Phân tích bài "Đoàn thuyền đánh cá" (Bài 4)

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

Hướng dẫn giải

    Không khí xây dựng cuộc sống mới, đã khiến toàn bộ sáng tác của Huy Cận thay da đổi thịt. Ta không còn thấy cái buồn rớt của một trí thức tiểu tư sản trước cách mạng, mà thay vào đó là hồn thơ say đắm, tha thiết yêu cuộc sống mới, con người mới. Những vần thơ ca ngợi là vần thơ chủ yếu trong giai đoạn sáng tác này của ông, trong đó nổi bật hơn cả là bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

    Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh của ông. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại, dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958).

    Huy Cận đã lựa chọn thời gian và không gian vô cùng đặc biệt, không phải là bình minh mà là khi hoàng hôn buông xuống, với không gian rộng lớn bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, mây, gió:

         Mặt trời xuống biển như hòn lửa

         Sóng đã cài then đêm sập cửa

         Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

         Câu hát căng buồm cùng gió khơi

    Lấy điểm nhìn trên con thuyền đang tiến ra phía biển, tác giả đã có cảm nhận độc đáo về hình ảnh mặt trời: mặt trời được ví như hòn lửa khổng lồ, đang dần dần lặn vào mặt biển. Huy Cận đã nắm bắt được khoảnh khắc chuyển động kì diệu giữa ngày và đêm, đồng thời cũng cho người đọc thấy vũ trụ như một ngôi nhà khổ lồ, là nơi để mặt trời nghỉ ngơi sau một làm việc. Khi màn đêm vừa mở ra khép lại không gian của một ngày. Giữa lúc vũ trụ, đất trời như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì con người ngược lại – bắt đầu hoạt động bằng những đoàn thuyền ra khơi đánh cá. Đoàn thuyền ra khơi với khí thế phơi phới, mạnh mẽ và niềm vui, sức mạnh của người lao động trên biển, làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi.

    Khổ thơ thứ hai là bài ca lao động tươi vui, rộn ràng: Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,/ Cá thu biển Đông như đoàn thoi/ Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng./ Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!” . Đây là khúc ca say sưa và ngập tràn hạnh phúc về sự phong phú, giàu có của biển cả. Cá như đoàn thoi, dệt lên những chiếc lưới đánh cá khổi lồ. Tiếng hát ngân nga, say sưa, vừa để gọi cá vào, vừa để chứng minh niềm vui, hạnh phúc khi được lao động. Đồng thời Huy Cận cũng rất tinh tế khi dùng từ “ta” thay cho từ “tôi”, không còn dấu vết cái “tôi” nhỏ bé, cô độc trước thiên nhiên trước kia, Huy Cận đã hòa mình vào cuộc sống, hòa vào những con người lao động. Cảnh ra khơi thật huy hoàng, đầy khí thế hứa hẹn.

    Con thuyền lướt đi trong niềm vui lao động, giữa biển cả bao la mà con người không hề bị nhấn chìm nhỏ bé:

         Thuyền ta lái gió với buồm trăng

         Lướt giữa mây cao với biển bằng,

    Hình ảnh con thuyền vô cùng đặc biệt, gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm no gió đang phăng phăng lướt trên mặt biển. Công việc đánh cá được nâng lên một tầm mới, nó như một trận đánh hào hùng mà trong đó con người đang chiến đấu, chinh phục biển cả bao la. Giữa con người và thiên nhiên, hòa nhập với nhau thật kì diệu, tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vóc vũ trụ. Không còn cái cảm giác nhỏ bé khi con người đối diện với trời rộng sông dài như trong thơ Huy Cận trước cách mạng. Hình ảnh thơ thật lãng mạn, bay bổng và tâm hồn con người cũng thật vui vẻ, phơi phới. Công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.

    Biển ca bao la, với sự trù phú vô bờ, với việc vận dụng biện pháp điệp ngữ, cùng trường liên tưởng thú vị, Huy Cận đã làm nổi bật vẻ đẹp nên thơ của biển cả về đêm: Cá nhụ cá chim cùng cá đé/ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe/ Đêm thở sao lùa nước Hạ Long. Tác giả liệt kê sự giàu có của biển cả bằng cách kể tên các loài cá và tập trung miêu tả màu sắc chủ chúng trong đêm trăng. Đó đều là những loài cá quý ở vùng biển nước ta, mang lại những giá trị kinh tế lớn. Hình ảnh ẩn dụ độc đáo: “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” gợi liên tưởng đến con cá dưới ánh trăng, cùng những chiếc vẩy trở nên lung linh, huyền ảo hơn. Nhưng đẹp nhất là hình ảnh “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”: Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như quấy ánh trăng tan ra, hòa trộn vào làn nước. Bằng những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, thơ Huy Cận khiến cho cảnh thiên nhiên thêm sinh động. Tất cả hòa vào nhau, làm nên một bức tranh hòa nhịp kì diệu giữa thiên nhiên và con người lao động.

    Không chỉ ca ngợi sự giàu có của biển cả, mà những người dân chài lưới còn thể hiện lòng biết ơn với mẹ biển bao la:

         Biển cho ta cá như lòng mẹ

         Nuôi lớn đời ta tự buổi nào

    Câu thơ là lời cảm tạ, là lời biết ơn chân thành sâu sắc với biển cả quê hương. Đồng thời còn gợi lên sự giao hòa, thân thiết, ưu ái con người với biển quê hương rất ân tình, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của con người với biển cả hùng vĩ. Biển được ví như người mẹ với người dân chài, thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, trận trọng và gắn bó như ruột thịt.

    Không khí lao động càng trở nên khẩn trương hơn, khi ánh bình minh đã gần ló rạng. Hình ảnh con người nổi bật trên nền trời đang sáng dần, ửng hồng: Những đôi tay kéo lưới thoăn thoắt gợi lên sự khỏe khoắn, rắn rỏi, bắp tay cuồn cuộn của người dân chài khi kéo về mẻ lưới đầy cá nặng. Khổ thơ cuối cùng là bài ca vui vẻ và hào sảng nhất về thành quả lao động của những người dân chài lưới: Câu hát căng buồm cùng gió khơi/ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời/ Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. Khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu quê hương của những con người kiên cường, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực. Đoàn thuyền được đặt sánh ngang với hình ảnh mặt trời, cho thấy sức mạnh, sự kì vĩ của con người, họ tiến lên làm chủ thiên nhiên. Hai câu kết, mang đến hình ảnh thật đẹp, đó là một cảnh tượng huy hoàng giữa bầu trời và mặt biển, giữa thiên nhiên và thành quả lao động của con người.

    “Đoàn thuyền đánh cá” là khúc ca ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, ngập tràn niềm vui phơi phới. Đồng thời cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ lộng lẫy của thiên nhiên. Cùng với đó là sự kết hợp các hình ảnh thơ kì vĩ, giàu tính biểu tượng, ngôn ngữ, âm điệu vui tươi khỏe khoắn, phơi phới bay bổng đã tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Copyright © 2021 HOCTAP247