùng trũng ngập nước vào mùa mưa và các bãi bồi ven sông.

+ Phần nằm ngoài tác động trực tiếp của sông Tiền và sông Hậu: vẫn được cấu tạo bởi phù sa sông (như đồng bằng Cà Mau, một số nơi tiếp giáp với Đông Nam Bộ).

c) Dải đồng bằng Duyên hải miền Trung

- Do trầm tích biển là chủ yếu kết hợp với phù sa sông bồi lấp vào các đứt gãy tạo nên.

- Diện tích khoảng 15 nghìn km2.

- Phần nhiều hẹp ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ: - Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên, Nam - Ngãi - Bình Định và các đồng bằng ven biển cực Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận)

- Chỉ có một số đồng bằng được mở rộng ở cửa sông lớn (đồng bằng Thanh Hóa của hệ thống sông Mã - Chu, đồng bằng Nghệ An với sông Cả, đồng bằng Quảng Nam với sông Thu Bồn và đồng bằng Tuy Hòa với sông Đà Rằng).

- Ở nhiều đồng bằng thường có sự phân chia thành 3 dải: giáp biển là cồn cát, đầm phá; giữa là vùng thấp trũng; dải trong cùng đã được bồi tụ thành đồng bằng.

d) Các đồng bằng giữa núi

- Nằm giữa các vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Nam... (Mường Thanh, Than Uyên, Nghĩa Lộ, Trùng Khánh, An Khê...).

- Đặc điểm chung là nhỏ hẹp, thường là thung lũng tương đối bằng phẳng nằm giữa các vùng núi; một số nơi chủ động được nguồn nước tưới có thể sử dụng để trồng lúa.

Copyright © 2021 HOCTAP247