Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Bếp lửa - Bằng Việt Phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa

Phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa

Hướng dẫn giải

      Bếp lửa của Bằng Việt là chuỗi những dòng kí ức tuổi thơ đẹp đẽ và hơn hết những kỉ niệm đó luôn gắn với người bà thân yêu. Chỉ với một bài thơ bảy khổ nhưng đã khắc họa những phẩm chất cao quý, đẹp đẽ của bà. Bà cũng chính là biểu tượng của những người mẹ Việt Nam vĩ đại, luôn hi sinh hết lòng vì con, vì cháu. Tất cả những vẻ đẹp ấy được thể hiện một cách chân thực nhất, đấy đủ nhất qua những dòng thơ thấm đẫm tình yêu thương.

      Hình ảnh bà trong dòng kí ức tuổi thơ cháu hiện lên thật gần gũi, thiêng liêng với tình yêu thương vô bờ, sự che chở và bao bọc. Cứ thế qua từng câu thơ, từng con chữ những đức tính, sự hinh sinh của bà được khơi ra với lòng biết ơn, tự hào sâu sắc của tác giả.

      Ba câu thơ đầu với hình ảnh bếp lửa là mạch nguồn khơi dậy hình ảnh người bà thân thương: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương ba biết mấy nắng mưa. Bếp lửa với ánh lửa lung linh, bập bùng vào sáng sớm gợi nên điều gì đó thật thân thương, gần gụi. Hai chữ ấp iu vừa diễn tả được cái khéo léo trong công việc nhóm lửa của bà, nhưng đồng thời còn cho thấy tấm lòng bao dung, nhân hậu toát ra từ những cử chỉ ấy. Từ hình ảnh bếp lửa, bằng tình cảm chân thật, tự nhiên tác giả đã bật lên: Cháu thương bà biết mấy nắng mưa. Đó là câu thơ dồn nén biết bao tình cảm chân thành, ẩn dụ nắng mưa tượng trưng cho những khó khăn cực nhọc trong đời bà. Đồng thời đó cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi day dứt trong lòng Bằng Việt. Hình ảnh bà hiện lên thật nhẹ nhàng, sâu lắng và những phẩm chất đẹp đẽ của bà lần lượt hiện ra rõ nét ở những khổ thơ tiếp theo.

      Bà là người phụ nữ tảo tần, chịu thương, chịu khó. Trong những năm cả dân tộc ta sống trong đói kém, cái đói đã giết chết biết bao nhiêu người dân Việt Nam, nhưng bà vẫn tần tảo, nuôi cháu khôn lớn. Quá khứ về những năm đói kém ấy hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết qua cách thể hiện ngôn từ đặc sắc đói mòn đói mỏi và hình ảnh đầy sự ám ảnh Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy. Mỗi lần cháu nghĩ lại vẫn còn cay cay nơi đầu sống mũi. Khổ thơ không một lần nhắc đến bà, nhưng vẻ đẹp của bà vẫn hiện hữu, vẫn thật lớn lao, đẹp đẽ, đó là vẻ đẹp của sự hi sinh thầm lặng. Bà tảo tần nuôi nấng, bà là cây cổ thụ to lớn che chở cho cháu và cả gia đình vượt qua những giống tố cuộc đời. Dáng bà nhỏ bé mà ý chí, sự hi sinh lại lớn lao vô cùng.

      Bà không chỉ tảo tần, chăm lo cho gia đình mà bà còn là người nuôi dưỡng, bảo ban cháu khôn lớn trưởng thành. Bà vừa làm bà, vừa làm cha mẹ bao bọc, che chở cho cháu. Tám năm cha mẹ xa nhà, bận công tác ở chiến khu là tám năm cháu được sống trong vòng tay yêu thương, ấm áp của bà. Bà với một tình yêu thương thầm lặng, mỗi ngày đều bảo ban, dạy dỗ cháu: Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học. Chính bà là là người đã nuôi dưỡng tâm hồn cháu bằng việc kể những câu chuyện ở Huế để nhắc nhở cháu về truyền thống gia đình, về những đau thương mất mát của dân tộc. Bà còn bảo ban, dạy cháu từng chút từng chút một để cháu ngày một khôn lớn trưởng thành trong suy nghĩ và nhân cách. Hàng loạt các từ bà bảo, bà dạy, bà chăm đã diễn tả sâu sắc tình yêu thương bao la, sự chi chút hết mình bà dành cho cháu.

      Không chỉ vậy, bà còn là trụ cột vững chắc trong gia đình, là hậu phương lớn để con cháu yên tâm công tác. Mặc kệ Giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi, dù chiến tranh có tàn phá khốc liệt hơn nữa, bà vẫn vững lòng trước những thử thách: Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh/ Bố ở chiến khu bố còn việc bố/ Mà có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên. Câu thơ như lời bà nói, giản dị và chân thật biết nhường nào, nhưng nó có sức lay động lớn đối với mỗi chúng ta. Bà không chỉ là chỗ dựa cho đứa cháu thơ dại, dạy dỗ cháu học hành mà bà còn là hậu phương vững chắc cho những đứa con ngoài chiến trường yên tâm công tác. Hình ảnh bà gợi nhắc ta nhớ đến người bà trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy: Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất/ đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền/ thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn. Trước những bão tố chiến tranh, lòng bà vẫn vững vàng, tình yêu thương, sự bao dung và tấm lòng hi sinh chính là sức mạnh giúp bà giúp bà chống lại mọi khó khăn, gian khổ.

      Đẹp đẽ nhất, thiêng liêng, cao cả nhất chính bà là người đã khơi dậy những mơ ước, hi vọng, bà trao truyền sức mạnh phi thường của mình cho những thế hệ sau: Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng. Lòng bà luôn ủ sẵn một niềm tin dai dẳng, bền bỉ và bất diệt. Ngọn lửa của kỉ niệm, tình yêu thương sẽ nâng bước, soi sáng cho cháu trên suốt các chặng đường đời. Cùng với hình tượng “ngọn lửa”, các từ ngữ chỉ thời gian: “rồi sớm rồi chiều”, các động từ “nhen”, “ủ sẵn”, “chứa” đã khẳng định ý chí, bản lĩnh sống của bà, cũng là của người phụ nữ Việt Nam giữa thời chiến. Ở khổ thơ tiếp theo tác giả sử dụng hàng loạt điệp từ nhóm: Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo sẻ mới chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Từ hành động, bà đã nhóm dậy những gì thiêng liêng, cao quý nhất của con người: đó là tình yêu thương, niềm vui; sự san sẻ trong khó khăn của tình làng nghĩa xóm và đẹp đẽ nhất là những tâm tình, ước vọng của tuổi thơ. Nhờ có bà mà cháu biết sẻ chia, gắn bó với xóm làng, biết sống ân nghĩa thủy chung với quê hương, đất nước.

      Bằng sự kết hợp linh hoạt các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả và biểu cảm, giọng điệu hồi tưởng, đậm chất suy tư tác giả đã cho thấy chân dung ba thật cao cả, đẹp đẽ mà cũng hết sức thân thương, bình dị. Bà là hình ảnh tiêu tiểu cho người phụ nữa Việt Nam đảm đang, tần tảo và giàu đức hi sinh. Đồng thời bài thơ cùng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết yêu thương kính trọng ông bà và gia đình.

Copyright © 2021 HOCTAP247