Đề bài: Phân tích nhân vật Phăng- tin trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”
Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền không chỉ nổi bật với một Giăng Van-giăng có tình yêu thương bao la, sẵn sàng hi sinh vì mọi người mà còn nổi bật lên một Phăng-tin có tâm hồn đẹp đẽ. Phăng-tin là người có số phận bi kịch và bất hạnh nhất trong thiên tiểu thuyết này. Dù chỉ là một đoạn trích ngắn như số phận cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị đã được bộc lộ.
Phăng-tin là một người con gái xinh đẹp, dù không có cha mẹ, nhưng cô vẫn sống hết sức đúng mực, cư xử lễ độ. Cô sống và yêu hết mình, bằng một tình yêu chân thành, mãnh liệt. Nhưng số phận trêu đùa, khi cô có con thì cũng là lúc kẻ bội bạc người yêu cô ruồng bỏ. Cô phải một mình chống cự lại xã hội đầy hiểm ác để nuôi con khôn lớn. Làm việc tại xí nghiệp, khi bị phát hiện có con mà không có chồng cô đã bị đuổi đi một cách vô lí. Và cho đến lúc chết cô cũng không được chết một cách thanh thản, bởi đứa con mà cô yêu quý, sẵn sàng hi sinh cho nó vẫn chưa tìm thấy; cô chết trong hoảng loạn, khi phải thấy mặt Gia-ve, bị trấn áp về tinh thần. Số phận của Phăng-tin bạc bẽo, bất hạnh, cô bất hạnh từ lúc sinh ra cho đến cả khi cô nhắm mắt xuôi tay.
Phăng-tin là người phụ nữ yêu thương con vô hạn, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con. Phăng-tin sẵn sàng bán răng, bán tóc, bán cả danh dự và nhân phẩm để nuôi con khôn lớn. Cô đã đau đớn biết chừng nào khi mỗi lá thư cô đọc được nói con cô bị rét vì không có áo mặc, bị ốm vì không có thuốc uống,… lúc ấy tâm hồn cô như điên loạn, vì yêu vì thương cho con. Vì con cô đã làm đến lao lực và phải cận kề cái chết.
Trong thời gian nằm trên giường bệnh, Phăng-tin vẫn không nguôi niềm hi vọng sẽ được nhìn thấy con một lần. Niềm tin tưởng của chị đặt cả vào Giăng Van-giăng, chị tin rằng nhất định ông thị trưởng sẽ đem con chị trở về. Có lẽ nếu không có sợi dây niềm tin ấy thì tử thần đã cướp chị đi từ lâu. Nhưng chính tên Gia-ve đã dập tắt mọi niềm tin, mọi sự hi vọng của chị đối với cuộc sống này. Chị đau đớn khôn cùng: “Con tôi! Chị kêu lên. Đi tìm con tôi! Thế ra nó chưa đến đây!....”. Lời thoại bị ngắt thành nhiều câu ngắn, như lời nói đầy uất nghẹn, đau đớn đến tột cùng của chị Phăng-tin. Chị đau đớn nhìn ông thị trưởng như cầu cứu, như mong mỏi ông thị trưởng hãy cho chị biết lời của kẻ ác thú kia ông phải là sự thật. Tột cùng của nỗi đau, chị ngã xuống gối, đầu đập vào thành giường và chị đã ra đi mãi mãi. Chính Gia-ve là người gây ra cái chết đầy thương tâm cho người phụ nữ bất hạnh. Chị chết đi, đôi tay buông thõng, lời thì thầm của Giăng Van-giăng đã khiến khuôn mặt chị “nở nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”. Đây là hình ảnh lãng mạn nhất trong toàn bài, không ai rõ Giăng Van-giăng đã nói gì với chị Phăng-tin, phải chăng đó là lời hứa nhất định sẽ tìm và nuôi dưỡng đứa con cho chị. Có lẽ là như vậy thì chị mới nở nụ cười mãn nguyện và ra đi thanh thản đến như vậy.
Nhân vật Phăng-tin được xây dựng là chất xúc tác thúc đẩy câu chuyện phát triển. Đồng thời với nhân vật này, đã làm rõ chân dung của hai nhân vật trung tâm là Giăng Van-giăng và Gia-ve. Dù chỉ là nhân vật phụ, song nhân vật Phăng-tin cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển cốt truyện và thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Nhân vật Phăng-tin không được tác giả khắc họa trong tâm trạng, mà chủ yếu khắc họa trong ngôn ngữ, hành động. Phăng-tin là người phụ nữa có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng, sẵn sàng hi sinh vì con. Đồng thời với nhân vật này, nhà văn cũng thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ trong xã hội cũ, lên án suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu đã đẩy con người đến chỗ chết.
Copyright © 2021 HOCTAP247