Cùng tham khảo bài cảm nhận Trao duyên được CungHocVui tổng hợp và biên tập lại dưới đây. Bài cảm nhận được đánh giá cao, chi tiết giúp bạn có thể nhiều gợi ý hoàn thành bài văn một cách tốt nhất.
Cảm nhận trao duyên chi tiết, hay nhất
Nguyễn Du- nhà đại thi hào, bức tượng đài bất tử trong nền văn học Việt Nam. Ông đã sinh ra trong thời kỳ lịch sử đầy bão táp và biến động. Nguyễn Du đã chứng kiến bao sự bất công, bao mảnh đời bất hạnh bị đồng tiền thao túng, bị quyền lực chà đạp. Có lẽ vì vậy, văn thơ của ông luôn có sự cảm thông sâu sắc với mảnh đời của người phụ nữ cùng thời. Một trong số tác phẩm của ông phải kể đến kiệt tác "Truyện Kiều" cùng đoạn trích "Trao duyên" mang âm hưởng đầy đau xót của bi kịch một tình yêu đẹp bị đứt đoạn. Đoạn trích khắc họa tình cảnh trao duyên trớ trêu của hai chị em Thúy Vân - Thúy Kiều cùng sự đau khổ tuyệt vọng của Kiều khi mộng ước tình yêu vỡ tan.
Xem thêm:
Thuyết minh Trao duyên truyện Kiều
Dàn ý cảm nhận trao duyên truyện Kiều
Mối tình Thúy Kiều- Kim Trọng đã làm biết bao người đời ngưỡng mộ. Trai tài gái sắc, một lòng thủy chung, trăng sáng chứng giám lời thề. Thế mà cuộc đời bẽ bàng, Kim Trọng trong một lần về quê chịu tang chú ruột, biến cố đột nhiên ập đến với gia đình Thúy Kiều chẳng thể ngờ tới.
Để cứu lấy gia đình, Kiều buộc phải bán mình cho Mã Giám Sinh, dở dang lời thề son sắt cùng chàng Kim. Ở trên đời, có mấy ai tự nguyện đem tình duyên của mình trao cho người khác? Hoàn cảnh éo le buộc Kiều không thể làm khác đi. Chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện cả đời, vì thế trao duyên thật là một chuyện khó nói và tế nhị. Vì thế ngay từ đầu, Thúy Kiều đã:
"Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em."
Hàng loạt từ ngữ tinh tế khiến bối cảnh trao duyên trở nên thiêng liêng, đầy sự khẩn thiết. Từ ngữ thể hiện sự nhún nhường trong cả lời nói và hành động: là "cậy” là “lạy” là “chịu”, “thưa". Từ “Cậy” được sử dụng với rất nhiều tầng nghĩa. Nó không chỉ thể hiện sự van nài mà còn mang theo sức mạnh niềm tin và tình chị em, rằng chỉ có Vân là người duy nhất Kiều tin cậy để gửi gắm nỗi niềm này. Dẫu là chị, là người ở trên Vân nhưng từ những câu thơ đầu tiên Kiều đã đặt bối cảnh mình là người mang ơn, là kẻ ở dưới nhờ cậy Vân.
Xem thêm:
Phân tích 14 câu giữa bài Trao duyên của truyện Kiều
Dàn ý phân tích 14 câu giữa bài Trao Duyên
“Gánh tương tư” có bao giờ nhẹ nhàng gì. Thúy Kiều đủ thông minh để hiểu những thiệt thòi, bẽ bàng nếu em mình chấp nhận mối duyên tình “tơ thừa” dang dở này của mình. Vì vậy lời nhờ cậy còn bao dè dặt, khó nói, chẳng hề bắt ép mà "mặc em" quyết định. Tất cả đều thành công khắc họa cách ứng xử đầy sự tinh tế, sắc sảo của Kiều. Để thuyết phục em gái, Kiều đã kể về tình cảnh éo le của bản thân cùng mối tình dang dở khắc cốt ghi tâm với Kim Trọng:
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
Mối tình Thúy Kiều- Kim Trọng sâu như biển rộng. Họ đã từng trải qua bao kỉ niệm “ngày quạt ước”, “đêm chén thề”, cùng nhau thề nguyện suốt đời, suốt kiếp. Quá khứ càng tươi đẹp thì hiện thực càng tàn khốc, tựa như ngàn vạn mũi tên đớn đau, tê tá khiến cho người đọc không khỏi xót xa. Ấy vậy, giữa những nghiệt ngã cuộc đời, giữa chữ “hiếu” với chữ “tình”, nàng đã chọn làm tròn chữ " hiếu". Hi sinh tình cảm son sắt trong tim, trái tim nàng như chết đi một một nửa.
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây”
Thúy Kiều và Thúy Vân đều tươi tắn sắc xuân, đều cùng là “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”. Ấy vậy Kiều lại nói “ngày xuân em vẫn còn dài”, vậy những “ngày xuân” của nagf sẽ về nơi nào? Phải chăng, ngay khoảnh khắc này, Kiều đã phần nào đó đoán được tương lai bẽ bàng và hiu hắt không xa của mình. Câu thơ tưởng chừng chỉ là lời thở than nhưng giờ đây lại mang một tầng nghĩa đầy đau đớn.
Xem thêm:
Phân tích 14 câu đầu bài trao duyên
Phân tích tâm trạng Thúy Kiều khi trao duyên
Thúy Kiều mong Thúy Vân nghĩ tới tình cảm chị em mà chấp nhận lời khẩn cầu này. Nàng thuyết phục em gái mình một cách có lý, có tình hết sức khéo léo. Sáu câu thơ tiếp theo là cảnh Thúy Kiều trao những kỷ vật tình cảm sâu sắc của mình cho em gái với bao luyến lưu cùng mối duyên tình còn hoài vương vấn chẳng thể đặt xuống:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”
Nàng trao lại cho em “chiếc vành”, “bức tờ mây” cùng những kí ức về “phím đàn với mảnh hương nguyền” giữa mình và chàng Kim. Kỷ vật vô tri vô giác ấy thế khi trao đi tâm can nàng như bị xé thành hàng trăm mảnh. Trong vô vọng, nàng vẫn muốn giữ lời thề, nàng hy vọng em gái có thể giúp mình nối tiếp đoạn tình đứt đoạn này, thay nàng đem lại cho Kim Trọng hạnh phúc. Chỉ thế thôi thì dù cho “thịt nát xương mòn” thì nàng vẫn có thể thanh thản mà ra đi.
Cảm nhận về đoạn trích trao duyên trong truyện Kiều
Như lời di nguyện cuối cùng, Thúy Kiều đã thấy cái chết bên kia bờ vực thẳm rồi. Lời thơ thật ảm đạm, xót xa. Hai từ “của chung” với bao sự ngập ngừng, ngượng nghịu của Kiều. Tâm trạng nàng rối bời khi phải tự tay trao những tín vật tượng trưng cho đoạn tình cảm nàng khắc cốt ghi tâm. Hiện thực cùng lý trí biết phải từ bỏ này nhưng con tim lại chần chừ, đau đớn. Từng câu từ chữ đều thấm đượm một sự mất mát, tiếc nuối.
Ta dường nghe được tiếng lòng nàng đang nức nở, khóc thương cho tình cảm rung động chân thành nhưng lại va phải những ngang trái cuộc đời.
Dù bản thân Thúy Kiều cũng chỉ là nạn nhân xấu số của hoàn cảnh nhưng Kiều vẫn luôn nghĩ mình là người phụ tình cảm chàng Kim. Kiều cảm thấy mình đã phụ bạc người yêu, nàng nhận hết mọi lỗi lầm về mình. Sau khi trao hết đoạn tình duyên dang dở, lòng Thúy Kiều rối như tơ vò. Nàng nhớ tới bóng hình của chàng trai mà mình hằng thương nhớ, tiếng lòng xót xa cùng lời xin lỗi và lời từ biệt cứ thế tự nhiên thốt lên:
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây
Nàng than thở “cái phận bạc như vôi” rồi tự nhận hết tất thảy sự bất công này, rằng nàng là kẻ vong tình phụ bạc trong tình cảm này. Nàng dằn vặt đến tột cùng vì đã chẳng thể giữ được lời thề, để tình duyên đứt gánh giữa đường. Vừa như một lời xin lỗi đến Kim Trọng vừa muốn nhận được chàng sự cảm thông.
Tình duyên ngăn trở vì “ phận bạc” chứ đâu vì sự đổi thay của lòng người. Thật đau xót cho số phận đầy đắng cay tủi hờn của Kiều, duyên tình dẫu đẹp đẽ nhưng lại ngắn ngủi, đau buồn. Đoạn trích khép lại với bao ngổn ngang trong lòng bạn đọc về những số phận bất hạnh trong tác phẩm.
Xem thêm:
Bài cảm nhận 14 câu giữa bài trao duyên
Phân tích 18 câu đầu bài trao duyên
Với biệt tài sử dụng ngôn từ khéo léo và tài tình, Nguyễn Du đã làm sống dậy một Kiều thủy chung, son sắt, tài hoa nhưng bạc mệnh trước mắt người đọc. Qua từng cung bậc cảm xúc sâu sắc, người đọc cảm thấy tiếc thương, cảm thông cho một Thúy Kiều hiếu thảo trọng nghĩa sinh thành nên đành phải hy sinh hạnh phúc của bản thân, hi sinh chính cuộc đời mình. Một đóa hồng rực rỡ nhưng “phận bạc như vôi”, một mối tình tuyệt đẹp nhưng lại lỡ duyên… Tất cả đều khiến cho đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều trở thành một nốt dư âm mãi không phai trong lòng người đọc.
Copyright © 2021 HOCTAP247