Phân tích truyện cổ tích Sọ Dừa

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Sọ Dừa

Hướng dẫn giải

   Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, truyện cổ tích là thể loại được yêu thích nhất. Các câu chuyện xoay quanh cuộc sống, số phận của những nhân vật nghèo khổ, bất hạnh, mồ côi,.. nhưng tốt bụng, hiền lành, cuối cùng họ đều được đền đáp bằng cuộc sống hạnh phúc. Sọ Dừa cũng là một câu chuyện cổ tích như vậy.

   Sọ Dừa là kiểu nhân vật đội lốt, đây không phải kiểu nhân vật hiếm có trong văn học Việt Nam và thế giới. Chúng ta có thể kể đến hàng loạt các truyện như: chàng Cóc; chàng Ếch, … Những nhân vật đội lốt thường có vẻ bề ngoài xấu xí, đôi khi làm người ta khiếp sợ nhưng bên trong lại là một người thông minh, có tâm hồn, tấm lòng nhân hậu, bao dung, ấm áp.

   Sọ Dừa là sự kết hợp giữa cái bình thường và khác thường. Nhân vật có nguồn gốc xuất thân từ một gia đình “có hai vợ chồng nghèo” nhưng cách Sọ Dừa được sinh ra lại rất khác thường. Mẹ của chàng vào rừng kiếm củi vì khát nước mà uống nước trong chiếc sọ dừa, sau đó bà mang thai và không lâu sau sinh ra Sọ Dừa. Sự mang thai đã kì lạ, đến cả hình dạng của Sọ Dừa cũng kì lạ không kém, không chân không tay, nhân vật chỉ như chiếc Sọ Dừa tròn lông lốc, khiến ai nhìn thấy cũng phải sợ hãi. Sự khác thường của nhân vật cũng như báo trước những điều phi thường của nhân vật.

   Dù có vẻ bề ngoài xấu xí, dị hình nhưng ẩn bên trong đó là một người tuấn tú, tài giỏi. Sọ Dừa đã trải qua hàng loạt thử thách để bộc lộ tài năng, phẩm chất của mình. Chàng tài giỏi trong công việc chăn bò, ngày nắng cũng như ngày mưa, chàng chăm chỉ làm việc, con nào con nấy cũng no căng bụng. Việc đó đã đập tan sự nghi ngờ của mẹ, của phú ông khi luôn cho rằng Sọ Dừa là người vô tích sự. Đến với thử thách thứ hai, Sọ Dừa xin cưới con gái nhà phú ông. Đến ngày kết hôn ai cũng ngỡ ngàng, mọi đồ sính lễ đều được chuẩn bị đầy đủ và Sọ Dừa lột xác trở thành một chàng trai tuấn tú. Chàng còn là một người thông minh, sáng dạ, Sọ Dừa miệt mài đèn sách chuẩn bị cho kì thi và đã đỗ đầu làm trạng nguyên. Xây dựng nhân vật có sự đối lập giữa hình thức bên ngoài với vẻ đẹp bên trong tác giả dân gian đã lên tiếng khẳng định vẻ đẹp bên trong mới là điều quan trong nhất. Phản ánh đúng quan điểm của nhân dân ta “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” . Đồng thời cũng khẳng định vẻ đẹp, giá trị chân chính của con người không phải ở vẻ ngoài hào nhoáng mà là vẻ đẹp phẩm chất bên trong.

   Bên cạnh nhân vật Sọ Dừa, ta cũng không thể không nhắc đến nàng út xinh đẹp, dịu hiền. Nhà phú ông có ba chị em, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường có những lời lẽ cay nghiệt, hắt hủi Sọ Dừa. Ngược lại cô út lại hiền lành, tốt bụng, thường mang cơm cho Sọ Dừa, đối xử tử tế với chàng ngay cả khi chưa biết đó là một người tuấn tú, tài giỏi. Khi phát hiện Sọ Dừa là chàng trai khôi ngô cô càng đem lòng quý mến hơn. Chỉ có nàng út hiền lành, tốt bụng mới có thể phát hiện ra vẻ đẹp phẩm chất bên trong của một con người có dáng vẻ kì dị, xấu xí là Sọ Dừa. Đồng thời nhờ có nàng út mà phẩm chất, tài năng của Sọ Dừa mới có điều kiện bộc lộ và phát huy.

   Hai con người đẹp đẽ cả về nhân cách và hình thức thật xứng đôi vừa lứa với nhau. Họ đã có một kết thúc viên mãn, chung sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Kết thúc có hậu là một kết thúc phổ biến trong truyện cổ tích phản ánh những mơ ước, khát vọng của nhân dân ta: mơ ước đổi đời, khát vọng công lí, công bằng trong xã hội. Sọ Dừa đỗ trạng nguyên, làm quan, sống bên người vợ thảo hiền, xinh đẹp. Còn những kẻ xấu, kẻ ác như hai người chị thì phải bỏ đi biệt xứ, bị loại ra khỏi cộng đồng. Công lí được thực hiện theo đúng quan điểm của nhân dân: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

   Bên cạnh giá trị về nội dung, nghệ thuật đặc sắc cũng là một điểm nhấn của truyện cổ tích này. Sọ Dừa xây dựng các chi tiết đối lập, rõ nét nhất là ở nhân vật Sọ Dừa, ngoại hình xấu xí nhưng có phẩm chất tốt đẹp. Các tình huống bất ngờ, hợp lí tạo hứng thú cho người đọc. Sử dụng các yếu tố li kì, huyền bí, thần kì trong xây dựng và tạo hình nhân vật (hình dạng Sọ Dừa, con dao khoét bụng cá, quả trứng nở ra gà,…) đã giúp tình huống truyện diễn ra một cách tự nhiên, phát triển một cách hợp lí.

   Bằng những chi tiết thú vị, luôn đầy hấp dẫn, bất ngờ, cùng với cái kết có hậu, các tác giả dân gian đã nên lên chân lí muốn đời của dân tộc “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Đồng thời tác phẩm còn ca ngợi lòng nhân ái đối với những người chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong xã hội. Khẳng định phẩm chất bên trong là cái đáng quý, đáng đề cao hơn vẻ bề ngoài.

Copyright © 2021 HOCTAP247