Phát biểu cảm tưởng về bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ"
Có một triết gia nói về người mẹ bằng một câu triết lí: “Không có người mẹ thì không có nhà thơ và cả những anh hùng”. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại nói về người mẹ bằng một khúc hát ru. Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được sáng tác năm 1971, đã thể hiện thật cảm động và sâu sắc hình ảnh người mẹ Tà-ôi ở vùng chiến khu Bình Trị Thiên trong những năm đánh Mĩ.
Bài thơ có ba đoạn, mỗi đoạn đều mờ đầu bằng hai câu:
“Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”.
Và cấu trúc lời ru của người mẹ đều được điệp lại ở mỗi đoạn.
Sự lặp lại (cả câu và cấu trúc câu, cấu trúc đoạn) một cách đều đặn tạo cho bài thơ có âm điệu của lời ru nhịp nhàng, vương vấn.
Ở đoạn một, người mẹ hiện lên với dáng hình tần tảo, lam lũ, vất vả với công việc giã gạo nuôi bộ đội. Mẹ giã gạo, em vẫn trên lưng mẹ. Câu thơ “Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối” thật cảm động. Mẹ gầy vì công việc đánh giặc. Mẹ gầy vì nuôi con. Nhưng trái tim của mẹ hát về ước mơ:
“Mai sau con lớn vung chày lún sân”.
Đoạn hai nói về việc mẹ lên núi tỉa bắp. Câu thơ: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ” hình thành theo kết cấu đối lập làm nổi bật hình ảnh mẹ với công việc vất vả. Núi thì to, nương bắp thì rộng mà sức mẹ có hạn. Trên lưng mẹ, em vẫn ngủ say. Hai câu thơ thật hay
Nhưng đối với mẹ, ước mơ cho mẹ thật giản dị. Khi mẹ giã gạo, mẹ mong con: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần”. Khi mẹ tỉa bắp, mẹ mong con: “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”. Khi mẹ đến chiến trường, giữa bom rơi đạn nổ, mẹ mong con: “Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ”.
Đất nước ta giành được độc lập tự do, công đầu thuộc về những người mẹ. Tình thương, lòng vị tha, đức hi sinh của người mẹ đã góp phần làm nên chiến thắng. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cho chúng ta hiểu thấm thía, sâu sắc về tấm lòng, trái tim người mẹ đối với con, đối vói bộ đội, đối với dân làng, đối với Bác Hồ. Bài thơ thật hay và thật cảm động, để lại ấn tượng không bao giờ quên.
Copyright © 2021 HOCTAP247