Thuyết minh về thơ lục bát
Thơ lục bát là một thể thơ cách luật cổ điển thuần túy Việt Nam. Đơn vị cơ bản là một tổ hợp gồm hai câu sáu tiếng và tám tiếng, số câu không hạn định.
Về gieo vần, chủ yếu là vần bằng, và cứ mỗi cặp hai câu mới đổi vần, tiếng cuối câu sáu vần với tiếng thứ sáu của câu tám, rồi tiếng cuối câu tám lại vần với tiếng cuối câu sáu sau, như thế ngoài vần chân có cả hai câu 6 -8, lại có cả vần lưng trong câu tám:
“Thành tây có cảnh Bích câu,
Cỏ hoa họp lại một bầu xinh sao.
Đua chen thu cúc xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông”.
(Bích Câu kì ngộ)
Về phối thanh, chỉ bắt buộc các tiếng thứ tư phải là trắc, các tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám phải là bằng, nhưng trong câu tám các tiếng thứ sáu thứ tám phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu hoặc ngược lại:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Trong thơ lục bát biến thể, những quy định trên có thay đổi chút ít, trước hết là sốchữ có thể tăng thêm, và vần lưng tất nhiên cũng xê dịch theo:
“Tiền bạc ông lĩnh không biết bao cơ
Ông làm quan giữa huyện dân có ăn nhờ chi ông.”
Về phối thanh, tiếng thứ hai có thể là thanh trắc, nhất là ở câu sáu có tiểu đối:
“Dù mặt lạ, đã lòng quen”.
(Bích Câu kì ngộ)
Ngoài ra có thể gieo vần trắc, hệ thống bằng trắc trong tổ hợp hai câu sáu - tám, do đó cũng thay đổi:
“Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi.”
Vần lưng có thể ở tiếng thứ hai, nhất là ở tiếng thứ tư, và lúc đó tiếng thứ tư đổi qua thanh bằng, và tiếng thứ sáu tiếp theo phải đổi sang thanh trắc:
“Thằng Tây mà cứ vẩn vơ
Có hố này chờ chôn sống mày đây.”
(Phá đường, Tố Hữu)
“Núi cao chi lắm núi ơi?
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”
(Ca dao)
Thể thơ lục bát phản ánh và cô kết trung thành những phẩm chất thẩm mĩ của tiếng Việt, với cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp giản dị mà biến hóa vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng, nó rất dồi dào khả năng diễn tả những tiếng nói tâm tình kín đáo, ý nhị của các tác giả dân gian.
Copyright © 2021 HOCTAP247