Suy nghĩ về bài thơ Nam quốc sơn hà
Bài thơ Nam quốc sơn hà được coi là bản tuyên ngôn Độc lập của dân tộc ta cách đây hơn một nghìn năm. Bài thơ chữ Hán này được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (Thể thơ này có 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Trong mỗi câu chữ thứ hai và thứ sáu phải khác thanh với chữ thứ tư. Chữ thứ tư là cái tâm đôi xứng (theo luật đòn cân thanh điệu): B(2) T(4) B(6) hoặc T(2) B(4) T(6)). Đây là văn bản biểu ý. Bố cục của bài thơ rất rõ ràng. Mở đầu, tác giả đưa ra một tuyên bố rất dứt khoát:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Giới phận đó đã được định rõ ràng ở sách trời.
Hai câu thơ vang lên sang sảng thể hiện sự tự hào, tự tôn dân tộc. Bởi ta có núi, có sông làm thành một Nam quốc (nước Nam), có đế (vua) và đặc biệt là giới phận đã rõ ràng, không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Có thể nói hai câu đầu là một lời tuyên ngôn về độc lập, chủ quyền của nước ta. Trước hoạ xâm lăng của quân thù, niềm tin vào độc lập, chủ quyền vừa tiếp thêm sức mạnh cho quân sĩ vừa thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước nồng nàn, lòng căm thù sâu sắc quân xâm lược. Tiếp đó, tác giả luận bàn đến sự phi nghĩa bạo ngược của giặc ngoại xâm: Cớ sao mà kẻ thù lại dám đến xâm phạm. Xâm phạm tới “Nam quốc”, âm mưu biến Đại Việt thành quận huyện của Trung Quốc là làm trái với sách trời. Quân dân Đại Việt sẽ thay trời trị giặc. Từ đó tác giả khẳng định: Chúng mày sẽ xem sự thất bại (mà chúng mày) phải nhận lấy. Câu thơ khẳng định niềm tin chiến thắng. Chiến thắng bởi ta có chính nghĩa, chiến thắng bởi hành động của quân giặc là phi nghĩa, là trái với đạo trời.
Bố cục của bài thơ rõ ràng mạch lạc. Cách lập luận của bài thơ thuyết phục người đọc, người nghe từ đầu đến cuối: Nước Nam là một nước có chủ quyền, chủ quyền ấy là lẽ tự nhiên của trời đất. Chính vì thế, những kẻ làm trái đạo trời đi ngược lẽ phải tất sẽ thất bại.
Bài thơ sử dụng từ ngữ xác đáng. Các từ đế, cư, tiệt nhiên, thiên thư, thủ bại đã góp phần khẳng định chân lí thiêng liêng cao cả: Nước Việt Nam là của người Việt Nam, nước Việt Nam là một nước độc lập.
Copyright © 2021 HOCTAP247