Đề bài: Thuyết minh về cây lúa.
Ông cha ta xưa đã từng có câu:
Trời mưa cho lúa thêm bông
Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền
Là một nước có nền văn hóa nông nghiệp, nên lúa nước là một loài cây vô cùng quan trọng đối với nhân dân ta. Cây lúa gắn bó, gần gũi với đời sống nhân dân hàng ngày, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về giá trị, ý nghĩa của nó.
Cùng với ngô, sắn, khoai tây và lúa mì, lúa là một trong năm loại lương thực chính của thế giới. Có nhiều giả thuyết cho rằng, lúa châu Á có nguồn gốc tổ tiên là loài cây hoang dại, có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, Việt Nam ta chính là một trong những nơi đầu tiên có lúa trên trái đất. Ngoài ra giống lúa châu Phi, được thuần hóa từ 3500 năm trước công nguyên. Còn riêng cây lúa đối với Việt Nam đã xuất hiện từ thời văn hóa Phùng Nguyên khoảng 3500 – 2500 TCN, vào khoảng thời gian này người ta đã tìm thấy công cụ trồng lúa nước. Đến thời đại Văn Lang Âu Lạc thì nền nông nghiệp lúa nước của ta đã phát triển rực rỡ.
Lúa là loài thực vật nhóm cỏ, đã được con người thuần dưỡng hàng nghìn năm nay. Lúa có độ cao từ từ 60 – 80 cm, thân từ 2 – 3cm, lá lúa dẹt, mỏng và dài. Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau lúa sẽ có màu sắc lá thay đổi. Lúa là loại dễ chùm, thường được trồng ở những vùng nước, ngoài ra cũng có loại lúa trồng cạn, nhưng loại này ít phổ biến hơn. Lúa cần ngập một phần trong nước để đảm bảo luôn có lượng nước cần thiết cho chúng phát triển và hạn chế sự phát triển các loài cỏ dại. Ngoài ra ở một số vùng nước cao cây lúa có thể cao từ 1m đến 1m8, loại này được gọi là lúa nổi, thân chúng dài như vậy để tránh úng nước, dẫn đến thối, hỏng. Lúa không cần các loài côn trùng, hay các tác nhân như gió để thụ phấn, mà chúng là loại tự thụ phấn, sau khi thụ phấn phôi nhũ phát triển thành hạt, chất tinh bột từ dạng lỏng, qua thời gian sẽ đông đặc lại và có màu trắng sữa, khi đó chúng đã trở thành hạt gạo, chờ ngày chín để gặt đem về. Lúa được chia làm hai loại: lúa nếp và lúa tẻ. Lúa nếp có mùi thơm hơn, thường để đồ xôi, làm bánh; còn lúa tẻ là cây lương thực chính hàng ngày của người dân Việt Nam. Trong lúa tẻ lại được chia làm nhiều tiểu loại, với từng đặc trưng riêng.
Cây lúa có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người. Là loại lương thực phổ biến ở các nước châu Á, duy trì sự sống, sinh trưởng của con người. Dù trong những bữa cơm đơn sơ, đạm bạc hay cầu kì đắt đỏ cũng không thể thiếu đi bát cơm trắng, thơm, dẻo ngọt. Không chỉ vậy, lúa con là loại lương thực xuất khẩu chủ lực của một số nước như: Thái Lan, Việt Nam,… đem lại nguồn ngoại tệ lớn. Cây lúa không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người, mà trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, cho đất nước.
Không chỉ vậy, mọi bộn phận của lúa đều được tận dụng, thân của chúng sau khi gặt về cho trâu bò ăn hoặc làm chất đốt. Vỏ trấu dùng làm chất đốt thay củi. Như vậy, có thể thấy, ở nông thôn cây lúa có vai trò cực kì quan trọng.
Không chỉ đem lại cho con người cuộc sống no ấm, đầy đủ mà cây lúa còn là biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam – văn minh lúa nước. Là biểu tượng cho người nông dân cần cù, mộc mạc, hiền làng chăm chỉ:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm mô hạt đắng cay muôn phần
Ngoài ra, sự phát triển của cây lúa không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế, xã hội mà nó còn có giá trị lịch sử. Bởi sự phát triển của cây lúa gắn liền với quá trình lịch sử nước ta, in những dấu ấn không thể phai mờ trong các thời kì lịch sử đầy thăng trầm. Chắc hẳn chúng ta vẫn không quên sự tích Bánh chưng bánh giày với chàng Lang Liêu cần cù, chịu khó được thần giúp đỡ tạo nên hai thứ bánh: bánh chưng – tượng trưng cho đất, và bánh giầy tượng trưng cho trời. Chỉ một hạt gạo bé nhỏ nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa, giá trị đối với đời sống tâm linh Việt Nam.
Lúa là loại lương thực phổ biến không chỉ của các nước châu Á mà đã trở thành lương thực của quan trọng của toàn thế giới. Cây lúa ngày càng khẳng định vững chắc hơn nữa, vị trí, vai trò của mình. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển, diện tích đất nông nghiệp, trong đó có diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp, cần có những biện pháp tích cực để đảm bảo diện tích trồng lúa, bởi đó cũng chính là cách đảm bảo an ninh lương thực.
Copyright © 2021 HOCTAP247