Hình ảnh những người lính luôn là một biểu tượng đẹp của mọi thời đại. Chính vì vậy bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã để lại cho em nhiều ấn tượng khó quên.
Cả hai bài thơ đều viết về hình ảnh những người lính trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Qua hai bài thơ ta có thể thấy được lòng yêu nước cũng như tinh thần kháng chiến của những người lính, ở bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu ta thấy những người lính đều xuất thân từ những người nông dân, cùng chung giai cấp, chung cảnh ngộ:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Tuy vậy họ vẫn cùng chung mục đích chiến dấu, chung nhiệm vụ, chung lí tưởng cao đẹp: ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cầm súng chiến đấu giành độc lập, tự do. Những người lính đã cùng trải qua, cùng gắn bó với nhau cuộc sống khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nơi chiến trường: sự thiếu thốn về vật chất, cùng chịu đựng cái đớn đau của dịch bệnh. Từ đó nảy nở tình cảm đồng chí ấm áp, thiêng liêng, ở bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính ta thấy được hình ảnh những người lính lái xe trong hoàn cảnh đặc biệt: điều khiển những chiếc xe không đầy đủ phương tiện, không đảm bảo an toàn. Tuy vậy họ vẫn ung dung, bình thản vẫn bất chấp mọi khó khăn gian khổ, coi thường hiểm nguy. Họ vẫn lạc quan yêu đời, sống trẻ trung, sôi nổi, hồn nhiên. Hình ảnh trái tim là hình ảnh hoán dụ giàu ý nghĩa. Đó là trái tim yêu nước, trái tim dũng cảm, là linh hồn, sức mạnh, trí tuệ, tình cảm của người lính.
Qua hai bài thơ Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính giúp ta thấy được hình ảnh những người lính yêu nước, dũng cảm, chiến đấu hết mình, mặc khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Copyright © 2021 HOCTAP247