Phân tích đoạn thơ “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” của đồng bào Thái
“Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” là đoạn thơ hồi tưởng lại những kỉ niệm quá khứ. Người yêu cô gắn bó nhiều năm nhưng vì nghèo nên đã bị cha mẹ cô từ chối. Đi kiếm củi trên nương, cô gái không có bụng dạ nào tập trung vào công việc. Cả một buổi chiều thẫn thờ, quên khuấy cả việc kiếm củi, mãi đến lúc trời sập tối mới vội vàng nhặt mấy cành dâu khô.
Mặt trời là dấu ấn rõ nhất của thời gian. Mặt trời lặn, thời gian trôi đi, con người càng cuống quýt lo sợ. Nghĩ đến mặt trời qua sàn nhà người yêu, cô yêu luôn cả mặt trời. Nhân cách hoá mặt trời cao độ nhưng mặt trời vẫn xa vời. Mặt trời đó, nhưng mặt trời chỉ quấn quýt với ngọn tre, ngọn bương, với núi, với mây chứ có thấu đâu đến nỗi lòng của cô gái. Mười hai lần cô gái gọi mặt trời nhưng mặt trời vẫn không đáp:
“Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ
Mặt trời khuất mây mờ sập tối...”
Cô gái theo dõi từng “bước đi” cụ thể của mặt trời, (mặt trời) rụng, (mặt trời) rơi, (mặt trời) sát, (mặt trời) qua, (mặt trời) lặn, (mặt trời) khuất... Câu thơ nhắc đi nhắc lại hình tượng mặt trời tạo cho ta ấn tượng rõ rệt về tâm trạng bi thương, cuống quýt, lo sợ của cô gái. Núi rừng đã quá chiều, mặt trời đã lặn, hình ảnh cô gái vẫn lủi thủi một mình trên đồi núi càng làm tăng thêm cái ấn tượng về sự buồn thương, đau khổ. Không còn biết trông cậy vào ai nữa. Mặt trời đã khuất. Cái cớ mượn hình ảnh mặt trời để trò chuyện tâm tình không còn, cô gái cảm thấy cô đơn.
Cô quay về với bó củi để tạo một cái cớ khác nói chuyện với người yêu trong tưởng tượng. Bó củi đã trở thành chiếc cầu nối kì diệu để cô gái sống lại những kỉ niệm yêu thương nơi sàn hoa trong những đêm trăng cùng hò hẹn ngày trước:
“Một bó dành nhen lửa sàn hoa
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo...”
Nghĩ đến người yêu, cô yêu cả bó củi, cả cái sàn hoa... Nhưng thực tế cay nghiệt bắt cô nghĩ tới cha mẹ cô hắt hủi người yêu. Không còn cớ gì để bám víu dù là một chiếc cầu mảnh dẻ trong tưởng tượng.
“Vía anh yêu” được nhắc đến hàng chục lần: vía về phơi khăn nơi sào lăn, về giã gạo thổi cơm, về khoác lẵng, xách bầu... Chân cô gái vẫn bước đi, miệng cô gái vẫn nói, nhưng là bước đi và tiếng nói của một tâm hồn chết lặng. Cảnh ép duyên đột ngột. Cô là người trong cuộc nhưng không được bàn, không được hỏi. Đáng lẽ mọi người phải hỏi cô về chuyện trăm năm thì nay cô lại phải hỏi mọi người. Hỏi cha mẹ, cha mẹ không thương. Hỏi “bác trai, bác gái”, “bác trai bác gái” lắc đầu.
Hỏi chị em, dâu, rể trong nhà, tất cả đều bất lực. Cô gái kêu vang cả “chim cu trên ngọn cây”, chim cu cũng không cứu nổi. Cô đau đớn thấy mình thấp cổ, bé họng:
“Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng con chẫu chuộc thôi...”
Copyright © 2021 HOCTAP247