Đề bài: Phân tích đoạn trích Nước Đại Việt ta
Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, không chỉ có tài quân sự mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn lớn. Ông để lại sáng tác đồ sộ trên cả hai mảng sáng tác chữ Hán và chữ Nôm. Các tác phẩm thơ cũng như văn chính luận của ông đều đạt đến độ xuất sắc. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của Nguyễn Trãi ta không thể không nhắc đến Bình ngô đại cáo. Đoạn trích Nước Đại Việt ta là phần đầu của bài cáo này, đã phần nào cho thấy tài năng của Ức Trai.
Bình Ngô đại cáo ra đời trong hoàn cảnh đất nước ta đã dẹp yên giặc Minh. Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi, soạn bài đại cáo tổng kết hành trình mười lăm năm chống Minh xâm lược đầy gian khổ mà hào hùng của nhân dân ta. Tác phẩm là áng thiên cổ hùng văn, là bản anh hùng ca hào sảng của cả dân tộc, khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến và mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc. Đoạn trích Nước Đại Việt ta nằm ở phần đầu của bài cáo, nên lên luận đề nhân nghĩa đồng thời khẳng định chủ quyền vốn có của dân tộc Đại Việt.
Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi nên lên luận đề nhân nghĩa, đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ văn bản:
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa chính là làm cho nhân dân có cuộc sống được yên ổn, hạnh phúc, và để làm được điều đó cần phải diệt giặc tàn bạo. Trong bối cảnh nước ta lúc bấy giờ, trừ bạo ở đây chính là đánh tan quân Minh. Hai mặt này gắn bó chặt chẽ, khăng khít với nhau, không trừ được bạo ngược chắc chắn sẽ không thể đem đến cuộc sống yên ổn cho nhân dân. Đây chính là nguyên lí cơ bản, làm cơ sở để Nguyễn Trãi triển khai toàn bộ luận đề phía sau.
Sau khi nêu lên luận đề nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã đưa ra những dẫn chứng, chân lí về sự tồn tại độc lập của dân tộc ta:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nên văn hiến đã lâu
….
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có
Các yếu tố được Nguyễn Trãi đưa ra để khẳng định chủ quyền dân tộc hết sức đa dạng và có chiều sâu. Nếu như ở bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên Nam quốc sơn hà, mới chỉ dừng lại khẳng định trên hai phương diện là chủ quyền và lãnh thổ, thì đến đây Nguyễn Trãi đã đưa thêm các yêu tố khác: phong tục, tập quán, lịch sử và chế độ riêng. Những yếu tố được bổ sung thuộc về chiều sâu văn hóa mà phải mất hàng nghìn năm bồi đắp và sang lọc mới có được. Với những yếu tố đó, Nguyễn Trãi đã hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia, dân tộc, đây là một bước chuyển mình lớn, sâu sắc hơn so với bản tuyên ngôn trước đó. Qua đây, ta thấy được nhận thức sâu sắc, đúng đắn của Nguyễn Trãi đối với vấn đề chủ quyền của nước nhà.
Trong đoạn thơ trên, bản tuyên ngôn có sức thuyết phục rất lớn đối với người đọc khi Nguyễn Trãi đã sử dụng linh hoạt các từ ngữ mang tính chất hiển nhiên, sẵn có: từ nghe, vốn xưng, đã lâu, đã chia,… để khẳng định sự tồn tại độc lập của đất nớớc. Ông còn sưử dụng linh hoạt biện pháp so sánh, so sánh các triều đại của ta với các triều đại Trung Quốc. Ngoài ra còn kết hợp với giọng văn đanh thép, dõng dạc càng khẳng định hơn nữa ý thức về độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Đoạn thơ cuối nêu lên sự thất bại thảm hại của kẻ thù khi sang xâm lược nước ta. Đó là Lưu Công, Triệt Tiết,… những kẻ nghịch lỗ, lai xâm phạm Đại Việt đều phải chịu kết cục hết sức bi thảm. Hai câu thơ cuối ngắn gọn, súc tích nhưng lại có sức nặng lơn, một lần nữa khẳng định chân lí tồn tại độc lập của dân tộc ta.
Với trình tự lập luận chặt chẽ, giọng văn đanh thép, sắc sảo, Nước Đại Việt ta xứng đáng là áng văn chính luận, bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Đằng sau giọng văn hùng hồn, dẫn chứng chân thực là một lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc của Nguyễn Trãi.
Copyright © 2021 HOCTAP247