Phân tích bài "Chiếu cầu hiền" (Bài 1)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích tác phẩm Chiếu Cầu Hiền của Ngô Thì Nhậm để thấy tài nhìn xa trông rộng và tấm lòng của vua Quang Trung đối với đất nước.

Hướng dẫn giải

   Sau khi dẹp xong giặc và loạn lạc ở miền Bắc, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và giao cho Ngô Thì Nhậm soạn Chiếu Cầu Hiền nhằm thu phục người tài ra giúp dân giúp nước. Bài chiều thể hiện tấm lòng vì dân vì nước của vua Quang Trung, đặc biệt cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất.

   Để viết được những tác phẩm chiếu, yêu cầu người viết phải am hiểu sâu sắc hoàn cảnh lịch sử xã hội, nắm được những đòi hỏi của đất nước lúc bấy giờ để qua đó tập hợp lại sức lực vì vận mệnh quốc gia. Đối với Ngô Thì Nhậm, ngoài những yêu cầu trên ông còn là một người sắc sảo trong nghệ thuật thuyết phục. Có thể nói bài Chiếu cầu hiền đã thể hiện một tài năng xuất sắc của tác giả vì cách lập luận chặt chẽ, lời lẽ rõ ràng, tao nhã.

   Mở đầu tác phẩm, tác giả đã dẫn lời của Khổng Tử nhằm tạo dấu ấn mạnh đối với các nho sĩ:

    "Từng nghe: Người hiền ở trên đời cũng như sao sáng trên trời. Sao tất phải chầu về Bắc thần (ý này của Khổng Tử trong sách Luận ngữ), người hiền tất phải do thiên tử sử dụng".

   Đoạn mở đầu muốn khẳng định người hiền tài là những tài sản quí giá của đất nước, giống "như sao sáng trên trời", mà người tài tất phải ra giúp vua trị nước mới xứng với "ý trời" đã sinh ra. Cách so sánh đầy sáng tạo của tác giả đã làm tăng thêm ý nghĩa thuyết phục của bài Chiều. Hình ảnh "sao sáng trên trời" tượng trưng cho sự tinh anh, khiến nhà vua rất lấy làm trân trọng.

   Sang đoạn tiếp theo, tác giả lại đưa ra những khó khăn trong việc thu phục người tài ra giúp nước. Điều đó làm trăn trở nhà vua vì phí hoài nhân tài một cách vô ích đó. "Trước đây, thời gấp vận dụng, trung châu lắm việc, người hiền ở ẩn, cố giữ tiết tháo như da bò bền, người ở triều đường không dám nói năng như hàng trượng mã. Cũng có người đánh mõ giữ cửa, ra bể vào sông, chết đuối trên cạn mà không tự biết, chỉ lo trốn tránh, hầu đến trọn đời". Nhà vua có ý muốn trách những người tài của đất nước. Nếu trong cảnh chiến sự thì việc quốc sự còn nhiều nhưng nay đất nước đã thái bình, nhà vua cần có sự hợp sức của nhân tài để quốc gia được phồn vinh, thịnh vượng hơn. Thế mà người hiền thì ở ẩn hoặc cố ý giữ lấy khí tiết của mình mà không để ý đến việc quốc gia đại sự. Hoặc có những người cũng ra giúp vua nhưng không tận tâm trong công việc. Tác giả viết: "Cũng có người giữ cửa, ra bể vào sông, chết đuối trên cạn mà không tự biết". Đây là cách phê phán nhẹ nhàng và tế nghị nhưng ẩn ở phía sau là những hàm ý rất thâm thúy.

   Việc tập hợp người hiền tài giúp nước là công việc gấp gáp và quan trọng hơn lúc nào hết. Vì vậy, nhà vua luôn "sớm hôm mong mỏi".

   Vua Quang Trung không chỉ làm phận sự của một vị tướng tài là dẹp giặc, trừ bạo mà còn lo toan đến đời sống của người dân. Trong thực tế lịch sử sau khi đất nước đã hòa bình, yên ổn thì "dân khổ chưa hồi sức" nên đặt ra nhiều vấn đề lớn để ổn định và phát triển triều đại. "Dân khổ chưa hồi sức, đức hóa chưa thấm nhuần, trẫm chăm chăm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan. Nghĩ rằng: sức một ngày không chổng nổi tòa nhà to, mưu lược của kẻ thù sẽ không dựng được thái bình". Đoạn vă chứa đựng tấm lòng nhà vua vì sự bình an dân chúng và sự phồn vinh nước nhà. Những lời văn chan chứa tâm huyết của vua Quang Trung cho thấy vua không lúc nào không nghĩ đến cuộc sống của người dân và lo toan cho quốc gia đại sự. Tấm lòng đó quả là rộng lớn và quý báu của một vị vua suốt đời dâng hiến cho dân tộc. Có một nhà vua với những lí tưởng cao đẹp như thế đất nước sẽ luôn được thái bình, dân chúng sẽ luôn được hưởng ấm no hạnh phúc.

   Đoạn thứ ba của bài chiếu cho thấy thầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung là xuất chúng, thể hiện rõ tình yêu nước thương dân nồng nàn của một nhà lãnh đạo tài ba. Để hợp sức dân lại xây dựng cơ nghiệp đất nước, nhà vua không loại trừ một tầng lớp xã hội nào, miễn là công dân trong nước có tài và đức đủ để gánh vác chuyện quốc gia đều được lựa chọn vào trong triều giúp vua gây dựng đất nước. "Vậy ban chiếu xuống, quan việc lớn nhỏ và dân chúng trăm họ ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép được dâng thư bày tỏ công việc".

   Có thể nói ở đây, tính dân chủ đã được hình thành và phát huy cao độ. Điều đó nói lên tính cấp thiết của đất nước trong việc trọng dụn người tài vào nắm giữ các chức vụ khác nhau trong triều đình mới.

   Trong lịch sử ít có một nhà vua nào đề cao tối đa tính dân chủ trong việc tuyển dụng nhân tài giúp nước như vua Quang Trung. Cách nhìn xa trông rộng đó chứng tỏ nhà vua là người am hiểu quy luật phát triển của lịch sử, đã thấy được tương lai sau này của đất nước. Sự tiên tri đó nói lên tài phán đoán, tiên tri của một vị vua anh minh đối với quốc gia, dân tộc, bởi vì trong sâu thẳm tấm lòng nhà vua luôn nung nấu một khát vọng làm sao cho dân no ấm, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh. Đó cũng chính là mơ ước của người dân nhằm canh tân nước nhà.

   Bài Chiếu cầu hiền là tấm lòng của vua Quang Trung đối với dân với nước, tấm lòng đó là niềm mong muốn được cống hiến vì sự phồn vinh của nước nhà mà vua Quang Trung đã từng nung nấu. Qua bài chiếu này ta có thể thấy, tài nhìn xa trông rộng của nhà vua anh minh Quang Trun và tình yêu nước nồng nàn của một vị vua kiệt xuất.

   Quang Trung xứng đáng đi vào lịch sử như một nhân vật tài ba nhất trong lịch sử trung đại nước nhà.

Copyright © 2021 HOCTAP247