Đề bài: Thuyết minh về một loài vật nuôi
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Những câu thơ của Xuân Quỳnh thật hay và đặc sắc để nói về loài gà – một loại vật nuôi quen thuộc trong gia đình Việt Nam. Không chỉ vậy gà còn là người bạn, chiếc chuông báo thức cho cha ông ta. Gà và con người gần gũi với nhau là vậy, nhưng chưa chắc các bạn đã biết hết về loài vật yêu quý này.
Gà hay có tên gọi khác là kê, vốn là họ nhà chim, đã được con người thuần hóa cách đây hàng nghìn năm. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng, gà có nguồn gốc từ loài chim hoang dã ở Ấn Độ và loài gà rừng lông đỏ ở Đông Nam Á. Trải qua hàng nghìn năm thuần hóa, gà mới có hình dạng và tập tính như ngày nay.
Hiện nay có nhiều giống gà khác nhau như: gà lông xù có nguồn gốc từ Trung Quốc; gà tây hay còn được gọi là gà lôi, với thân hình to lớn, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ; Gà sao hay còn gọi là gà trĩ có nguồn gốc từ Châu Phi; gà VCN là giống gà lai công nghiệp siêu trứng; gà tre Tân Châu là giống gà bản địa của Việt Nam với dáng nhỏ, màu sắc rực rỡ, hay được lựa chọn làm gà cảnh,… Gà được phân chia rất đa dạng, với nhiều giống gà phong phú, mỗi loại lại có những đặc điểm khu biệt.
Gà là động vật lông vũ, giữa gà trống và gà mái có những đặc điểm khác nhau rất dễ để phân biệt. Gà trống có bộ lông sặc sỡ, bóng bẩy, cùng chiếc đuôi dài uốn cong rất đối hùng dũng, và trên vành cổ thường có lông nhọn, có mào đỏ ở trên đầu, ngoài ra gà trống trưởng thành còn có những chiếc cựa lớn ở dưới chân dùng để đào bới thức ăn và chiến đấu với những con gà trống khác. Gà mái có màu lông kém rực rỡ hơn, thương là màu nâu đất, cũng không có cựa ở chân như gà trống. Gà mái có thân hình thon, nhỏ, nhiều lông tơ. Cả gà trống và mái đều có mào và yếm thịt, tuy nhiên ở đa số giống gà thì những đặc điểm này chỉ nổi bật ở gà trống. Chân của gà được phủ bằng lớp vảy sừng, lớp vảy này giúp bảo vệ chân gà khi chúng đào bới hoặc chiến đấu. Chân gà thường chúng có bốn ngón, ba ngón trước và một ngón sau giúp gà di chuyển linh hoạt, các ngón chân khỏe giúp chúng trong việc bới rác tìm thức ăn. Cánh gà được bao phủ bằng các lớp lông ống xếp chồng lên nhau. Mặc dù có cánh nhưng gà không bay được hoặc chỉ bay được một đoạn ngắn. Những chiếc lông vừa giúp gà di chuyển thăng bằng vừa làm đẹp cho hình thể của chúng, đặc biệt là gà trống để thu hút gà mái.
Về đặc tính của loài gà, chúng là loài sống theo bầy đàn. Các con trong cùng một đàn sẽ tranh giành nhau dành ưu thế, con nào chiếm ưu thế, đứng đầu đàn sẽ nhận về những đặc quyền về thức ăn và nơi ở. Khi một con trong đàn mất đi thì quy luật này sẽ bị phá vỡ, nhưng trật tự này sẽ nhanh chóng được thiết lập lại. Ngoài ra, tập tính của chúng còn phải kể đến việc gáy của gà trống vào buổi sáng để báo hiệu các gà trống khác về lãnh thổ. Tiếng cục tác của gà mái thường xuất hiện sau khi đẻ trứng hoặc dùng để gọi con. Đây là những tập tính cơ bản của loài gà.
Gà là giống vật nuôi quen thuộc, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi gia đình. Gà là nguồn thức ăn, cho thịt và cho trứng. Trứng và thịt gà giàu dinh dưỡng, hàm lượng đạm cao, cung cấp các chất dưỡng chất cần thiết cho cơ thể con người. Không chỉ vậy, với những gia đình có trang trại nuôi gà lớn, thì chăn nuôi gà cũng là cách thức để phát triển kinh tế cho gia đình. Bên cạnh đó gà còn là con vật để giải trí như gà trọi, gà cảnh, giúp con người khuây khỏa sau những ngày làm việc căng thẳng. Xa xưa, khi ông cha ta chưa có đồng hồ, thì gà chính là người bạn, chiếc đồng hồ báo thức gọi mọi người dậy cho kịp giờ làm đồng.
Về phương diện văn hóa, gà là một trong mười hai con giáp, có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa phương Đông. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình tượng gà trống có một vị trí quan trọng, với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Theo quan niệm Nho giáo, gà là đại diện cho người quân tử với năm đức tính: Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín. Ngoài ra, gà còn gợi khởi nguồn cảm hứng sáng tác như: bức tranh dân gian Đồng Hồ hình ảnh đàn gà ríu rít quanh chân mẹ, hay con gà cục tác lá chanh bên cạnh những chú lợn ủn ỉn. Những nét vẽ đơn sơ, với nghệ thuật pha màu tài tình đã vẽ lên đời sống làng quê Việt Nam. Không chỉ vậy, gà con đi vào đời sống văn học với con gà trắng trong truyện An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy; những câu ca dao, tục ngữ thể hiện đời sống tâm hồn, những bài học kinh nghiệm của ông cha ta: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” hay “Cõng rắn cắn gà nhà”,… những câu thơ của Xuân Quỳnh hình ảnh đàn gà hiện lên cũng thật sinh động: “Này con gà mái mơ/ Khắp mình hoa đốm trắng/…”.
Gà là vật nuôi gần gũi, có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Với hình dáng nhỏ nhắn nhưng bước đi oai vệ con gà trống đã trở thành biểu tượng của niềm tin, sức mạnh, của niềm mơ ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.
Copyright © 2021 HOCTAP247