A. ĐỀ BÀI
Hãy bình luận quan niệm đạo đức của người xưa trong bài ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
B. LẬP DÀN Ý
1. Mở bài:
- Cách thứ nhất:
Nêu truyền thống đạo đức của nhân dân ta: Hiếu đối với cha mẹ là nền tảng nhân cách của mỗi người, là cơ sở đạo đức của xã hội:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Nêu vấn đề quan niệm về chữ hiếu trong bài ca dạ trên còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa hay không?
- Cách thứ hai:
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn trọng đạo đức. Quan hệ giữa con cái với cha mẹ đã được nhân dân ta khẳng định qua bài ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Ngày nay, Bác Hồ dạy quân đội ta: Trung với nước, hiếu với dân
Nêu vấn đề: Quan niệm chữ hiếu của người xưa và hiếu ngày nay phải như thế nào cho đúng.
2. Thân bài
2.1) Giải thích ý nghĩa của bài ca dao:
- Công cha, nghĩa mẹ to lớn như thế nào? Bằng hình ảnh so sánh: núi Thái Sơn cao sừng sững và nguồn nước không bao giờ cạn, nhân dân ta muốn khẳng định công ơn của cha mẹ là vô cùng lớn lao, không gì hơn được.
- Đạo làm con phải thờ kính cha mẹ như thế nào? Đạo làm con phải hiếu với cha mẹ, nghĩa là phải làm tròn chữ hiếu với cha mẹ.
2.2) Bình luận bài ca dao:
2.2.1) Khẳng định lời khuyên của bài ca dao là hoàn toàn đúng:
- Hiếu với cha mẹ phải như thế nào?
Phải kính trọng cha mẹ
Phải vâng lời cha mẹ
Phải làm cho cha mẹ vui bằng những việc tốt, bằng cách trở thành những công dân tốt, người lao động giỏi.
Khi cha mẹ già yếu, ốm đau phải săn sóc, nuôi dưỡng.
- Tại sao con cái phải có hiếu với cha mẹ?
Cha mẹ là người sinh ra con cái, nuôi nấng, dạy dỗ con cái, có công ơn rất lớn đối với con cái. Không có cha mẹ thì không có con cái.
Hiếu với cha mẹ là đạo lí làm người, là nền tảng của đạo đức xã hội và là cơ sở của mọi quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Không có đạo hiếu thì xã hội không phải là xã hội văn minh
2.2.2) Mở rộng vấn đề:
- Trong thời đại ngày nay chúng ta vẫn phải kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp, rằng con cái phải có hiếu với cha mẹ. Nhưng phải quan niệm chữ hiếu một cách rộng rãi hơn. Hiếu với cha mẹ đồng đời phải hiếu với nhân dân như Bác Hồ đã dạy: Trung với nước, hiếu với dân.
- Một người có hiếu phải là một người công dân tốt, trung thành với tổ quốc, có hiếu với nhân dân, một lòng phục vụ nhân dân. Khi tổ quốc cần, nhân dân yêu cầu, người con có thể tạm gác việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ để lo việc nước. Trong trường hợp đó hiếu với dân cũng có nghĩa là hiếu với cha mẹ.
3. Kết bài:
- Chỉ những người con có hiếu mới trở thành công dân tốt, chữ hiếu là tiêu chuẩn đánh gia đạo đức con người.
- Bài ca dao có tác dụng giáo dục đạo đức cho mọi người, mọi thời đại
- Phải kết hợp nội dung hiếu với cha mẹ với nội dung hiếu với dân dân, trung với nước theo lời dạy của Bác Hồ) mới trở thành người có đạo đức toàn diện.
C. BÀI LÀM
Những nhân vật hành động trong truyện Lục Vân Tiên luôn được Nguyễn Đình Chiểu lấy nền tảng từ cở sở đạo lí của nhân dân, mà trong đạo hiếu được lấy làm đầu. Điều này rất phù hợp với nhân dân ta. Bởi vì ca dao cổ đã có một bài rất hay mà ai cũng biết, cũng nhớ và cũng thuộc:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Vì sao mà ai cũng biết bài ca dao này? Có lẽ vì nó khẳng định công lao to lớn của cha mẹ, nhắc nhở trách nhiệm làm con của mỗi người. Nó đề cập đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là ai cũng có cha mẹ, do cha mẹ sinh ra, cũng mang ơn cha mẹ sinh thành từ trong trứng nước:
Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chính tháng cưu mang
Trở lại với bài ca dao chúng ta cần bình luận. Không phải ngẫu nhiên mà công cha mẹ được so sanh với núi Thái Sơn. Trong cảm nhận của dân gian xưa nay, núi thái Sơn là núi hùng vĩ nhất, cao nhất trong tất cả các ngọn núi. Lấy núi thái Sơn ví với công cha đối với con cái thật vừa hay, vừa cụ thể, không có cách nói nào có thể nói hay hơn. Cha là trụ cốt trong gia đình Việt Nam: Con có cha như nhà có nóc. Cha là mái ấm tình thương của sự vững chãi. Nhà dột từ nóc dột xuống (Con không cha như nhà không nóc). Trong xã hội Việt Nam mấy nghìn năm nay vai trò của người cha vô cùng to lớn. Cha khác nào ngọn núi Thái Sơn sừng sững giữa trời đất.
Cha mẹ sinh dưỡng “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nghĩa ở đây là gì? Là tình nghĩa, là ân tình, là tình thương, là sự vun đắp. Mẹ mang nặng đẻ đau chăm bẵm, bú mớm từ khi con mới lọt lòng đến khi khôn lớn. Nơi ướt mẹ nằm, nơi ráo con lăn. Ví nghĩa mẹ với nước trong nguồn chảy ra cũng là cách nói so sánh đầy biểu cảm. Nước trong nguồn ngọt ngào trong mát như dòng sữa mẹ nuôi con. Nói mẫu tử tình thâm là vậy. Mẹ giàu đức hi sinh có thể suốt đời lo toan cho con cái, nhẫn nại hi sinh, suốt đời im lặng. Mẹ là thế, như nước trong nguồn chảy mãi., lai láng đến vô cùng.
Công lao cha mẹ không sao kể xiết., chỉ có tấm lòng hiếu thảo của con cái mới báo đền được. Không chỉ ca ngời công cha nghĩa mẹ mà bài ca dao còn nêu bài học về đạo đức làm con:
Một lòng duy mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Một lòng nghĩa là đinh ninh một lòng, toàn tâm, toàn ý, chân thành, sống hết lòng với cha mẹ. Cho tròn nghĩa là trọn vẹn đầy đủ, thủy chung, thể hiện chữ hiếu cả trong tình cảm và đối xử. Chữ hiếu trong quan niệm đạo đức của người xưa nói về thái độ, bổ phận của con cái đối với cha mẹ. Chữ hiếu đó được thể hiện bằng thái độ kinh trọng, tôn thờ cha mẹ. Biết bao tấm gương hiếu thảo đã được nêu lên trong ca dao, trong các tác phẩm văn học:
Đói lòng ăn hạt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ gài yếu rang
Đạo hiếu là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống đó phải được kế thừa và phát huy. Bác Hồ đã phát triển chữ hiếu rộng hơn phạm vi gia đình. Đạo lí của dân tộc đề cao trung hiếu. Trung với nước, hiếu với dân, hiếu với cha mẹ là phẩm chất đạo đức của mọi người. Người trung hiếu vẹn toàn là người được kính trọng. Bất cứ xã hội nào, thời đại nào cũng vậy.
Bài ca dao đã nêu lên một quan niệm đúng đắn. Đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu. Chỉ những người con hiếu thảo mới trở thành những người côn dân tốt, cán bộ tốt. Chữ hiếu là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người. Truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc ta được vun đắp qua bao đời, chúng ta hãy xứng đáng là người con hiếu thảo của cha mẹ, của nhân dân.
Xem thêm >>> Tìm hiểu tất tần tật về "Bình luận" chính xác nhất
Hãy để lại những ý kiến thắc mắc cũng như đóng góp của bạn ở phía bên dưới nhé! Chúc các bạn học tập tốt <3
Copyright © 2021 HOCTAP247