Giải thích câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn
Một đặc điểm của tục ngữ là thường đưa ra những bài học lớn về cuộc sống, con người, xã hội bằng những hình ảnh rất gần gũi, cụ thể, trong đời sống. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là một bài học về tình nghĩa, thuỷ chung, sống có trước có sau, luôn nhớ về nguồn cội.
Đó là một câu tục ngữ hay, hòa chung với bao câu tục ngữ răn đời khác, tạo nên một vốn quý riêng của tinh hoa văn hóa dân tộc đã có từ ngàn đời.
Điểm thú vị và đặc trưng của câu tục ngữ này là hình ảnh. Hình ảnh thật dễ hiểu và gần gũi. Nếu hình ảnh “Uống nước nhớ nguồn” là một điều kiện tiền đề thì điều kiện tiền đề này lại bao hàm một hoạt động bình thường của cuộc sống. Từ đó, chúng dẫn dắt ta đến một kết quả tất yếu, nảy sinh – phải “Nhớ nguồn”. Bởi “Nguồn” là nơi tạo ra dòng nước mát hàng ngày nuôi sống chúng ta. Trong ý nghĩ đó, việc “Uống nước” còn chính là sự thừa hưởng những thành quả, những sản phẩm vật chất, tinh thần của người đi trước. Đến đây, câu tục ngữ hướng mọi người đến một thái độ sống tốt đẹp. Đó là phải biết ơn, trân trọng những người đã tạo ra sản phẩm tinh thần và vật chất ấy.
Cái hay nằm trong từ “nguồn”. Nó vừa mang nghĩa thực chỉ nguồn nước. Vừa mang nghĩa tượng trưng chỉ nguồn cội, nơi xuất phát “nhớ nguồn”; ghi nhận công lao của những thế hệ đi trước đã trở thành một lối ứng xứ, một đạo lý của dân tộc ta, đó là truyền thống trân trọng, biết ơn nguồn cội. Bài học thật thấm thía. Càng thấm thìa và rõ ràng hơn khi nó được xây dựng bởi những hình ảnh thiết thân, dễ hiểu, áp dụng được cho mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, từ gia đình đến xã hội. Ở đây, đạo lí làm con là đạo lí luôn phải nhớ ơn đấng sinh thành bao gồm ông bà, cha mẹ. Nguồn nước ấy thật mênh mông vô hạn, công sinh thành, dưỡng dục, sự hi sinh đã tạo nên nguồn nước mát cho chúng ta trưởng thành.
Bài học “Uống nước - nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lại trở nên cần thiết, sáng rõ lạ thường khi chúng ta đặt nó trong quá trình phát triển, đi lên của xã hội, đất nước chúng ta. Cuộc sống thanh bình, tốt đẹp hôm nay không phải có dễ dàng trong một sớm một chiều. Trải qua bao thăng trầm, giành giật, đổi cả bằng máu xương, năm nắng mười mưa, cha ông ta mới tạo dựng nên.
Hạt gạo ta ăn là thành quả “dẻo thơm một hạt - đắng cay muôn phần'' của người nông dân trên đồng ruộng phải phơi lưng cho trời, bán mặt cho đất. Mảnh đất ta ở hôm nay, thấm máu không biết bao người. Một câu hò, câu hát, một lời thơ lay động là kết quả trí tuệ của biết bao thế hệ cha ông... Vì vậy, chúng ta không thể quay lưng hờ hửng, vọng ngoại một cách mù quáng. Ở đây việc gìn giữ, tô hồng, phát huy bản sắc dân tộc, đất nước chính là sự cụ thể hóa tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, những việc làm thiết thực của đạo lí trên.
Không phái ngẫu nhiên mà bài học đó thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển của cuộc sống, có một số người đã ít nhiều quay lưng, xem nhẹ đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống, đang được mọi người quan tâm giữ gìn. Đó là một biểu hiện của thái độ vô ơn, bội nghĩa, cần được phê phán.
Sự phê phán này cũng là một việc làm thiết thực, cụ thể bên cạnh việc không ngừng khơi dậy bản sắc dân tộc, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Cảm ơn đạo lí từ một lời răn dạy. Chính từ bài học này, chúng ta lớn lên và trưởng thành. Đất nước không ngừng phát triển và trường tồn trong một cuộc sống, mà mọi người ăn ở, đối xử với nhau, ngày càng tốt đẹp, nét đẹp của mối quan hệ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước” thì phải “nhớ nguồn”.
Copyright © 2021 HOCTAP247