Phú là một thể loại văn chương cổ, có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào nước ta từ khá sớm. Trong thời đại nhà Trần, phú phát triển một cách mạnh mẽ và được nhiều nhà thơ lựa chọn. “Phú sông Bạch Đằng” hay “Bạch Đằng giang phú” được xem là đỉnh cao của thể phú trong nền văn học trung đại. Đây là một thể loại khó để cảm thức hết được, vì thế cùng tìm hiểu cách làm bài văn nghị luận Phú sông Bạch Đằng một cách dễ dàng qua bài viết dưới đây!
Nghị luận bài Phú sông Bạch Đằng
- Sinh ra và lớn lên trong triều đại nhà Trần;
- Ông là người học rộng tài cao, uyên bác nhiều mặt lại rất cương trực, thẳng thắn nên rất được vua Trần tín nhiệm, nhiều người mến mộ;
- Ông từng làm môn khách của Trần Hưng Đạo.
- Hoàn cảnh ra đời: “Bạch Đằng giang phú” hay “Phú sông Bạch Đằng” được Trương Hán Siêu sáng tác sau chiến thắng của nhà Trần ở trận đánh với quân Mông - Nguyên. Trong một lần dạo chơi, Trương Hán Siêu đã có cảm hứng viết bài phú về dòng sông này: Bài phú như đang ghi lại khoảnh khắc hào hùng lúc quân dân nhà Trần giành chiến thắng.
- Bài “Phú sông Bạch Đằng” thuộc thể loại phú cổ thể. Đặc trưng chủ yếu của những bài phú dạng này là mượn hình thức đối đáp giữa hai nhân vật chủ - khách để bày tỏ, diễn đạt nội dung, câu có vần, không nhất thiết có đối, kết bằng thơ.
- Nội dung chính bài “Phú sông Bạch Đằng”: Bài phú thể hiện rõ lòng tự hào dân tộc về truyền thống anh hùng bất khuất, mạnh mẽ, luôn giành thắng lợi trước kẻ thù, đạo lí nhân nghĩa và vẻ đẹp kì vĩ của cảnh sắc quê hương. Bên cạnh đó còn thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp. Đó chính là sự khẳng định, đề cao vai trò của con người và đạo lý chính nghĩa. Ngoài ra còn là cảm xúc, tâm sự của tác giả khi đứng trước dòng sông lịch sử một thời âm vang.
- Đặc sắc nghệ thuật: Bố cục bài phú chặt chẽ, cấu tứ đơn giản và sử dụng ngôn ngữ trang trọng, vừa hào sảng vừa lắng đọng, mang nhiều sức gợi. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng linh hoạt, tinh tế các hình tượng nghệ thuật vừa sinh động, vừa rõ nét mà lại vô cùng đẹp đẽ.
Xem thêm:
Thuyết minh Phú sông Bạch Đằng hay
Nhận định về tác phẩm "Phú sông Bạch Đằng" của Trương Hán Siêu, giáo sư Nguyễn Đình Chú có viết: "Giá trị của phú là ở chỗ không chỉ làm sống dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc". Ý kiến của anh chị về ý kiến trên.
Nghị luận tác phẩm Phú sông Bạch Đằng
Văn học trung đại đã có thời kỳ phát triển đến đỉnh cao với nhiều tác phẩm nổi tiếng từ chữ Hán đến Nôm, từ đủ các thể loại: thơ, cáo, phú, hịch,... Bài “Phú sông Bạch Đằng” (“Bạch Đằng giang phú”) được sáng tác bởi môn khách của Trần Quốc Tuấn - Trương Hán Siêu - một người tính tình cương trực, am hiểu nhiều lĩnh vực, rất được nhân dân và vua Trần tín nhiệm. Bài phú được sáng tác sau chiến công vang dội của quân ta trước kẻ xâm lược Nguyên - Mông, lấy cảm hứng từ dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Đánh giá về “Phú sông Bạch Đằng” giáo sư Nguyễn Đình Chú viết: "Giá trị của phú là ở chỗ không chỉ làm sống dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc".
Sông Bạch Đằng được mệnh danh là dòng sông của lịch sử. Bởi chính nơi đây đã chứng kiến nhiều trận đánh với những chiến thắng hào hùng của quân dân ta trước kẻ thù xâm lược. Tại đây, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, giết Lưu Hoằng Thao năm 938; Lê Hoàn chiến thắng quân Tống năm 982 và Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên - Mông bắt sống Ô Mã Nhi năm 1288. Bạch Đằng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của thơ ca.
Nghị luận về bài Phú sông Bạch Đằng
Trong một lần du ngoạn bốn phương, có dịp đứng trước dòng sông Bạch Đằng hùng vĩ, Trương Hán Siêu đã sáng tác nên bài “Phú sông Bạch Đằng” nhằm ghi lại những cảm thức khó tả của bản thân khi ghé thăm chốn cũ. Bài phú được viết theo thể phú cổ thể, viết bằng chữ Hán, mượn hình thức đối đáp giữa hai nhân vật chủ - khách để bày tỏ, diễn đạt nội dung, câu có vần, không nhất thiết có đối, kết bằng thơ. Nhân vật khách chính là tác giả, có thú tiêu dao, du ngoạn bốn bể cũng là để bổ sung kiến thức, tìm hiểu lịch sử dân tộc, noi gương vị sử gia nổi tiếng Trung Quốc đời Hán Tử Trường. Chủ là những bô lão ở ven sông Bạch Đằng mà khách gặp, vừa là dân địa phương, vừa là những người đã từng chứng kiến, từng tham gia chiến trận.
Đứng trước Bạch Đằng giang một thời hùng dũng, “hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng” sống dậy một cách chân thực nhất trong từng câu chữ. Trước mắt như hiện ra khung cảnh thiên nhiên vô cùng mỹ lệ, hùng vĩ:
“Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời: một sắc,
Phong cảnh: ba thu.”
Tác giả sử dụng hàng loạt từ láy “bát ngát”, “thướt tha”, mở ra một không gian rộng lớn, rợn ngợp. Dòng sông như trải dài muôn dặm, trên đó, những chiếc thuyền nối đuôi nhau như đuôi của chim trĩ, vô cùng đẹp mặt mà cũng rất hào hùng. Dường như, ở chính nơi ấy, mọi thứ đều hài hòa, vẻ đẹp cũng quyện lại vào nhau, màu trời, màu nước và lòng người đều hợp lại thành một, mê đắm. Phong cảnh ấy tựa như tranh vẽ, đã đạt đến độ chín nhất.
Khi người khách đang thả hồn mình trước nét đẹp của “sóng kình muôn dặm”, người chủ - các bô lão ở ven sông - đã tái hiện lại cho nhân vật khách nghe về những trận chiến hào hùng tại chính nơi này:
“Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.”
Cảnh đẹp như thế, nhưng nơi đây từng là chiến trận, khí thế chiến đấu rập trời, nhuộm đỏ máu tươi. Hai trận đánh lớn được kể ra tựa như một cuốn phim tua châm, trở về với lịch sử: trận đánh năm 1288 “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”, kế đến là chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 phá tan đội quân Hoằng Thao. Đó là những trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc.
Bài phú đặc tả về trận đánh năm 1288 của vua tôi nhà Trần:
“Thuyền tàu muôn đội,
Tinh kỳ phấp phới.
Hùng hổ sáu quân,
Giáo gươm sáng chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ Bắc Nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.”
Đó là một thế trận cân sức cân tài, địch và ta đều vô cùng quyết chiến, hai bên giằng co, bất thân thắng bại, dự đoán cho một trận thủy chiến ác liệt. Hàng loạt từ ngữ gợi tả được tác giả sử dụng để miêu tả chiến trận ngay lúc ấy. Thuyền tàu nhiều vô kể “muôn đội”, quân đông “sáu quân”, cờ bay phấp phới, giáo gươm đã chuẩn bị kỹ càng.
Kẻ thù hết mực hung hăng, kiêu ngạo, xem thường quân ta như cỏ rác, quyết tâm quét sạch nước ta:
“Kìa:
Tất Liệt thế cường,
Lưu Cung chước dối.
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi.”
Từ Tất Liệt, Lưu Cung đều kể mình quân mạnh “thế cường”, “chuốc dối”, cho rằng một roi gieo xuống là có thể biến nước Nam thành của mình. Nhưng rõ ràng, chẳng gì có thể địch lại được truyền thống yêu nước đang hừng hực cháy, dù “đầu bay, máu chảy” vẫn kiên cường, bất khuất đứng lên mà đánh đuổi bọn cướp nước ra khỏi bờ cõi, một ngọn cỏ cũng không được để mất. Và quân dân ta thực sự đã giành thắng lợi:
“Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.”
Chiến thắng ấy không thua bất kỳ một chiến công vang dội nào trong lịch sử. Bằng hình ảnh so sánh, kể về trận Xích Bích, Hợp Phò và sự đại bại của quân địch, Trương Hán Siêu đã cho thấy được sự thảm hại của đội quân Mông - Nguyên. Không cần phải đao to, múa lớn, bằng những từ ngữ súc tích, ngắn gọn nhất mà tác giả đã truyền đến cho người đọc không khí quyết liệt, chiến thắng oanh liệt nhất của trận đánh tại chiến trận này.
Nghị luận Phú sông Bạch Đằng ta còn thấy được tài năng của nhà thơ, ông khéo léo kết hợp câu văn dài ngắn linh hoạt, câu dài gợi không khí trang nghiêm, câu ngắn lại lột tả không khí gấp gáp, hết sức căng thẳng.
Không chỉ có thế, bài phú “còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc”. Đó là chân lý về vai trò, sức mạnh vô tận của con người:
“Từ có vũ trụ,
Đã có giang san.
Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an.
Hội nào bằng hội Mạnh Tân: như vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Du Thuỷ: như quốc sĩ họ Hàn.
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.”
Chiến thắng được làm nên là bởi các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhưng trên tất cả chính là vai trò, vị trí của con người: “Nhân tài giữ cuộc điện an”. Bằng cách mượn hình ảnh các danh nhân, điển tích của Trung Quốc: “vương sư họ Lã”, “quốc sĩ họ Hàn”, tác phẩm ca ngợi con ngươi Đại Việt, đặc biệt là Trần Hưng Đạo. Người tướng tài ấy vô cùng giỏi trong mưu lược, dụng quân, phán đoán tình hình và lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến. Cũng nhờ tài thao lược, những chiến thuật đánh phù hợp, kịp thời và cách điều động quân lính linh hoạt nên mới xóa bỏ được âm mưu xâm lược, khiến quân địch đại bại
Với Trương Hán Siêu, người tướng có tài thôi là chưa đủ, nhân vật khách đã đưa ra đạo lý khác của dân tộc. Con người cần có đức cao, sống có tình có nghĩa như truyền thống bao đời nay:
“Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.”
Cuối cùng là chân lý về sự bất tử của những anh hùng như dòng sông kia hùng vĩ và bất biến:
“Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng Hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!”
Những người anh hùng dân tộc đó, dù đã hi sinh nhưng tiếng thơm còn lưu danh tới muôn đời sau, đời đời ghi nhớ; chỉ những người bất nghĩa tiêu vong. Bởi chân lý của dân tộc ta là trọng tình trọng nghĩa, biết ơn những người đã xả thân cứu nước, đóng góp công sức và có chiến công trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Bài Phú sử dụng nhiều chi tiết mang hình ảnh điển tích chọn lọc kết hợp với thủ pháp liên ngâm, hình thức đối đáp. Tác giả sáng tạo hình tượng nhân vật “khách” nhân vật “các bô lão” để thể hiện ý đồ nội dung. Bên cạnh đó, việc liên hệ đến các nhân vật, trận đánh trong lịch sử cũng mang lại giá trị nghệ thuật vô cùng lớn. Tất cả cô đọng lại, tạo nên “đỉnh cao của thể phú trong văn học trung đại”.
Không sai khi nói rằng: "Giá trị của phú là ở chỗ không chỉ làm sống dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc". “Phú sông Bạch Đằng” không chỉ cho độc giả được một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Mà ở đó, người đọc tựa như đang tận mắt chứng chiến khí thế chiến đấu mãnh liệt của trận đánh trên dòng Bạch Đằng giang cũng chính là nhắc nhở cho chúng ta những chân lý sống muôn đời của dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước sâu sắc, tình yêu thiên nhiên, hoài bão hoàn thiện bản thân, để có thể đứng lên bảo vệ tổ quốc lúc nguy nan nhất; đồng thời nhắc nhở mỗi người “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, biết ơn những hi sinh, mất mát mà ông cha ta đã đánh đổi.
Tham khảo đề bài nghị luận Phú sông Bạch Đằng và bài viết mẫu trên đây để nâng cao kiến thức cũng như hoàn thiện bài viết liên quan đến bài phú này nhé!
Copyright © 2021 HOCTAP247