Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự Phát biểu một vài cảm nghĩ về bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Phát biểu một vài cảm nghĩ về bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phát biểu một vài cảm nghĩ về bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Hai chữ “Lòng quê” trong Tràng giang có một âm vang đặc biệt. Đứng về mặt kết cấu của bài thơ mà xét thì nó (lòng quê) là kết quả của một quá trình vận động khi cái tôi của thi sĩ bị dồn đẩy đến thế chân tường. Hơn ba khổ thơ trước đó là một sự gắng gỏi. Gắng gỏi để hòa nhập cái cõi vô cùng là không gian cao rộng. Tâm hồn nhà thơ như cất cánh bay lên. Nhưng bao nhiêu tìm kiếm nhọc nhằn đã trở nên vô vọng. Ngay câu thơ đầu đã trĩu nặng ưu tư:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
 
Hình như cái buồn của nhà thơ hay cái buồn của thời đại cũng có một trữ lượng dồi dào như dòng tràng giang. Chỉ cần một con sóng nhỏ gợn lên là cái mặt bằng kia xao động, xôn xao. Cái buồn này gọi cái buồn kia mới trở thành “điệp điệp”. Cái buồn, cái sầu khi đã trở thành một đặc trưng của nhà thi sĩ thì đụng đến là đau. Đây là cái buồn tự ý thức. Ngay từ đầu khi mới trình diện với làng thơ, Huy Cận đã nghĩ đến phút lìa đời. Khi ấy, tác giả Lửa thiêng sẽ đặt trái tim mình trước Thượng đế: “Tôi sẽ nói: Này đây là nước mắt, - Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan”. Còn lúc này đây, trước “sông dài, trời rộng”, nhà thơ chỉ chơi vơi một cái “bến cô liêu”. Cái “bến cô liêu” ấy có đến hai lớp bủa vây. Thứ nhất, trước đó là cái mông lung, mờ mịt. Tuy không sương khói hư vô nhưng cuộc chia biệt với một thứ ngã ba tâm trạng ngổn ngang: “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”, nhất là thân phận nổi nênh vì không làm chủ được bản thân: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Bao nhiêu bầm giập của cuộc đời gửi vào một chi tiết đơn sơ. Hoặc “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”. Cồn mà đã là “cồn nhỏ” thì thật là tội nghiệp. Lại còn “lơ thơ” nữa thì sự nhạt nhòa đã biến có thành không. Cho nên “gió đìu hiu” thích hợp với cái gì đó tang tóc: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” (Xuân Diệu).

Tiếp đến là bến cô liêu, hình ảnh của thiên nhiên hiện ra nhưng là một thứ thiên nhiên từ ngàn năm, từ thời hồng hoang vũ trụ. vẫn những cánh bèo ấy, vẫn những bờ xanh, bãi vàng ấy nhưng lạnh lẽo vì không có hơi ấm con người. Thèm khát một chuyến đò ngang hay chiếc cầu thân mật thì không gian trống rỗng vô tâm. Còn thời gian thì trời đã buông chiều, ánh ngày sắp tắt. Không có bạn đồng hành, cả không gian và thời gian, con người ta cần phải bám vào một cái gì đó. Trong bối cảnh tâm trạng ấy một tấc “lòng quê” mới thiết tha vang ngân. Nhưng sao lại “Lòng quê dợn dợn vời con nước”? Hai chữ “dợn dợn” rất đắt. Bởi nó diễn tả đúng và hay một trạng thái có thực của tâm hồn: sự sợ hãi và hoang mang cực độ. “Dợn dợn” có biểu hiện một trạng thái của sự vật nữa khi nó gắn với “vời con nước”. Đó là trạng thái chập chờn mà con người không thể nắm được nó ở trong tay. Vì quả thực cái tài sản tinh thần duy nhất là “lòng quê” không còn thì tâm hồn nhà thơ còn biết trôi dạt về đâu.
 
Tính nhân văn của bài thơ đã chọn được một điểm dừng đúng lúc.

Copyright © 2021 HOCTAP247