“Chuyện người con gái Nam Xương” là một câu chuyện được lấy từ tập “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, kể về cuộc đời bi kịch của người con gái đẹp người đẹp nết Vũ Nương đã đẩy nàng vào cái chết oan ức. Vậy, nguyên nhân cái chết của Vũ Nương là gì và nó có đơn giản chỉ là một nỗi oan? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Phân tích nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương
“Chuyện người con gái Nam Xương” kể về cuộc đời của người phụ nữ đức hạnh. Dẫu nàng mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp, nhưng cuối cùng lại phải chịu một cái chết oan ức. Điều gì đã đẩy nàng vào hố sâu tối tăm của biên kịch ấy? Là do lời nói của trẻ thơ, hay do xã hội phong kiến với những tư tưởng lạc hậu, thối nát đã từng bước tước đi hạnh phúc nhỏ nhoi của nàng?
Xem thêm:
Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều
Truyện kể rằng, Vũ Thị Thiết là một người con gái đến từ Nam Xương. Nàng xinh đẹp và đức hạnh nên được Trương Sinh - con trong một gia đình giàu có nhưng không có học, lại hay đa nghi - hỏi cưới. Cuộc sống vợ chồng chưa êm ấm được bao lâu, chồng nàng đã phải đi tòng quân khi vợ đang mang thai.
Chồng đi xa mới chừng mười ngày nàng đã sinh ra con trai và đặt tên cho bé là Đản. Năm sau, khi giặc đã được dẹp yên cũng là lúc Trương Sinh được trở về. Nhưng đứa trẻ lại nhất quyết không nhận Trương Sinh là cha, còn kể về một người cha đêm nào cũng đến chơi với nó.
Trương Sinh vốn tính đa nghi lại hay ghen, vừa nghe con trẻ nói vậy đã đinh ninh là vợ mình hư hỏng, trắc nết. Về nhà, Trương Sinh không cho Vũ Nương cơ hội để tự biện minh cho mình, mà đã chửi mắng, đánh đuổi nàng đi. Vì quá oan ức, Vũ Nương đã nhảy xuống sông tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình.
Đâu là nguyên nhân cái chết của Vũ Nương?
Đọc kỹ tác phẩm, ta có thể thấy truyện không phải không hé mở khả năng tránh được bi kịch đó. Lời con trẻ nghe như thật, nhưng nó lại chứa đựng nhiều điểm vô lý không thể tin ngay được. Nếu Trương Sinh bình tĩnh một chút, suy nghĩ kỹ một chút sẽ biết được “người cha” trong lời con kể có điểm bất thường.
Nhưng vì tính hay ghen, ít học, lại thiếu suy nghĩ, Trương Sinh đã bỏ qua những điểm đó mà kết tội vội vàng cho vợ, để rồi dẫn đến cái chết oan uổng cho người vợ đức hạnh.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích chuyện người con gái Nam Xương
Kể lại chuyện người con gái Nam Xương
Bi kịch cũng có thể chẳng xảy ra nếu Trương Sinh cho vợ mình một cơ hội giải thích. Chỉ cần thuật lại lời con, Vũ Nương đã có thể lý giải rằng nàng chỉ đang giúp con nguôi ngoai nỗi nhớ cha bằng cách trỏ vào bóng mình rồi nói đó là cha Đản. Đó cũng là cách mà Vũ Nương thỏa lòng mong nhớ chồng mình nơi chiến trường hiểm nguy.
Nhưng rồi, Trương Sinh lại lựa chọn không nói không rằng mà kết tội vợ. Để rồi, khi mọi chuyện đã vỡ lẽ, Vũ Nương cũng chẳng còn trên đời này nữa rồi.
Câu chuyện bắt đầu từ bi kịch gia đình, từ một vụ ghen tuông không rõ nguồn gốc. Kể từ khi Vũ Nương lấy phải người chồng cả ghen, thì bi kịch đời nàng đã dần được nung nấu rồi. Như vậy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết oan ức của Vũ Nương chính là máu ghen của một người chồng nông nổi.
Một người phụ nữ đức hạnh, luôn giữ cho tâm hồn trong sáng như ngọc mà lại bị nghi oan bởi một việc không đâu ở lời con trẻ. Ở câu nói đùa của mẹ với con, để rồi phải tìm đến cái chết bi thảm, đau thương trong lòng sông thăm thẳm và lạnh lẽo. Câu chuyện ấy đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một gia đình. Nó khiến người đọc liên tưởng đến số phận mong manh của người phụ nữ trong xã hội thối nát mà những bất công, oan khuất và tai họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân cái chết của người con gái Nam Xương
Đó chính là xã hội phong kiến, là xã hội mang những định kiến nặng nề cùng tư tưởng lạc hậu áp đặt lên thân phận người phụ nữ. Đó là xã hội sản sinh ra những chàng Trương Sinh, những người đàn ông đặc đầu óc nam quyền và sẵn sàng chà đạp lên người phụ nữ. Đó là xã hội coi phụ nữ như một lớp người thấp hèn, không có tiếng nói, không có quyền mưu cầu hạnh phúc. Để rồi đẩy nhiều người phụ nữ vào ngõ cụt không lối thoát.
Như vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của Vũ Nương chính là chế độ phong kiến bất công mang tư tưởng “nam quyền” bất bình đẳng đã vô tình buộc lên thân hình nhỏ bé của người phụ nữ muôn vàn xiềng xích của khuôn khổ chung.
Cái chết của Vũ Nương chính là một lời tố cáo xã hội phong kiến đã cướp đi mưu cầu hạnh phúc nhỏ nhoi của người phụ nữ. Đồng thời, đó cũng là sự thương cảm sâu sắc mà tác giả dành cho số phận nhỏ bé của người phụ nữ xưa. Họ đẹp là thế, đáng ra họ nên được hạnh phúc. Nhưng rồi, họ cũng không thể tránh khỏi số phận chung mang tên “bạc mệnh” mà xã hội đem đến cho họ.
Xem thêm:
Đóng vai Trương Sinh kể lại nỗi ân hận khi vu oan cho Vũ Nương
Đó là bài phân tích nguyên nhân cái chết của Vũ Nương được CungHocVui biên soạn. Hy vọng với việc tham khảo bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác phẩm và đạt kết quả học tập tốt hơn.
Copyright © 2021 HOCTAP247