I. GIỚI THIỆU VỀ MỘT DANH LAM THẮNG CẢNH
Đọc bài giới thiệu về Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (trang 33, 34 SGK Ngữ văn 8 tập 2) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1. Bài giới thiệu đã giúp em hiểu biết những gì về Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn?
Trả lời:
Bài viết giúp ta hiểu thêm về lịch sử, cấu trúc và một vài nét về cảnh vật của hồ Hoàn Kếm và đền Ngọc Sơn.
Câu 2. Muốn viết bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh như vậy, cần có những kiến thức gì?
Trả lời:
Cần phải có những hiểu biết về văn hoá, lịch sử, địa lí,…
Câu 3. Làm thế nào để có những kiến thức về một danh lam thắng cảnh?
Trả lời:
Phải đọc sách, tra cứu, hỏi han,…
Câu 4. Bài viết được sắp xếp theo bố cục, thứ tự nào? Theo em, bài này có thiếu sót gì về bố cục?
Trả lời:
- Bài viết được sắp xếp theo thứ tự:
+ Giới thiệu hồ Hoàn Kiếm.
+ Giới thiệu đền Ngọc Sơn.
- Xét về bố cục, bài này thiếu phần mở bài.
Câu 5. Phương pháp thuyết minh ở đây là gì?
Trả lời:
Phương pháp thuyết minh chủ yếu được sử dụng ở đây là phương pháp miêu tả và giải thích.
II. LUYỆN TẬP
Câu 1. Lập lại bố cục bài giới thiệu Hồ Hoàn Kiếm và đến Ngọc Sơn một cách hợp lí.
Trả lời:
Có thể lập lại bố cục của bài thuyết minh về Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn như sau:
Mở bài : Giới thiệu chung về thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Thân bài : Đoạn 1 : giới thiệu hồ Hoàn Kiếm
Đoạn 2 : giới thiệu đền Ngọc Sơn
Kết bài : Nói chung về khu vực Bờ Hồ
Câu 2. Nếu muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và đến Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong thì nên sắp xếp thứ tự giới thiệu như thế nào? Hãy ghi ra giấy.
Trả lời:
Muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong thì nên sắp xếp thứ tự giới thiệu như sau :
- Giới thiệu các phố, các công trình ven bờ hồ (Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ. Các công trình ven bờ hồ có thể kể Plaza Tràng Tiền, Bưu điện, Uỷ ban Nhân dân thành phố, đền Bà Kiệu, tượng đài quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, Nhà hát múa rối, Nhà hàng Thuỷ tạ…).
- Giới thiệu các công trình kiến trúc xưa : Đài Nghiên, tháp Bút, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn…
Câu 3. Nếu viết lại bài này theo bố cục ba phần, em sẽ chọn những chi tiết tiêu biểu nào để làm nổi bật giá trị lịch sử và văn hóa của di tích, thắng cảnh?
Trả lời:
Nếu viết lại bài này theo bố cục ba phần, có thể chọn những chi tiết sau:
- Chi tiết thể hiện giá trị lịch sử: từ tên gọi cũ (Lục Thuỷ) đến tên gọi hiện nay (theo sự tích Lê Lợi trả gươm).
- Chi tiết thể hiện giá trị văn hoá: các truyền thuyết đời Lê Thánh Tông, đời Vĩnh Hựu kể về Điếu Đài, về cung Khánh Thuỵ, về chùa Ngọc Sơn (sau là đền Ngọc Sơn). Tiếp đó có thể chọn các chi tiết về việc xây Tháp Bút, dựng Đài Nghiên…
Câu 4. Một nhà thơ nước ngoài gọi Hồ Gươm là “chiếc lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng Hà Nội”. Em có thể sử dụng câu đó vào phần nào trong bài viết của mình?
Trả lời:
Câu của nhà thơ nước ngoài gọi Hồ Gươm là “chiếc lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng Hà Nội” có thể sử dụng ở nhiều vị trí: trong phần mở bài, giới thiệu chung và hồ Gươm và đền Ngọc Sơn hay ở phần thân bài, ngay đầu đoạn 1 khi giới thiệu về hồ Gươm. Nhưng lại cũng có thể dùng để kết đoạn 1, trước khi chuyển sang đoạn 2, giới thiệu về đền Ngọc Sơn.
Câu 5. Tham khảo một số bài thuyết minh về một phong cảnh:
ĐỘNG PHONG NHA
Những năm gần đây, ngành du lịch của đất nước ta đang rất phát triển. Trên khắp đất nước có rất nhiều những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Mỹ Sơn… Trong số đó, động Phong Nha cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Động Phong Nha nằm trong quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Ta có thể đến Động Phong Nha thật dễ dàng bằng hai con đường: nếu bạn thích đi đường thuỷ thì ngược dòng sông Gianh đến đoạn sông Gianh gặp sông Son rồi cứ theo sông Son mà vào động. Nếu đi đường bộ thì lộ trình sẽ theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông Son (đoạn đường này ước chừng 20 cây số). Nhưng dù đi bằng cách nào thì bạn đều phải đi xuồng máy hoặc chèo đò từ bến sông Son vào cửa hang Phong Nha. Nếu đi bằng xuồng máy từ bến sông Son vào đến cửa hàng Phong Nha thì mất khoảng nửa giờ. Ngồi trên xuồng ngắm nhìn dòng sông xanh thẳm và rất trong, nhìn những khối núi đá vôi trùng điệp, những xóm làng, nương ngô rải rác hai bên bờ thì thật là thú vị.
Phong Nha gồm hai bộ phận là động khô và động nước. Động khô ở độ cao khoảng 200m, giờ chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ cùng vô số những cột đá óng ánh màu xanh ngọc. Nhưng theo các nhà địa lý học thì xưa kia, ở động khô này vốn là một dòng sông ngầm, nay đã cạn hết nước. Động nước thì bây giờ vẫn còn có một con sông dài chảy suốt ngày đêm. Con sông này nước rất trong và cũng khá sâu.
Động nước là nơi hấp dẫn và được khách du lịch lui tới nhiều hơn cả. Vì hiện nay động nước vẫn có một con sông dài nên muốn vào được thì cần phải có thuyền. Nhưng điều quan trọng là phải mang theo đèn, đuốc để thắp sáng vì càng vào sâu trong hang thì càng ít ánh sáng. Tuy một số nơi ở trong hang đã được mắc điện nhưng muốn đi suốt 1500 mét hang thì vẫn phải cần có dụng cụ để thắp sáng.
Động chính Phong Nha có tới mười bốn buồng nối với nhau bằng một hành lang chính dài hơn một nghìn mét. ở các buồng ngoài trần thấp, chỉ cách mặt nước chừng 10m. Từ buồng thứ tư trở đi thì vòm hang đã cao tới 25 – 40m. Đến hang cuối cùng, hang thứ mười bốn thì bạn có thể thoả sức mà thám hiểm các hàng to ở phía trong sâu theo cách hành lang hẹp. Nhưng những hang to này mới chỉ có một vài đoàn thám hiểu với đầy đủ trang thiết bị từ máy móc, đèn, quần áo đến thuốc men, đặt chân tới. Liệu bạn có đủ tự tin để trở thành một nhà thám hiểm tài ba không? Tuy nhiên hang động Phong Nha vẫn còn cất giữ biết bao điều huyền diệu, thú vị đang chờ đợi chúng ta đến khám phá.
Đi thuyền thăm động Phong Nha, chúng ta sẽ bị bất ngờ và hấp dẫn trước vẻ đẹp kỳ ảo của nó. Dưới ánh sáng của đèn đuốc, các khối nhũ đá hiện lên với nhiều màu sắc, hình khối. Những khối nhũ đá này có đường nét hài hoà, màu sắc huyền ảo, sắc lóng lánh như kim cương. Nhất là dưới ánh đèn đuốc thì cảnh hiện lên lại càng lung linh, huyền ảo. Trên vách động thi thoảng còn thấy những nhánh phong lan rừng rủ xuống xanh mướt. Trong hang cũng có một số bãi cát nhỏ, tới đây du khách có thể ghé thuyền lại mà leo trèo, thăm thú, ghi hình, chụp ảnh làm kỷ niệm. Vào động Phong Nha ta cảm thấy một khung cảnh thật khác lạ: trước mắt là những khối nhũ đá lung linh huyền ảo, ta lại được nghe tiếng nước chảy, âm vang của tiếng nói, được cảm nhận không khí mát mẻ, trong lành thật là sảng khoái.
Quả thật xứng với danh hiệu “Kỳ quan đệ nhất động”, động Phong Nha là một hang động đẹp, kỳ vĩ. Theo báo cáo khoa học của đoàn thám hiểu hội địa lý Hoàng gia Anh, động Phong Nha có tới bảy cái nhất: hang động dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất, có những hồ ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, sông ngầm dài nhất. Để giữ gìn và bảo tồn vẻ đẹp của động Phong Nha, chúng ta phải có ý thức tham gia bảo vệ danh lam thắng cảnh này.
Phạm Thị Khánh Linh
THẮNG CẢNH SÔNG HỒNG
Đi qua khu chợ Đồng Xuân quanh năm ồn ào náo nhiệt, tôi thư thả dạo bước trên cầu Long Biên, mở rộng tầm mắt nhìn con sông Hồng mênh mang, êm đềm xuôi về biển. Gió vi vu thổi. Tôi hít sâu một ngọn gió mát lạnh vào lồng ngực, những cơn gió đã từng thổi phổng phao cơ thể tôi lớn lên trong suốt thời thơ ấu. Trời xanh cao quá, trong lành quá, bao kỷ niệm thuở xưa chợt ùa về, dâng lên, khiến tâm hồn tôi phút chốc bồng bềnh như đang trôi trên dòng cảm xúc.
Gia đình tôi sống ở phố Trần Nhật Duật, nhìn sang bên kia đường là con đê bao ngoài. Hồi ấy, chỉ cần trèo qua bờ cỏ cao chừng 4 mét thôi, tức thì sẽ trông thấy một khung cảnh yên ả, thanh bình như ở chốn đồng quê, hoàn toàn khác xa với cuộc sống thành thị. Những bãi cỏ xanh rì trải rộng, những hồ ao quanh bờ rậm rịt luỹ tre bụi chuối, trinh nữ, mâm xôi… Tiếng chim ríu rít trên đầu, thỉnh thoảng gặp một nhóm dăm ba người đi câu cá. Qua hết bãi cỏ là đến vành đê bao trong, con đê này nhỏ hơn, được đắp đá làm kè rất cẩn thận. Từ đây, dòng sông Hồng mênh mang mở rộng trước mắt, bãi cát vàng óng ả, nước sông đỏ quạch như gạch cua, ầm ì xuôi về đồng, ấp ôm, nuôi nấng cả một vùng đồng bằng trù phú. Bọn trẻ con chúng tôi thích nhất mùa hè, được nghỉ học, tha hồ chơi đùa chạy nhảy suốt cả ngày trong cái thế giới cổ tích đó. Sớm tinh mơ, sương hãy còn ướt đầm bãi cỏ, tôi đã thức dậy chạy sang bên đê, vươn vai hít thở không khí trong lành. Trưa nắng chang chang, lại vác chai đi đổ dế về chọi thi, rồi thi tát cá, câu lươn, bắn chim, khát nước thì bẻ ngô non hít,… nhiều trò chơi thú vị lắm. Chiều đến, cả lũ rủ nhau đá bóng hoặc thả diều, quần nhau đến mệt lử, cơ bắp mỏi nhừ, người như bốc hoả, ấy thế mà chỉ cần nhảy tùm xuống sông, tức thì thịt da mát dịu ngay. Có lần mới tập bơi, tôi đã phải uống một bụng nước, nên dường như nước sông Hồng vẫn còn đang quyện hoà trong máu tôi. Tối đến, cơm nước xong, nhiều người thường trải chiếu trên bờ đê hóng mát. Gió vi vu thổi, không gian yên bình, bầu trời trong vắt, lấp lánh trăng sao, trong bờ cỏ rối thơm ngai ngái, tiếng côn trùng cứ miệt mài rỉ rả hát ru tôi vào giấc ngủ giữa sườn đê, hồn nhiên và trong trẻo. Anh trai tôi cõng về nhà lúc nào mà tôi cũng chẳng hay. Mùa hè cũng là mùa mưa lũ, lũ từ phương Bắc đổ về, qua trung du lại hội nhập với sông Đà, sông Lô càng trở nên hung tợn, ầm ầm đổ quân xuống, dìm nghiến bãi bồi, chực phá tan đê. Mới hôm trước, bãi giữa sông còn trải dài như tấm lưng con thuồng luồng lớn, mà hôm sau chỉ còn cái mô đất ngoi lên như mai con rùa rồi mất hẳn giữa dòng nước đỏ cuồn cuộn, dữ dằn.
Dân các làng ven sông và cả thành phố chống trả lũ quyết liệt lắm. Khủng khiếp nhất là hai cơn lũ năm 1969, 1971, nước dâng lên mấp mé mặt đê, tưởng sắp cuốn phăng cây cầu Long Biên. Cả một làng rộng lớn hàng trăm nóc nhà bị xoá sổ. Ai đã có dịp đi thuyền vòng quanh bãi ngập những ngày kinh hoàng ấy hẳn không khỏi quặn lòng khi nhìn những ngọn cây, mái nhà lập lờ nhấp nhô trong biển nước.
Tới mùa khô, nước rút đi để lại một vùng màu mỡ, đất phù sa vàng ươm dưới ánh nắng chói chang. Chỉ cần phủi lớp cát bề mặt đã bị gió vờn khô là trông thấy mặt đất ẩm ướt, đỏ tươi như thịt, vốc lên tay nghe xôm xốp, tơi mềm. Người nông dân bắt đầu vãi ngô, đậu, lạc… Chẳng phải cuốc xới, phân gio gì mà mầm cây đâm lên vùn vụt. Cuối vụ, mỗi bắp ngô to như bắp chân, hạt đều tăm tắp, trắng như sữa, gặm vào ngập chân răng, vừa ngọt, vừa bùi. Cũng bởi vì nhiều cát, nên người ta đào những hố hàm ếch rộng chừng 1-2m, cát cứ trôi tuột xuống hố. Người đi lấy cát chỉ việc lấy xẻng xúc lên, đầy thuyền thì xuôi xuống cảng Phà Đen, tập kết thành bãi lớn đợi chủ thầu đến mua rồi chở vào các công trình xây dựng trong thành phố.
Có bận đến nửa tháng trời, sáng sớm hôm nào tôi cũng theo anh bạn, đánh xe bò lên cảng Phà Đen lấy cát rồi xuống Lĩnh Nam, đi đò sang Bát Tràng, một làng nghề gốm sứ có từ 600 năm trước.
Chẳng mấy chốc, những ngọn gió mùa đông bắc đã kéo về, trẻ con chúng tôi co ro lại vì rét, không mấy khi ra đến bờ sông nữa. Thế nhưng trong cái thời tiết u ám, lạnh đến thấu xương đó, những đứa bạn tôi đất Quảng Bá, Nhật Tân vẫn còn đang phải tất bật cùng gia đình chăm chút cho hàng ngàn cây đào, cây quất, thứ cây đỏng đảnh như con gái, trồng cả năm chỉ phục vụ cho có ba ngày tết.
Thời tiết ấm dần lên, mưa xuân bay lây phây như sương. Lũ trẻ reo vang: “Tết đến rồi”. Cả một dải bờ sông nhất loại bừng sáng, muôn sắc hoa thơm chen nhau đua nở: bên cái màu vàng óng ả của hoa cúc, có màu tím ngắt của lưu ly, viôlét, những vườn đào mênh mông hồng ấm lên như nắng, cánh đồng cải cúc vàng bạt ngàn. Nam thanh, nữ tú mặt mày hớn hở dắt nhau đi xem, chọn và mua hoa, những bông đào nở hồng hồng như xác pháo, những tán quất xoe tròn, lộc non mơn mởn, quả chín sai trĩu trịt.
Hà Nội ngày càng đẹp hơn, sầm uất hơn, hai bên bờ sông cũng vì thế mà nhộn nhịp thêm nhiều. Phía Quảng Bá, Tứ Liên, những khách sạn, biệt thự sang trọng mọc lên như nấm, đằng bãi bồi Nghĩa Dũng, Phúc Xá thì nhà, bến, xưởng, chợ chen chúc nhau tới nhau tới tận bờ sông, con đê đắp bằng đất từ ngàn năm trước, đã được xây cạp lại bằng bê tông gọn ghẽ. Hà Nội đổi thay từng giờ, nhưng sông Hồng thì dường như muôn đời vẫn vậy. Vẫn chở nặng phù sa, vẫn bên bồi bên lở…
Có lẽ non ngàn năm xưa, khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về đây, hẳn người đã tiên đoán được sắc nước Hồng Hà và nguồn lợi của dòng sông vạn đời sau. Bất giác, tôi ngước mắt nhìn bầu trời xanh thăm thẳm rồi dõi theo dòng nước ngàn năm “mênh mông đưa cát tới chân làng quê”, ô kìa lạ chưa, con nước bao đời đỏ phù sa là vậy, dưới sáng thu nay như cùng hoà với sắc thiên thanh, khiến mây nước đất trời thêm bao la trong màu xanh, yên bình mà vững chãi. Chưa cần lên cao hơn nữa, chỉ từ Long Biên, Thăng Long hay Chương Dương, nếu nheo mắt lắng hồn đôi chút, hẳn bạn cũng như tôi, thấy Hồng Hà dịu dàng và tha thướt như tà áo dài Hà Nội, giản dị mà kiêu sa, duyên dáng mà mãnh liệt.
Hoàng hôn buông, thành phố bừng lên những mắt đèn, dưới kia, “sông mênh mông như bát ngát hát”.
Copyright © 2021 HOCTAP247