Trong bài thơ Bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt có viết: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm … Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa? Đoạn thơ trên đã đọng lại trong tâm hồn của em những suy nghĩ và cảm xúc gì?
Bằng Việt là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ông đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm thơ: Hương cây - Bếp lửa (in chung với Lưu Quang Vũ; 1968), Những gương mặt, những khoảng trời (1973), Đất sau mưa (1977), Khoảng cách giữa lời (1984). Bài thơ Bếp lửa là thành tựu nổi bật nhất của Bằng Việt trong số những bài thơ đầu tay, được sáng tác khi tác giả đang du học tại Nga.
Đoạn thơ trên đã gợi lại những kỉ niệm về người bà yêu kính của tác giả và tình bà cháu thiêng liêng, ấm áp, thâm sâu.
“Chờn vờn sương sớm” là một hình ảnh gợi cảm, quen thuộc với phong cách sinh hoạt của những người dân quê cần cù, chịu thương, chịu khó. Từ “ấp iu” là ôm ấp trong lòng một cách nâng niu. Với từ “ấp iu”, nhà thơ đã diễn tả được tình cảm nồng nàn, sâu đậm và rất mực quý yêu của bà đối với cháu.
Vì nhớ đến bếp lửa nên nhà thơ nhớ thương bà một đời vất vả. Nghệ thuật điệp ngữ “một bếp lửa” đã nhấn mạnh tâm trạng xúc động của Bằng Việt về bà. Những câu thơ tiếp theo, nhân vật trữ tình khơi lại kỉ niệm buồn thời thơ ấu do chiến tranh gây ra:
Lên bổn tuổi, cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn, đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
Cuối năm 1944, đầu năm 1945 (lúc nhà thơ lên bốn tuổi), miền Bắc nước ta có trên hai triệu đồng bào bị chết đói. Xác người đầy đường, đầy đồng. Đúng là “năm đói mòn, đói mỏi”. Để chăm lo cho con, cha của nhà thơ phải lao động rất cật lực, làm nghề “đánh xe”. Cụm từ “khô rạc ngựa gầy” có sức gợi tả lớn nỗi thống khổ của người lẫn vật, đồng thời nỗi xót xa, thương cảm trong lòng độc giả cứ thế trào dâng. Chính vì vậy mà đến năm 1963 (năm nhà thơ 19 tuổi, viết bài thơ này) cái cảm giác cay đắng, xốn xang của chuỗi ngày gian khổ, thiếu thốn vẫn còn in đậm trong tiềm thức của nhà thơ: “Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”.
Vắng cha mẹ, suốt tám năm ròng, cháu sống trong sự đùm bọc, cưu mang, che chở của người bà. Hai bà cháu quây quần bên bếp lửa hồng:
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa.
Hơn nữa, bà như một chỗ dựa tinh thần của cháu:
- Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
- Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.
Đặc biệt, trong đoạn thơ, âm thanh của tiếng chim tu hú được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để khơi gợi những hoài niệm tha thiết, những nỗi nhớ mong khắc khoải trong lòng đứa cháu đang ở phương trời xa:
- Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
- Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
- Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Tu hú là một loài chim ăn sâu bọ, lớn hơn sáo, có lông màu đen huyền hoặc điểm những đốm trắng, hay kêu vào đầu mùa hè. Tiếng tu hú kêu báo hiệu một mùa lúa chín vàng cả cánh đồng. Tiếng tu hú thân thuộc là tiếng vọng đồng quê. Những âm thanh ấy đã khơi gợi những hoài niệm tha thiết, những nỗi nhớ mong khắc khoải trong lòng đứa cháu đang sống ở phương trời xa. Vậy nên, nỗi nhớ của nhà thơ đã chắp cánh bay cao hòa quyện với nỗi nhớ quê hương, đất nước trăm quý ngàn yêu.
Tóm lại, trong kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam có nhiều bài thơ viết về người bà, nhưng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt vẫn có một vị trí đặc biệt và để lại sức rung, sức gợi sâu xa trong lòng những độc giả yêu thơ, say thơ. Bằng ngôn ngữ cô đúc, truyền cảm, hàm súc, đoạn trích thơ trên đây như lời nhắn nhủ chúng ta hãy uống nước nhớ nguồn bằng hành động kính yêu, biết ơn ông bà ruột thịt. Đó là suối nguồn tình cảm đẹp muôn thuở, là đạo lí mà mỗi con người cần phải biết bồi đắp, nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời mình.
Copyright © 2021 HOCTAP247