Suy nghĩ của em về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài: Suy nghĩ của em về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Bài làm

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện được một tình mẫu tử sâu sắc. Cả bài thơ là một khúc ca giàu nhạc điệu dân tộc. Bài thơ chỉ có ba mươi tư câu chia làm ba đoạn nhưng nó đã vẽ nên một hình ảnh sinh động, chân thật. Đó là bà mẹ người dân tộc Tà-ôi căm thù giặc Mỹ, có tình cảm cách mạng sâu sắc, vừa dịu con vừa làm đủ mọi việc: giã gạo, tỉa bắp, chuyển lán, trực tiếp chiến đấu.

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Tiếng gọi ấy, lời khuyên yêu thương ấy vuốt ve em bé và được lặp lại ở đầu mỗi đoạn thơ. Giã gạo bằng chày tay thật vất vả. Nhưng trong cái vất vả ấy ta thấy bừng lên cái say sưa, lạc quan:

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối.

Và tấm lòng của mẹ là chiếc “nôi” xinh xắn. Không có con mắt quan sát tinh tế làm gì Nguyễn Khoa Điềm có được những vần thơ độc đáo ấy!

Rời tay chày, bà mẹ lên núi tỉa bắp:

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ.

Hình ảnh so sánh ở đây có vẻ như là thừa nhưng lại làm rõ tại sao lại như vậy trong hai câu thơ kế tiếp:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Thì ta mới vỡ lẽ. Nói sự nóng bức của bà mẹ thôi mà sao tác giả làm cho người đọc thấm thía thế. So sánh hình tượng thật tài tình, cách dắt dẫn ý thơ của tác giả thật khéo.

Xem thêm Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Ngắn gọn nhất

Trong gia đình, người cuối cùng ra chiến trường là mẹ:

Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

Mẹ địu em đi để giành trận cuối.

Chỉ hai câu thơ thôi, nhưng Nguyễn Khoa Điềm nói được khía cạnh toàn dân đánh Mỹ của đồng bào miền Nam nói chung và của đồng bào miền núi nói riêng.

Cái lắng đọng trong lòng người đọc vẫn là tiếng ru phát ra từ trái tim bà mẹ.

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân...

Nhạc điệu của khúc ru được lặp đi lặp lại nhưng tùy theo công việc, tình cảm của bà mẹ ở mỗi đoạn mà tác giả thay vào vài từ thích hợp được nâng cao dần. Vì “thương bộ đội” nên mẹ “giã gạo” nuôi quân, “thương làng đói” nên mẹ “tỉa bắp trên núi Ka-lưi”. Tình cảm và hành động của bà mẹ được phát triển cao nhất là lúc mẹ “chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”, mẹ “đến chiến trường”. Lòng thương con trong lòng yêu đất nước. Việc làm và tình cảm của bà mẹ người dân tộc Tà-ôi gắn thành một khôi. Hình ảnh bà mẹ người dân tộc Tà-ôi ấy được tác giả khắc họa tập trung nhất ở đoạn cuối của bài thơ.

Bà mẹ vừa dịu con vừa làm việc cho cách mạng là người giàu ước mơ. Ước mơ cao nhất của bà mẹ là:

Mai sau con lớn làm người tự do.

Con người muốn tự do phải chắt chiu, phải hi sinh. Đọc câu thơ ta càng thấm thìa lời dạy của Bác Hồ: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.

Bài thơ làm cho ta thêm tin yêu những người mẹ, người chị của ta ở miền Nam đang bám đất bám làng “một tấc không đi, một li không rời” vừa sản xuất vừa chiến đấu với quân thù.

Copyright © 2021 HOCTAP247