Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Ca dao hài hước Phân tích những bài Ca dao hài hước( bài 2)

Phân tích những bài Ca dao hài hước( bài 2)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1. Bài 1: Chuyện dẫn cưới và thách cưới ở đây không có trong đời thực. Chàng trai (nhà trai) đem đến “một con chuột béo”, “miền là có thú bốn chân"; còn cô gái (nhà gái) lại thách cưới bằng “một nhà khoai lang”.

 a.   Cả chàng trai và cô gái đều đùa vui hồn nhiên. Nói chuyện cưới xin, chuyện trăm năm là một chuyện hết sức nghiêm túc nhưng vang lên tiếng cười vui vẻ, hài hước, hóm hỉnh, chứng tỏ họ đã rất hiểu hoàn cảnh của nhau và rất yêu nhau. Chỉ những người yêu nhau, không ngần ngại nghèo khó, cũng không sợ hai bên gia đình lo nghèo mới có thể đùa với nhau như thế. Một tinh thần lạc quan, trẻ trung trong cuộc sống của người lao động toát lên qua bài ca dao và để lại dư vị cho bao nhiêu người cùng cảnh ngộ. Nhất là những đôi trẻ yêu nhau, những bậc cha mẹ hai bên lo hạnh phúc cho con cái chỉ thấy cái nghèo. Cho nên đây còn là một sự cảm thông cuộc sống nghèo khó, một ngụ ý phê phán tục thách cưới nặng nề. Bên cạnh đó, điểm thú vị của bài ca dao còn ở chỗ, bộc lộ rất rõ tính cách của hai người trẻ tuổi này. Chàng trai dí dóm, thông minh, phóng khoáng. Cô gái chân chất, tần tảo, căn cơ. Chắc chắn nếu thành đôi trong đời thật, họ sẽ sống với nhau hạnh phúc và sẽ thoát nghèo.

b.  Bài ca sử dụng các biện pháp nói quá. Trong thực tế không ai dẫn cưới bằng “một con chuột béo”. Nhất là phép lập luận loại trừ, thu hẹp dần đến kết luận bất ngờ (lời chàng trai); phép liệt kê (lời cô gái) và lối “nói sang” phóng đại, áp dụng cái lí “cù nhầy” đáng yêu, khó cãi đều cùng tính chất dẫn chuyện để tạo ra tiếng cười giàu ý nghĩa. 

2.  Bài 2, 3, 4. Tiếng cười trong các bài ca dao này khác với bài 1 bởi tiếng cười có tính phê phán, không phải là tiếng cười vui: Bài 1 tự trào (cười mình). Các bài còn lại, cười các loài người, thói tật trong cuộc sống cộng đồng lao động.

 a.   Bài ca dao số 2, 3 đối tượng cười là những người “không đáng mặt đàn ông”. Nhưng không phải nhằm vào con người mà mục đích để chế giễu sự yếu hèn, không đảm đương được nhiệm vụ trụ cột gia đình. Cung bậc hài hước ở từng bài cũng khác nhau. Bài 2, bằng phép đòn bẩy, tương phản, nói quá là một cái bĩu môi của cô gái đáo để. Bài 3, so sánh tương phản nói quá lên, nhưng là giọng ngậm ngùi thân ái.

       Bài ca dao số 4, đối tượng cười có người cho là tình yêu mù quáng của anh chồng đối với vợ. Vì quá yêu nên xấu cũng thành đẹp. Thực ra ngụ ý dân gian không chỉ như vậy. Chủ ý là chê cười những người đàn bà thô vụng. Cũng giống như bài “Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày dần / Răng đen nhạt nhót, chân đi cù nèo / Tóc rễ tre, cô chải lược bờ cào..." Thêm vào đó còn một chút tán thưởng cái rộng lượng của tình yêu chồng vợ dù có khi không thật xứng đôi vừa lứa, ưng ý nhau, dù người này hay người kia có khiếm khuyết. Lấy nhau mà yêu nhau thì nhìn nhau, đánh giá nhau bằng con mắt như thế - con mắt của trái tim hào sảng. Có phê phán nhưng thân mật, vui vẻ. Đây chính là vẻ đẹp của tâm hồn lao động.

b.   Nét riêng về nghệ thuật của mỗi bài ca dao.

+ Bài số 2 sử dụng lối nói ngược (“Làm trai cho đáng sức trai" mà lại chỉ “gánh hai hạt vừng”), nói quá “gánh hai hạt vừng”?).

+ Bài số 3 sử dụng biện pháp tương phản (giữa “chồng người” với “chồng em”), và cũng có cả biện pháp nói quá (“ngồi bếp” đế’ “sờ đuôi con mèo”?).

+ Bài số 4 cũng dùng biện pháp nói quá nhưng là 2 lần nói quá (đồng nói quá): vừa nói quá về cái xấu của cô vợ, lại vừa nói quá về tình yêu của ông chồng. Cái hấp dẫn của màn hài hước là ở chỗ sự cường điệu diễn ra song hành, không có điểm dừng, cho thấy tình yêu của anh chồng cũng thiên vị không có điểm dừng.

3.  Ca dao hài hước thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật như: tương phản, nói ngược, nói quá, chơi chữ...

 

Copyright © 2021 HOCTAP247