Tả một người suốt đời gắn bó với một trò chơi dân gian (Vua diều Sài Gòn)
Ông tên là Nguyễn Thanh Vân, ngoài 60 tuổi (2009). Nước da nâu, thân hình rắn rỏi, đôi tay khéo léo, bước đi nhanh nhẹn. Ông rất vui tính, thỉnh thoảng lại nheo mắt cười.
Ông chơi diều từ năm lên 6 tuổi. Con diều sáo đã trở thành đời sống tinh thần của ông hơn nửa thế kỉ qua. Hiện nay, ông là chủ nhiệm câu lạc bộ diều Phượng Hoàng.
Vua diều tự chế ra hàng trăm loại sáo diều. Diều chưa bay lên mà sáo đã kêu vi vu. Ông có thể làm đủ loại diều. Diều rô mang dáng hình rồng. Diều khung xương có hình dáng những con vật như công, bươm bướm, chuồn chuồn,... Diều khí động học khổng lổ, có con được đặt tên là Bạch tuộc dài 12 mét, nặng trên 10 kí. Tại hội thi diều Victoria của Hội An cuối tháng 5-2009, ông đem con diều Đại Bạch Tuộc đến dự thi. Con diều dài 45 mét và nặng đến 25 kí làm cho thiên hạ phải lác mắt. Hàng chục tiếng sáo đủ âm thanh trầm bổng, réo rắt, vi vu,... từ trời cao vọng xuống. Đang lúc bay lượn thì một cơn dông ào đến, nó bị đứt dây, khiến nó phải bị “giáng” từ Giải nhất của hội thi diều hằng năm xuống Giải nhì (hội thi không có Giải nhất).
Trong các hội thi thả diều, ông Vân thường “hốt” các giải cao nhất. Ở Festival diều quốc tế tại Vũng Tàu, bốn con diều khí động học của ông mang cờ và biểu tượng của 16 nước đã được Ban tổ chức chọn mở màn.
Sài Gòn bây giờ hiếm có bãi để thả diều. Nhưng ông Vân vẫn làm diều để bán, làm diều để dự thi. Chưa thấy người nào được trẻ em yêu quý như ông. Một chiều hè, ngồi giữa bãi cỏ thả diều, hàng trăm em bé cứ quây quần quanh ông, cùng nằm ngửa ngước mắt lên bầu trời xanh ngắm nghía, chỉ trỏ và nghe tiếng sáo diều vi vu.
Copyright © 2021 HOCTAP247